Ngành du lịch nói 'không' với rác thải nhựa
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú là khoảng 0,5 kg/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 60%...

Ảnh minh họa.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra năm 2023 là 150.820 tấn. Dự báo tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch đến năm 2025 là 236.000 tấn và năm 2030 là 349.400 tấn.
Trong đó, chai nhựa đựng nước uống chiếm tỉ lệ cao nhất đối với cả 2 nhóm khách du lịch nội địa và quốc tế với tỉ lệ số lượng sản phẩm sử dụng lần lượt là 26,05% và 38,73% trên tổng số lượng sản phẩm nhựa sử dụng một lần được điều tra. Về số lượng, du khách nội địa sử dụng ít chai nhựa hơn, tuy nhiên, đối với túi nhựa, du khách nội địa sử dụng nhiều hơn với tần suất 2,97 cái/người/chuyến đi.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi “xanh”, đặc biệt "nhắm" tới rác thải nhựa. Chẳng hạn, quần đảo Cù Lao Chàm đã cấm túi nhựa từ năm 2009. Cộng đồng địa phương cũng đang áp dụng nhiều giải pháp bền vững, từ mô hình sản phẩm có thể tái sử dụng đến việc sử dụng vật liệu tự nhiên, truyền thống, mang đến trải nghiệm chân thực cho du khách.

Tại Quảng Nam (cũ), Silk Sense Hội An River Resort là khách sạn đầu tiên công bố không còn rác thải nhựa. Silk Sense đã xây dựng Bộ tiêu chí Khách sạn không rác thải nhựa (gồm 60 tiêu chí) với nhiều yêu cầu, quy định cụ thể trong thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý bao bì nhựa bắt buộc phải sử dụng… Nhờ đó, năm 2023, khách sạn giảm được hơn 80.000 chai nhựa dùng một lần và hơn 10 tấn rác thải nhựa.
Tương tự, đặc khu Côn Đảo cách đất liền hơn 180km, không có nhà máy xử lý rác, chỉ có một bãi rác duy nhất khiến việc giải quyết bài toán rác thải nhựa chưa bao giờ là dễ. Với bộ máy quản lý môi trường khiêm tốn, ngân sách hạn chế và thiếu hạ tầng phân loại cơ bản, Côn Đảo từng đứng trước lựa chọn khó: tiếp tục "xoay xở từng ngày" hoặc thay đổi tư duy. Và Côn Đảo đã chọn cách thứ hai.
Khi không thể đi nhanh một mình, Côn Đảo chọn đi xa cùng nhiều lực đẩy: cộng đồng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hệ thống bảo tồn và cả những nhóm tình nguyện viên trẻ. Tổ chức WWF Việt Nam đã cùng địa phương thực hiện khảo sát dòng chảy rác nhựa, lần theo hành trình của rác từ nơi phát sinh đến điểm tắc nghẽn. Từ đó, các bên có cái nhìn mang tính hệ thống: rác từ đâu ra, chảy qua đâu và mắc kẹt ở đâu trong chuỗi thu gom - xử lý.

Không dừng lại ở nghiên cứu, WWF còn phối hợp xây dựng bộ chỉ số giám sát, tổ chức hơn 30 lớp tập huấn cho cán bộ, doanh nghiệp và trường học, và hỗ trợ triển khai mô hình giảm nhựa thí điểm ở từng khu dân cư.
“Các tour thả rùa và lặn ngắm san hô nay đã gắn thêm quy định không rác và bắt buộc mang rác trở về điểm tập kết trên bờ. Cán bộ chuyên trách của Vườn giờ đây không chỉ giữ rừng mà còn trở thành người dẫn dắt du khách về trách nhiệm môi trường”, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo nói.
Mới nhất, ngày 9/7, Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) đã ra mắt Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác (Vietnam Zero Waste Tourism Network- VZWTN) với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch cam kết thực hành lộ trình giảm thiểu, xử lý để tiến đến “không rác”.
Mục tiêu của mạng lưới là ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý hiệu quả tài nguyên rác trên cả nước vào năm 2030. Đây là những doanh nghiệp thực sự cam kết, thiết lập lộ trình và kế hoạch từng bước giảm thiểu và xử lý gần như toàn bộ lượng rác phát sinh trong hoạt động kinh doanh, đến mức “không rác”.

Mô hình trạm nạp đầy, mua sắm giảm thiểu rác thải nhựa.
Đặc biệt, chỉ trong hơn 1 tháng qua, tại TP. Huế đã có thêm 3 điểm du lịch giảm nhựa mới, nằm trong khuôn khổ Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA): gồm Cầu ngói Thanh Toàn, Đầm Chuồn và khu vực Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc. Đây là dự án được WWF-Na Uy tài trợ, thông qua WWF-Việt Nam, và được tiếp nhận bởi UBND TP Huế.
Đồng hành cùng dự án, khách sạn Villa Huế đã chính thức thành lập Trung tâm Thực hành Du lịch Bền vững với mong muốn tạo ra môi trường học tập, thực hành cho sinh viên ngành du lịch. Trong đó, việc áp dụng mô hình giảm nhựa ngay trong quá trình giảng dạy, đi thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn về du lịch bền vững.
Về phía du khách, hưởng ứng “Tháng 7 - Nói không với đồ nhựa” (Plastic Free July), Booking.com mới đây đã công bố những con số khảo sát cho thấy những tín hiệu vui từ người tiêu dùng Việt: từ việc chỉ chú trọng tiết kiệm năng lượng, sang ưu tiên các thói quen giảm thiểu rác thải.

Cụ thể, báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com cho biết 41% du khách Việt xem việc giảm thiểu rác thải nhựa là hoạt động hàng đầu gắn liền với những chuyến du lịch bền vững. Trong năm 2025, một trong những thói quen mà du khách Việt mong muốn áp dụng trong những chuyến đi của mình là giảm thiểu rác thải, cụ thể là tái chế và tránh sử dụng đồ dùng một lần (58%).
Xu hướng này cho thấy sự chuyển biến so với năm 2024, khi việc giảm tiêu thụ năng lượng vẫn còn là ưu tiên (56%). 62% người Việt tham gia khảo sát đồng ý rằng hình thức du lịch bền vững rất quan trọng đối với họ và là yếu tố chính được cân nhắc trước mỗi chuyến đi. Đáng chú ý, 90% mong muốn lựa chọn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Cũng tại Việt Nam, 46% du khách cho rằng lượng rác thải và ô nhiễm từ hoạt động du lịch là thách thức lớn đối với địa phương, và 56% mong muốn cải thiện công tác quản lý rác thải hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Silk Sense Hoi An River Resort đã nhận được chứng nhận bền vững của tổ chức du lịch bền vững quốc tế Travelife (Anh quốc).
Nhận thức này đang mang đến các tác động sâu rộng hơn, khi 69% du khách ngày càng ý thức về ảnh hưởng của du lịch đối với cộng đồng và môi trường, 83% mong muốn giúp điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau khi họ rời đi, và 26% đưa yếu tố bền vững vào tiêu chí quyết định khi lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ cá nhân.
Có thể thấy, nhựa dùng một lần đang làm xấu đi hình ảnh của những điểm đến du lịch vốn nổi tiếng giàu bản sắc tại Việt Nam. Nếu chúng ta không hành động kịp thời, những bãi biển, di sản hay danh thắng thiên nhiên sẽ trở thành điểm dừng chân của các bãi rác nhựa tự phát - điều mà không một du khách nào mong muốn trải nghiệm.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-du-lich-noi-khong-voi-rac-thai-nhua.htm