Ngành du lịch trước ngưỡng cửa sáp nhập tỉnh, thành phố: Thách thức hay cơ hội đột phá

Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố và cấp xã tới đây theo chủ trương tinh gọn bộ máy đang đặt ngành du lịch Việt Nam trước thách thức: sản phẩm du lịch theo bản sắc địa phương sẽ ảnh hưởng thế nào khi một số tên gọi theo địa giới hành chính có thể không còn nữa. Nhưng, theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội tiềm năng nhằm tái định hình bản đồ du lịch với quy mô liên vùng chưa từng có.

Du lịch biển Việt Nam còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng phát triển.

Du lịch biển Việt Nam còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng phát triển.

Tại buổi gặp mặt với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ được cơ cấu lại theo mô hình ba cấp, gồm Trung ương; tỉnh, thành phố; và xã, phường. Theo đó, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành thay vì 63 đơn vị hành chính như hiện nay. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố được giữ nguyên, 52 địa phương còn lại sẽ thực hiện sáp nhập theo tiêu chí đề ra.

Việc này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với bản sắc văn hóa và ngành du lịch – những yếu tố quan trọng trong sức mạnh mềm của một quốc gia. Mỗi địa phương ở Việt Nam đều gắn liền với những giá trị văn hóa riêng biệt, thể hiện qua phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực, nghệ thuật và hệ thống di sản. Du lịch không chỉ đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh quốc gia. Việc thay đổi địa giới hành chính liệu có thể làm xáo trộn thương hiệu du lịch địa phương, tác động đến chính sách quản lý và chiến lược phát triển hay không? Việc sáp nhập tỉnh, thành có thể gây ra nhiều băn khoăn về bản sắc du lịch địa phương và vấn đề quảng bá du lịch, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng.

Sáp nhập tỉnh, thành phố: Thách thức hạ tầng, văn hóa và thương hiệu du lịch

Du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp không nhỏ vào GDP quốc gia trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh thành với những thay đổi lớn về mặt hành chính, ngành du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện sẽ có tác động nhất định về mặt không gian phát triển và thương hiệu du lịch của từng địa phương, như trường hợp Hà Giang, Đà Lạt, Phú Yên, Kon Tum, tạo ra những trở ngại lớn trong việc duy trì và phát triển các điểm đến du lịch nổi bật của từng tỉnh, thành, đặc biệt là khi các chiến lược du lịch riêng biệt của mỗi tỉnh, thành trước đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

“Sẽ không có sự thay đổi trong tên gọi, bởi đó là di sản, là hồn cốt, là phong tục tập quán của từng vùng miền, được đúc kết qua hàng trăm năm. Khách du lịch sẽ không quan tâm nhiều đến tên gọi của địa phương, thay vào đó là trải nghiệm, dịch vụ cũng như những giá trị mà họ sẽ nhận được tại điểm đến.”

Việc sáp nhập tỉnh, thành phố đang đặt ra “bài toán” khó cho ngành du lịch Việt Nam. Trước đây, mỗi địa phương đều xây dựng chiến lược du lịch riêng, dựa trên lợi thế địa lý, văn hóa và hạ tầng đặc thù.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, một trong những thách thức lớn nhất mà du lịch Việt Nam phải đối mặt chính là vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng du lịch. Trước khi sáp nhập, mỗi tỉnh thành đã có những kế hoạch riêng về phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các điểm đến du lịch và phát triển mạng lưới giao thông để phục vụ nhu cầu du khách. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, việc liên kết các hệ thống hạ tầng này trở nên phức tạp. Chẳng hạn giả sử với trường hợp sáp nhập Lào Cai và Yên Bái, trong khi Lào Cai trước đây là một điểm du lịch nổi bật với Sa Pa, còn Yên Bái chủ yếu phát triển nông nghiệp, việc kết nối các tuyến giao thông giữa hai khu vực đòi hỏi một chiến lược đồng bộ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả khu vực mà còn tác động trực tiếp đến khả năng thu hút du khách, khi các cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ chưa được đồng bộ.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2019, lượng khách du lịch đến các tỉnh thành lớn tại Việt Nam đạt hơn 85 triệu lượt, trong đó du lịch nội địa chiếm phần lớn. Tuy nhiên, có những tỉnh thành vừa qua không đạt được mức tăng trưởng du lịch như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu liên kết và đồng bộ trong phát triển hạ tầng du lịch, khiến cho các khu vực này không thể phát huy hết tiềm năng du lịch vốn có.

Bên cạnh vấn đề hạ tầng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng là một thách thức lớn đối với ngành du lịch trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành. Trước khi sáp nhập, mỗi khu vực có những giá trị văn hóa, di sản riêng được khai thác để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, khi các tỉnh thành được gộp lại với nhau, các giá trị văn hóa đặc sắc của từng khu vực dễ bị mờ nhạt. Chẳng hạn như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hay những di sản văn hóa đặc trưng của các vùng miền khác có thể sau khi sáp nhập vào tỉnh thành khác sẽ không nhận được sự quan tâm và đầu tư như trước vì nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa, du lịch sẽ được chia đều.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu du lịch chung cho các khu vực sáp nhập cũng là một vấn đề nan giải. Trước khi sáp nhập, mỗi tỉnh thành đều có một thương hiệu du lịch riêng biệt, với những điểm đến đặc trưng. Sau khi các tỉnh thành này được sáp nhập, việc tạo dựng một thương hiệu du lịch chung và đồng nhất trở thành một nhiệm vụ không dễ dàng. Mỗi khu vực đều có những điểm mạnh và sản phẩm du lịch khác nhau, việc kết hợp và phát triển một thương hiệu chung cần phải có chiến lược rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh, một trung tâm du lịch lớn với các hoạt động giải trí, mua sắm, khi kết hợp với các tỉnh lân cận ví dụ như Bình Dương hay Đồng Nai, sẽ cần phải điều chỉnh và phát triển một chiến lược du lịch tổng thể sao cho phù hợp với đặc thù của từng khu vực, đồng thời không làm mất đi sự đặc sắc của từng điểm du lịch.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Thạc sĩ nghiên cứu chính sách công Trường đại học Fulbright nhận định: một trong những vấn đề nảy sinh trong quá trình sáp nhập là tên các địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch bị thay đổi hoặc không còn trên bản đồ hành chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản sắc địa phương mà còn tác động đến nhận diện thương hiệu du lịch và tâm lý người dân. Mối lo của việc mất tên địa danh du lịch khi sáp nhập gồm giá trị lịch sử và bản sắc địa phương gắn với tên gọi cũ sẽ dần bị lãng quên, nhất là đối với thế hệ sau; ngành du lịch có thể chịu tác động khi các địa danh nổi tiếng bị thay đổi và sự thay đổi tên địa danh có thể tác động đến tâm lý và nhận diện của du khách. Theo ông Tuấn Anh, tên đơn vị hành chính không chỉ là tên gọi mà còn là thương hiệu du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Nếu những tên gọi đã quen thuộc không còn hoặc bị thay đổi, du khách gặp khó khi tìm kiếm thông tin các địa danh quen thuộc.

Cuối cùng, một thách thức quan trọng nữa là sự khác biệt rõ rệt về địa hình, khí hậu và sản phẩm du lịch. Chẳng hạn như Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan núi rừng, trong khi Bình Thuận là vùng khí hậu khô nóng, mạnh về du lịch biển. Sự khác biệt này có thể gây khó khăn trong quản lý, quảng bá thương hiệu chung và phát triển du lịch đồng bộ.

Cơ hội mới để phát triển

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể học hỏi một số bài học từ các quốc gia khác đã trải qua quá trình sáp nhập tỉnh thành trong lĩnh vực du lịch. Singapore, một quốc gia nổi bật trong phát triển du lịch, đã thành công trong việc xây dựng một chiến lược du lịch tổng thể, kết hợp quảng bá văn hóa và tổ chức các sự kiện quốc tế để thu hút du khách. Tại Tây Ban Nha, quá trình sáp nhập các khu vực hành chính đã giúp nước này xây dựng một chiến lược du lịch quốc gia hiệu quả, chú trọng đến sự phát triển đồng bộ của các khu vực, bảo tồn giá trị văn hóa, và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Với những thách thức này, ngành du lịch Việt Nam cần phải có những chiến lược phát triển rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả. Chính quyền các tỉnh thành cần tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, đồng thời xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch chung cho các khu vực sau sáp nhập. Việc đào tạo nhân lực và đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng cần được chú trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nếu có thể vượt qua những thách thức này, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh những lo ngại, nhiều chuyên gia cho rằng việc sáp nhập tỉnh thành đang mở ra nhiều lợi thế mới để phát triển ngành du lịch nước ta. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành sau khi thay đổi địa giới hành chính sẽ có cơ hội để tái định vị thương hiệu và sản phẩm du lịch của mình.

Theo TS Trịnh Lê Anh, giảng viên khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tên gọi hành chính không hoàn toàn làm biến đổi thương hiệu du lịch của địa danh. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có thể bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, bất kể những thay đổi về mặt hành chính.

“Cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa “tên hành chính” và “thương hiệu điểm đến”. Trên thực tế, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng hoàn toàn không trùng với tên tỉnh, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ như: Sa Pa (thuộc Lào Cai), Mộc Châu (thuộc Sơn La), hay Cát Bà (thuộc Hải Phòng). Vấn đề là chúng ta phải có một chiến lược truyền thông nhất quán, hành lang pháp lý rõ ràng và định hướng phát triển lâu dài, coi thương hiệu du lịch là một thực thể độc lập, đáng được bảo vệ và kế thừa.” - TS Trịnh Lê Anh phân tích.

Đồng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp và người làm du lịch cho rằng việc sáp nhập hay mất tên trên bản đồ hành chính không ảnh hưởng quá nhiều đến du lịch. Các danh thắng, di tích vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi và tiếp tục nhận diện như trước đây.

Trước những lo lắng về việc một số di sản gắn liền với những địa danh cụ thể (hát Xoan Phú Thọ, dân ca quan họ Bắc Ninh) sẽ bị thay đổi tên gọi, anh Đinh Huy, một hướng dẫn viên du lịch nhận định: “Sẽ không có sự thay đổi trong tên gọi, bởi đó là di sản, là hồn cốt, là phong tục tập quán của từng vùng miền, được đúc kết qua hàng trăm năm”. Theo anh, khách du lịch sẽ không quan tâm nhiều đến tên gọi của địa phương, thay vào đó là trải nghiệm, dịch vụ cũng như những giá trị mà họ sẽ nhận được tại điểm đến.

Cùng với đó, anh Huy tin rằng việc sáp nhập tỉnh thành sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho các hoạt động du lịch, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống.

“Thật ra, việc khám phá các hoạt động truyền thống bản địa sau sáp nhập lại có lợi hơn cho việc phát triển du lịch và khám phá địa phương. Chẳng hạn bây giờ nếu chúng ta đến Làng gốm Bát Tràng, chúng ta chỉ được trải nghiệm hoạt động làm gốm Bát Tràng. Nhưng nếu sáp nhập thêm Bắc Ninh thì chúng ta lại có thêm nghệ thuật làm tranh Đông Hồ và làm gốm Phù Lãng. Những trải nghiệm khác biệt của từng địa phương sẽ khiến du khách trở nên hứng thú hơn”, hướng dẫn viên Đinh Huy nói.

Văn hóa dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Văn hóa dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Cơ hội vàng để phát triển du lịch liên kết vùng

Không những thế, về lâu dài, việc sáp nhập tỉnh thành có thể nói là cơ hội vàng để phát triển du lịch liên kết vùng. Du khách không còn bị giới hạn trong phạm vi hành chính nhỏ hẹp mà có thể trải nghiệm hành trình hấp dẫn hơn xuyên suốt từ núi đến biển, từ thành thị đến nông thôn. Không gian du lịch trở nên đa dạng hơn, không còn bị bó hẹp trong từng địa phương riêng lẻ.

Theo TS Trịnh Lê Anh, Việt Nam hiện có những dải tài nguyên rất phong phú nhưng đang bị định vị rời rạc, dẫn đến việc các địa phương vừa trùng lặp, vừa triệt tiêu ưu thế của nhau. Do đó, nếu nhìn bằng tư duy phát triển vùng, việc sáp nhập tỉnh là cơ hội để nhiều địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển du lịch, mở ra các tour liên kết vùng mà mỗi địa phương là một mắt xích trong đó.

Ví dụ, với dải ven biển miền Trung (kéo dài từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Ngãi), cùng là khai thác du lịch biển, nhưng mỗi vùng sẽ khai thác một thế mạnh của riêng mình: nơi mạnh về nghỉ dưỡng biển - đảo, nơi khai thác văn hóa bản địa, ẩm thực, hay thể thao biển mạo hiểm… Như vậy, mỗi địa phương không chỉ giảm áp lực cạnh tranh mà còn tạo nên sự cộng hưởng và liền mạch trong trải nghiệm của khách du lịch.

Việc xây dựng và phát triển các tuyến tour liên tỉnh sẽ tạo ra sự thuận tiện và liền mạch trong trải nghiệm, đưa du lịch Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại. Khi các tỉnh hợp nhất, hệ thống đường sá, sân bay, bến cảng có thể được quy hoạch đồng bộ, giúp việc di chuyển giữa các điểm du lịch trở nên thuận tiện hơn. Chẳng hạn, nếu Lào Cai và Yên Bái được sáp nhập, du khách sẽ có thêm lựa chọn di chuyển liên tuyến thuận lợi hơn, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu du lịch.

Việc sáp nhập tỉnh thành là xu hướng tất yếu trong quá trình tái cấu trúc hành chính, nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc mỗi địa danh. Những giá trị văn hóa phi vật thể, thương hiệu du lịch đặc trưng của từng vùng đứng trước nguy cơ bị lu mờ. Dù vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về một nền du lịch đồng bộ với những trải nghiệm độc đáo và mới lạ. Đặc biệt, xét ở góc độ kinh tế, việc sáp nhập địa giới hành chính mang đến nhiều cơ hội rộng mở khi có tiềm năng phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm. Việc chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội này hay không nằm ở chiến lược quảng bá và cách định vị thương hiệu phù hợp với từng địa phương. Khi ranh giới hành chính thay đổi, việc gìn giữ văn hóa cần một chiến lược rõ ràng, tránh tình trạng đồng hóa hoặc lãng quên những giá trị riêng của từng vùng. Nếu được triển khai một cách hợp lý, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

“Cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa “tên hành chính” và “thương hiệu điểm đến”. Trên thực tế, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng hoàn toàn không trùng với tên tỉnh, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ, như: Sa Pa (thuộc Lào Cai), Mộc Châu (thuộc Sơn La), hay Cát Bà (thuộc Hải Phòng). Vấn đề là chúng ta phải có một chiến lược truyền thông nhất quán, hành lang pháp lý rõ ràng và định hướng phát triển lâu dài, coi thương hiệu du lịch là một thực thể độc lập, đáng được bảo vệ và kế thừa.”

(TS Trịnh Lê Anh)

Ánh Ngọc - Trang Hoàng - Thủy Vy - Thảo My - Cẩm Linh - Diễm Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-du-lich-truoc-nguong-cua-sap-nhap-tinh-thanh-pho-thach-thuc-hay-co-hoi-dot-pha-10303827.html