Ngành đường sắt đã thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'

Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp kinh doanh vận tải đường sắt có lãi, mở ra những kỳ vọng phát triển mới cho ngành vận tải có tuổi đời hơn 140 năm.

Chiều ngày 9/1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt kết quả tích cực. Bằng nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh doanh vận tải đường sắt có lãi.

Cụ thể, năm 2023, VNR đạt doanh thu hợp nhất 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng), đạt 115% kế hoạch.

Công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày một tốt hơn. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng đạt 105,2% so với cùng kỳ.

 Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo tại hội nghị.

Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo tại hội nghị.

Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113,2% so với cùng kỳ và đạt 96% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban vốn) giao. Lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng, tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban vốn giao.

Tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được kiểm soát giảm trên cả 3 tiêu chí (205 số vụ tai nạn, giảm 11 vụ (-5,1%); 81 người chết, giảm 05 người (-5,8%); bị thương 119 người, giảm 07 người (-5,6%)). Đã giảm được 1.205 lối đi tự mở băng qua đường sắt.

Về vận tải, sản lượng vận chuyển hàng hóa giảm do nhu cầu thị trường giảm mạnh, thực hiện được 4,6 triệu tấn xếp, bằng 81,8% cùng kỳ. Nhưng với nhiều giải pháp, sản phẩm vận tải độc đáo, vận tải hành khách tăng trưởng tốt, thực hiện được 6,1 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 135,1% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Gia Khánh cũng nhìn nhận sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn, đó là cận tải hành khách tiếp tục bị cạnh tranh với phương tiện vận tải hàng không và đường bộ về giá vé, thời gian vận chuyển và sự tiện lợi; vận tải hàng hóa cơ cấu luồng hàng vận chuyển thay đổi, làm giảm thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt; năng lực vận chuyển còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga; mạng lưới đường sắt Quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế.

Bên cạnh đó, Tổng công ty còn một số tồn tại như bộ máy cồng kềnh, lao động đông, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao.

Năm 2024, VNR đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch được Ủy ban vốn giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2023 ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, bằng 100,18% so với cùng kỳ, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Năm 2023, ngành đường sắt đã phát động phong trào với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến".

Năm 2023, ngành đường sắt đã phát động phong trào với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến".

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tổng Giám đốc VNR cho biết VNR đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác do lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp tham gia để nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên môn bao gồm: Tổ tái cơ cấu, mô hình tổ chức VNR; tổ phát triển công nghiệp đường sắt; tổ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao.

Song song đó, VNR tích cực trao đổi, hội thảo với đường sắt các nước Trung Quốc, Algeria, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các tổ chức, Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (UIC), Tổ chức Hợp tác Đường sắt (OSJD), Hiệp hội đường sắt ASEAN… để tham khảo kinh nghiệm, học hỏi mô hình tổ chức, đầu tư, vận hành và khai thác Đường sắt Tốc độ cao.

Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, VNR kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực giảm ngân sách Nhà nước đầu tư.

VNR đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT giao cơ quan chuyên ngành lập quy hoạch chi tiết đường sắt; xác định công năng, mục đích sử dụng thực tế đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và công trình công nghiệp đường sắt.

Để đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Bộ GTVT xem xét việc thực hiện hàn ray liền trên đường sắt hiện hữu như các nước trên thế giới. Trước mắt, ngành có thể xem xét tập trung cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng để tổ chức chạy tàu liên vùng đô thị, phục vụ nhu cầu của người dân có thể đi và về trong ngày giữa Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội; tiến tới sẽ thực hiện hàn ray trên các tuyến khác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh...

Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua, thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị.

Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong việc giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nganh-duong-sat-da-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-a644577.html