Bất ngờ với ưu tiên hàng đầu của du khách Việt Nam trên hành trình xê dịch
Một thói quen mà du khách Việt mong muốn là giảm thiểu rác thải, cụ thể là tái chế và tránh sử dụng đồ dùng một lần. Xu hướng này thể hiện chuyển biến tích cực trong nhận thức của người Việt.

Điểm đến xanh Cô Tô ở Quảng Ninh. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
Từ việc chỉ chú trọng tiết kiệm năng lượng, giờ đây du khách Việt đang dần chuyển sang ưu tiên các thói quen giảm thiểu rác thải. Báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com cho biết 41% du khách Việt xem việc giảm thiểu rác thải nhựa là hoạt động hàng đầu gắn liền với những chuyến du lịch bền vững.
Rác thải trên mỗi hành trình du lịch, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Bởi hậu quả từ “vấn nạn” xả rác này không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến, năng lực cạnh tranh quốc gia, mà hệ lụy thực sự khôn lường.
Chọn “né” xả rác
Trong năm 2025, một trong những thói quen mà du khách Việt mong muốn áp dụng cho những chuyến đi của mình là giảm thiểu rác thải, cụ thể là tái chế và tránh sử dụng đồ dùng một lần (58%).
So với kết quả nghiên cứu năm 2024, xu hướng này cho thấy sự chuyển biến tích cực, khi việc giảm tiêu thụ năng lượng đang trở thành ưu tiên (56%). 62% người Việt tham gia khảo sát của Booking.com đồng ý rằng hình thức du lịch bền vững rất quan trọng đối với họ và là yếu tố chính được cân nhắc trước mỗi chuyến đi. Đáng chú ý, 90% mong muốn lựa chọn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, 46% du khách cho rằng lượng rác thải và ô nhiễm từ hoạt động du lịch là thách thức lớn đối với địa phương, và 56% mong muốn cải thiện công tác quản lý rác thải hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Ninh Bình nỗ lực khẳng định là điểm đến xanh trên bản đồ du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Nhận thức đó mang đến các tác động sâu rộng hơn, khi 69% du khách ngày càng ý thức về ảnh hưởng của du lịch đối với cộng đồng địa phương và môi trường, 83% mong muốn giúp điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau khi họ rời đi, và 26% đưa yếu tố bền vững vào tiêu chí quyết định khi lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ cá nhân.
Ở Việt Nam, Hội An được đánh giá là điểm đến lý tưởng của những chuyến du lịch không rác thải nhựa, thể hiện cam kết lâu dài về bảo vệ môi trường. Tại đây, Quần đảo Cù Lao Chàm (Khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO) đã cấm sử dụng túi nhựa từ năm 2009.
Các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đang áp dụng nhiều giải pháp bền vững, từ mô hình sản phẩm có thể tái sử dụng đến việc sử dụng vật liệu tự nhiên, truyền thống, mang đến trải nghiệm chân thực và đầy ý nghĩa cho du khách.
Xây dựng bản đồ điểm đến xanh
Việt Nam đã được UNDP hỗ trợ trong 2 năm 2023-2024 thông qua một dự án quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa lớn là thí điểm chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, nhằm thúc đẩy hành động tiến tới du lịch xanh, bền vững. Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí đánh giá đây là câu chuyện mang tính toàn cầu chứ không phải của riêng Việt Nam và dự án đã triển khai thành công.
Kết quả trước hết của dự án là đã cho ra đời bộ tài liệu nghiên cứu đồ sộ do Viện chiến lược môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường trước kia) cùng Hiệp hội Du lịch xây dựng. Tiếp đó, Bộ tiêu chí về doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa đã đưa ra những yêu cầu, cơ chế chi tiết, cụ thể cho các doanh nghiệp, đơn vị để có căn cứ thực hiện. Đặc biệt, dự án đã xây dựng thí điểm app quản lý rác thải nhựa tại các doanh nghiệp du lịch…

Du khách Việt chọn những điểm đến xanh với xu hướng "né" xả rác thải nhựa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Thành quả lớn nhất là chúng ta đã xây dựng được kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa để quản lý hiệu quả rác thải nhựa. Chúng tôi cũng đã ban hành kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch do Hiệp hội du lịch Việt Nam với sự trợ giúp của UNDP xây dựng và sẽ triển khai thực hiện,” ông Vũ Quốc Trí chia sẻ.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đạt được những yêu cầu mà Chính phủ, nhà nước đã đề ra cho ngành du lịch trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững đến năm 2030.
Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch do UNDP hỗ trợ Việt Nam triển khai trong 2 năm vừa qua đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt ở hai địa phương Ninh Bình và Hội An.
Với Ninh Bình, dự án triển khai ở Tràng An (gồm Tam Cốc Bích Động, Đầm Vân Long) đã giúp điểm đến này trở nên thực sự xanh và không rác thải nhựa. Ở Hội An, nhờ ứng dụng kỹ thuật của dự án mà các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong khu vực phố cổ đã giảm được khối lượng rác thải tới 30-35 % trong 6 tháng.

Hội An được đánh giá là điểm đến xanh kiểu mẫu ở Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Chúng tôi đánh giá đây là những kết quả tích cực và hy vọng có thể nhân rộng được mô hình,” đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói và cho biết thêm một số điển hình tốt “nói không” với rác thải nhựa như đảo Cô Tô, một số điểm ở Sa Pa, Hà Giang, Bắc Giang...
Các chuyên gia của ngành du lịch bày tỏ hy vọng với sự vào cuộc của tất cả các địa phương, doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ sớm xây dựng được bản đồ điểm đến du lịch xanh, bởi đó cũng là tài nguyên to lớn cho ngành công nghiệp không khói nước nhà./.