Ngành Giáo dục địa phương sau sáp nhập: Không để gián đoạn khi chuyển giao

Khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, cấp xã sẽ quản lý về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non.

Tiết thao giảng đổi mới dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chuyên đề môn Mỹ thuật do Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức tại Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm. Ảnh: NTCC

Tiết thao giảng đổi mới dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chuyên đề môn Mỹ thuật do Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức tại Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm. Ảnh: NTCC

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các trường từ THCS trở xuống.

Mong tiếp tục đầu tư cho giáo dục

Nhằm duy trì và nâng chuẩn cơ sở vật chất, nhiều trường học trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) đang được đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều đơn vị lo lắng việc giải ngân thực hiện công trình và bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư cho giáo dục khi chuyển quản lý về cấp xã.

Trường PTDTBT THCS Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được đầu tư nâng cấp phòng lớp học, phòng bộ môn và nhà quản trị. Ông Đồng Tất Thắng - Hiệu trưởng cho biết: “Dự án xây dựng nâng cấp của trường thực hiện từ nguồn vốn giai đoạn 2024 - 2026. Hy vọng, sau khi giải thể cấp huyện, nguồn vốn tiếp tục được giải ngân để hoàn thiện dự án. Từ đó, góp phần nâng cao cơ sở vật chất của trường, đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia”.

Năm học 2024 - 2025, Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho có 425 học sinh. Theo yêu cầu của Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, nhà trường đã tương đối đảm bảo. “Tuy nhiên, để phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2, thời gian tới cần đầu tư thêm nhà đa năng, bãi tập. Chúng tôi mong muốn khi xã quản lý, sẽ tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của thầy và trò”, bà Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ) cho hay.

Còn theo ông Trần Ngọc Giang - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ma Ly Pho, đầu năm học 2024 - 2025, huyện đã khảo sát và dự kiến đầu tư công trình kè bảo vệ đất xung quanh trường để xây dựng sân chơi và đoạn đường nối vào trường.

“Dù không còn là trường bán trú nhưng vẫn có hơn 150 học sinh ở bán trú tại trường. Hiện, giáo viên trực bán trú không được hưởng chế độ nhưng vẫn thay phiên nhau thực hiện tốt việc trực. Vì vậy, nhu cầu sân chơi cho học sinh ở bán trú rất cần thiết. Khi đó, công tác quản lý học sinh bán trú đỡ vất vả. Tuy nhiên, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, không biết dự án có tiếp tục được triển khai, trong khi nhu cầu này cấp thiết với trường”, ông Trần Ngọc Giang bày tỏ.

 Thao giảng chuyên đề tổ chức câu lạc bộ trong trường tiểu học cấp Sở GD&ĐT Đà Nẵng tại Trường Tiểu học Phù Đổng. Ảnh: Ánh Ngọc

Thao giảng chuyên đề tổ chức câu lạc bộ trong trường tiểu học cấp Sở GD&ĐT Đà Nẵng tại Trường Tiểu học Phù Đổng. Ảnh: Ánh Ngọc

Phát huy vai trò hội đồng chuyên môn

Ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) hình dung chính quyền cấp xã sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục với các trường THCS, tiểu học, mầm non. Đối với quản lý chuyên môn do sở GD&ĐT chỉ đạo, điều hành các hoạt động giáo dục liên quan. Vai trò của Hội đồng giáo viên cốt cán sẽ phát huy tích cực bởi đây là cánh tay nối dài cùng chuyên viên của sở tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, thao giảng chuyên đề, thanh tra chuyên môn... khi không còn cấp quản lý phòng GD&ĐT. Hội đồng giáo viên cốt cán có thể chia thành các nhóm nhỏ theo cụm để thuận tiện trong sinh hoạt, trao đổi.

Theo Công văn 1581 ngày 8/4/2025 của Bộ GD&ĐT và Kết luận 137-KL/TW của Bộ Chính trị, chính quyền cấp xã sẽ quản lý hành chính và cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, trong khi công tác chuyên môn được giao cho sở GD&ĐT phụ trách. Trước sự thay đổi về cơ chế quản lý, các nhà trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đồng thời duy trì kết nối thường xuyên với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để triển khai chương trình, kiểm tra, đánh giá và phát triển đội ngũ.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, đội ngũ hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò cầu nối, đảm bảo sự thông suốt trong chỉ đạo, ổn định tâm lý đội ngũ, học sinh và phụ huynh, qua đó góp phần giữ vững chất lượng giáo dục và tạo nền tảng cho mô hình quản lý mới vận hành hiệu quả, đồng bộ.

Về vấn đề này, ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cảm nhận rõ đây là thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến hoạt động nhà trường. Về thuận lợi, việc chuyển giao này giúp nhà trường gần hơn với chính quyền địa phương - nơi nắm rõ thực tiễn, dân sinh và các điều kiện đặc thù trên địa bàn. Nhà trường và chính quyền cơ sở có kết nối chặt chẽ hơn trong việc xây dựng nâng cao chất lượng giáo dục địa phương cũng như cộng đồng học tập.

Ông Mạnh cũng hình dung một số khó khăn có thể phát sinh ở giai đoạn đầu trong triển khai các nhiệm vụ năm học như tuyển sinh, thi cử, đánh giá giáo viên, học sinh... Những nội dung liên quan tới công tác quản lý chuyên môn, xếp loại thi đua giữa các cơ sở giáo dục trong xã, tỉnh... “Cùng với sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của các cấp, ngành, tôi tin tưởng công cuộc đổi mới sẽ sớm đi vào ổn định, các cơ sở giáo dục có hướng dẫn để thực hiện nhiệm vụ tốt và phù hợp hơn trong tình hình mới”, ông Mạnh nói.

Chuyển giao cấp quản lý Nhà nước đối với các trường học là quá trình tất yếu trong lộ trình sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, ông Lê Nguyên Chương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 1 (TP Cần Thơ) cho rằng, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức đối với đơn vị trường học trong giai đoạn chuyển tiếp. “Về phía nhà trường, thay đổi cấp quản lý đồng nghĩa với thay đổi về cơ chế chỉ đạo, hệ thống văn bản hướng dẫn, lộ trình đầu tư và chế độ chính sách có liên quan. Trong giai đoạn đầu, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn, công tác tổ chức, quản trị nhà trường cũng như tâm lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 1 (TP Cần Thơ) nói thêm.

Trước thực tế đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 1 bày tỏ nguyện vọng: Về cơ sở vật chất, nhà trường đang có dự án triển khai kế hoạch sửa chữa lớn trong dịp hè nhằm cải tạo, nâng cấp hạ tầng trường lớp, đảm bảo điều kiện dạy và học cho năm học mới. Do đó, rất mong cấp quản lý mới tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về thủ tục, tiến độ, nguồn vốn và giám sát kỹ thuật để công trình được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài.

“Đối với công tác chuyên môn, đội ngũ nhà trường mong sớm nhận được hướng dẫn cụ thể từ các phòng, ban chuyên môn trực thuộc cấp quản lý mới, nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, công tác bồi dưỡng giáo viên, kiểm định chất lượng và các hoạt động giáo dục khác theo đúng yêu cầu”, ông Chương mong muốn.

 Trường PTDTBT THCS Sin Suối Hồ (Lai Châu) đang đầu tư xây dựng. Ảnh: Thuận Thiên

Trường PTDTBT THCS Sin Suối Hồ (Lai Châu) đang đầu tư xây dựng. Ảnh: Thuận Thiên

Sắp xếp gắn với năng lực thực tiễn

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chấm dứt hoạt động của phòng GD&ĐT cấp huyện, đội ngũ cán bộ phòng GD&ĐT tại các địa phương, không khỏi có những trăn trở.

Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) hiện có 8 nhân sự, trong đó 3 cán bộ quản lý và 5 chuyên viên. Theo phương án sắp xếp lại xã, phường, Điện Bàn còn 7 đơn vị hành chính cấp xã. Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ: “Nguyện vọng của đa số cán bộ trong phòng là quay trở về công tác tại các đơn vị trường học hoặc làm những công việc mới tại phường, xã gắn với mảng giáo dục - văn hóa. Chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chuyên viên là công tác điều động nhân sự sẽ theo hướng phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm nên vị trí việc làm mới sau sắp xếp không có nhiều thay đổi”.

Tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), việc sắp xếp lại bộ máy hành chính cần thiết để tinh gọn tổ chức, nhưng cũng đặt ra những vấn đề về tổ chức lại đội ngũ, nhất là cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong quản lý giáo dục đang công tác tại các phòng GD&ĐT cấp huyện hiện nay.

Chia sẻ thực tế, ông Phan Quốc Hào - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường mong muốn, sau khi phòng GD&ĐT không còn hoạt động, đội ngũ cán bộ từng công tác tại đây mong được tiếp tục làm việc trong ngành Giáo dục, ở những vị trí phù hợp năng lực, trình độ và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm. Việc sắp xếp cần đảm bảo công khai, minh bạch, đặt yếu tố năng lực thực tiễn lên hàng đầu thay vì chỉ căn cứ vào thâm niên hay văn bằng.

Đối với một bộ phận cán bộ chưa thể bố trí công việc phù hợp ngay, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để đảm bảo đời sống và tạo điều kiện học tập, đào tạo nếu có nhu cầu chuyển đổi vị trí công tác. Điều này thể hiện sự quan tâm, nhân văn trong sắp xếp tổ chức cán bộ, đồng thời giúp ngành không mất đi những cán bộ có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục.

“Chúng tôi hiểu cải cách là xu hướng tất yếu và sẵn sàng đồng hành cùng ngành trong quá trình đổi mới. Tin tưởng rằng, việc sắp xếp hợp lý sẽ tạo ra sự đồng thuận, tinh thần cống hiến và phát huy hiệu quả đội ngũ đã từng là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục địa phương”, ông Phan Quốc Hào cho biết thêm.

“Qua tìm hiểu tâm tư, cán bộ, chuyên viên công tác tại phòng đều có nguyện vọng gắn bó với môi trường giáo dục, trở lại công tác tại các trường học. Tuy nhiên, đi hay ở, chúng tôi đều sẵn sàng tiếp nhận các nội dung, vị trí công việc được phân công trong giai đoạn sau sáp nhập, tinh gọn” - ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi)

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-dia-phuong-sau-sap-nhap-khong-de-gian-doan-khi-chuyen-giao-post727610.html