Ngành du lịch cần làm gì để không 'tụt hậu'?
Du lịch thế giới chuyển dịch mạnh, du lịch Việt Nam phải làm gì? Câu hỏi này đã được phần nào trả lời trong hội thảo 'Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam' do Tổng Cục Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức ngày 20/8.
Theo đó, con số của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, số lượng khách quốc tế trên toàn cầu năm 2018 đã vượt mốc 1,4 lượt, đạt mức tăng trưởng gần 6%. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đón 342,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,1% so với năm 2017, vượt qua cả châu Âu, chiếm gần 1,4 tổng lượng khách quốc tế toàn cầu. Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng khách quốc tế - 7,4%.
Trong đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng “nóng” so với thế giới và khu vực. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 19,9% so với năm 2017). 7 tháng đầu năm 2019, nước ta đã có trên 9,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo thống kê của UNWTO, trong giai đoạn tới, khách du lịch với mục đích tham quan nghỉ dưỡng, giải trí sẽ chiếm 54%; mục đích tôn giáo, sức khỏe, thăm viếng khoảng 31%; mục đích công việc, nghề nghiệp chiếm khoảng 15%. Theo đó, nhu cầu trải nghiệm dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan nguyên sơ của địa phương hoặc du lịch sáng tạo, dựa trên công nghệ cao (tức du lịch thông minh) ngày càng cụ thể.
Do đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì tại Việt Nam, đến năm 2025 dự báo sẽ đón 32 triệu lượt khách quốc tế và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 9-11%/năm, đóng góp của ngành du lịch vào GDP khoảng 14%. Nhưng để hiện thực hóa con số trên, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch triển khai cho từng giai đoạn, từng năm.
Thực tế cho thấy, xu thế phát triển của du lịch thế giới đang dịch chuyển từng năm, ngay cả loại hình, sản phẩm du lịch cũng đã và đang thay đổi với tốc độ nhanh. Song, các loại hình và sản phẩm du lịch phổ biến ở Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính truyền thống như tham quan, nghỉ dưỡng, lễ hội và tâm linh… Sản phẩm du lịch của các địa phương còn nhiều trùng lặp, chưa thực sự phong phú, đa dạng, chưa tập trung khai thác được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, chưa cập nhật hoặc cập nhật không đồng đều xu hướng phát triển của du lịch thế giới.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn thì đối với ngành khách sạn đã xuất hiện nhiều xu hướng mới trong kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch. Về hình thức kinh doanh, các mô hình officetel, condotel, shop house… ngày càng được chú trọng;
về sở hữu/ đầu tư, timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ), tức một cơ sở có đa chủ đầu tư, người sở hữu ngày càng phổ biến; về hình thức tiếp cận khách hàng, có sự chuyển dịch từ việc thông qua các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tới các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet; về thương hiệu, các thương hiệu Việt đang dần xuất hiện như chuỗi khách sạn Vinpearl, FLC, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn… để cạnh tranh với các thương hiệu hàng đầu thế giới tại Việt Nam như Marriott, Sofitel, Novotel…
Theo đó, những xu hướng trên đặt ra yêu cầu các nhà quản lý, các nhà đầu tư nhìn nhận và phân tích đúng tình hình, có giải pháp, dự án, cách vận hành phù hợp. Cơ sở lưu trú du lịch đón đầu xu hướng toàn cầu mới có cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh, đạt hiệu quả cao.