Ngành du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt, mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức, song du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế.

Bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch

Người Lao Động đưa tin, sáng 15/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.

Thông tin trên Dân trí, đạt được những kết quả nêu trên nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển.

Đồng thời, có sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới...

Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Bộ VH-TT-DL cũng đã ban hành Quyết định số 440 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Quyết định số 1894 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Để giai đoạn mới trở thành bước ngoặt của nền kinh tế xanh nước nhà cũng như tạo đột phá cho phát triển du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh việc coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.

Đặc biệt, toàn ngành cần kịp thời nắm bắt cơ hội từ chính sách visa (thị thực) thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh minh họa: BĐT Chính phủ

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh minh họa: BĐT Chính phủ

"Với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch; đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: “Kế hoạch hành động của Bộ VH-TT-DL nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hướng tới phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.”

Cần mạnh mẽ tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo đột phá

Theo Vietnam+, Hội nghị đã lắng nghe 11 ý kiến trực tuyến của các đại biểu từ các vùng du lịch trọng điểm trên cả nước và cơ bản thống nhất với nội dung kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, phát triển du lịch đêm không chỉ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm du lịch đặc thù, nên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trong việc đảm bảo du lịch đêm đa dạng, phản ánh bản sắc văn hóa mỗi điểm đến cũng như đảm bảo tính bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh: “Hiện, Cục đã tham mưu, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Bộ VH-TT&DL triển khai thực hiện Nghị quyết 82. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ “Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch,” sau khi triển khai thực hiện, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi.”

Tiếp đó, du lịch Việt sẽ phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực; Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch; ứng dụng công nghệ số, tổ chức các hoạt động e-marketing du lịch. Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm...

Mặc dù thừa nhận du lịch Việt vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức, song Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chỉ rõ trong tình hình mới toàn ngành cần phải mạnh mẽ tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo đột phá trong phát triển du lịch.

“Với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước,” Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nganh-du-lich-viet-nam-dung-truoc-co-hoi-phat-trien-manh-me-a621807.html