Ngành điện trong hành trình 'thay áo mới' cho làng Trớ

Gần 1 năm về 'làng mới', cư dân làng Trớ (Chư A Thai, Phú Thiện, Gia Lai) đã ổn định nơi ở, cơ bản ổn định sản xuất. Người dân làng Trớ gặp nhau vẫn gật gù bảo 'về làng mới là một quyết định đúng đắn' bởi nhờ đó mà cuộc sống của họ văn minh đúng nghĩa, trong đó, có một phần đóng góp của ngành điện.

Làng Trớ - 1 trong những thôn làng đặc biệt khó khăn của Gia Lai (thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) - trước đây nằm trên một ngọn núi cao, trong lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ. Khi công trình thủy lợi được xây dựng, làng được di dời về bãi đất bằng phẳng dưới chân núi Chư Hoai.

Công nhân ngành điện lắp đặt trạm biến áp 110kV và đường dây hạ áp tại làng Trớ

Công nhân ngành điện lắp đặt trạm biến áp 110kV và đường dây hạ áp tại làng Trớ

Để sắp xếp và tạo tiền đề cho các dự án phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, năm 2017, huyện Phú Thiện đã tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai ban hành chủ trương di dời, sắp xếp lại dân cư theo đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng đồng bào dân tộc tại chỗ của huyện Phú Thiện, trong đó có làng Trớ. Tháng 7/2019, cư dân làng Trớ chính thức về nhà mới. Lấy trục đường giao liên thông xã Chư A Thai qua làng làm trục kết nối chính, làng Trớ có tổng diện tích quy hoạch là 15ha, chia làm 7 khu dân cư với 141 lô đất, mỗi lô 600m2. 103 nhà dân cần di dời, các hộ không có đất sẽ được cấp đất để “an cư”, xung quanh các khu dân cư đều có đường giao thông. Nhà rông và sân chơi thể thao đặt tại trung tâm của làng.

Đi cùng với hành trình về làng mới của người dân, điện lực Gia Lai, cụ thể là điện lực Phú Thiện đã nỗ lực và nhanh chóng ưu tiên nguồn kinh phí để hoàn thiện hạ tầng điện, kịp thời góp thêm niềm vui là thắp sáng buôn làng ngay từ những ngày đầu tiên khi người dân tập quen với ngôi nhà mới. Cụ thể, đã bố trí hơn 1 tỷ đồng để đầu tư đường dây hạ áp và xây dựng trạm biến áp 110kV, đưa công tơ điện về sát nhà các hộ dân.

Do người dân làng chủ yếu là đồng bào Bahar và Jrai nên khi hoàn thành hệ thống điện - tức là xây dựng hạ tầng cơ bản, thì các cán bộ, nhân viên ngành điện tiếp tục thực hiện giúp người dân kéo điện đến tận ngõ, vào tận nhà, lắp từng bóng đèn, từng ổ cắm điện, rồi sau đó dành nhiều thời gian để hướng dẫn bà con cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Hành trình đi cùng người dân không dừng lại, mà liên tục đến nay điện lực Phú Thiện thường xuyên về kiểm tra, xử lý các đường dây điện tại thôn làng, hoàn thiện công trình chiếu sáng công cộng tại khu trung tâm để người dân có thể tham gia sinh hoạt cộng đồng trong ánh điện. Mới đây nhất, đầu tháng 6/2020, sau khi khảo sát và nắm tình hình, điện lực Phú Thiện đã phối hợp sửa chữa đường dây và hệ thống điện miễn phí cho hơn 30 hộ dân bị hư hỏng hệ thống điện do cơn lốc xoáy hồi tháng 5 vừa qua gây ra.

Vừa thử lại các công tắc điện, các thiết bị điện, chị Đinh Yih vui vẻ cho biết, hộ gia đình chị nằm trong số các hộ bị lốc xoáy “ngắt nguồn điện”. “May mắn là mình nhanh chóng được các chú thợ điện hỗ trở sửa chữa lại”, chị Đinh Yih nói và cho biết thêm “Từ ngày về làng mới nguồn điện đã mạnh hơn, ổn định hơn, vì vậy người dân bên cạnh ổn định sản xuất thoát nghèo cũng đã tự tin hơn sắm cho mình nhiều thiết bị sử dụng điện phục vụ cuộc sống”.

Sửa chữa hệ thống điện cho các hộ dân bị lốc xoáy làm hư hại

Sửa chữa hệ thống điện cho các hộ dân bị lốc xoáy làm hư hại

Trưởng làng Trớ - ông Đinh Nết - thì vui mừng kể là làng Trớ giờ đã văn minh, ngoài việc giữ được “hồn cốt” văn hóa của làng từ bao đời như nhà Rông, các buổi sinh hoạt cộng đồng, thì giờ đã bổ sung thêm trong làng bê tông vào tận nhà, hệ thống điện – nước đầy đủ,… “Người dân làng không chỉ biết sử dụng hiện phục vụ sinh hoạt mà đã biết sử dụng điện phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Đó chẳng phải là cố gắng thoát cái nghèo đeo bám hay sao”, ông Đinh Nết phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Hoàng Văn Mã - Giám đốc Điện lực Phú Thiện - những cố gắng của ngành điện mong muốn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thay đổi diện mạo của các thôn, làng vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đó cũng là đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-dien-trong-hanh-trinh-thay-ao-moi-cho-lang-tro-138621.html