Ngành Giáo dục địa phương sau sáp nhập sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Sau khi Nghị quyết 60, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng được ban hành, các địa phương lên phương án bố trí nơi ăn, chốn ở, đi lại cho cán bộ, công chức, lãnh đạo đến làm việc.

Do đã chuẩn bị tâm lý nên lãnh đạo, công chức, người lao động của các đơn vị được sáp nhập đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ảnh: ITN
Khẩn trương lo nơi ăn, chốn ở
Trong lần sáp nhập này, đội ngũ cán bộ tỉnh Đắk Nông có lẽ mang nhiều tâm tư nhất. Năm 2004, Đắk Nông được chia tách từ Đắk Lắk với hàng trăm lãnh đạo, công chức được điều động từ TP Buôn Ma Thuột sang huyện Gia Nghĩa (thủ phủ mới của Đắk Nông) để làm việc trong các cơ quan “dã chiến” từ tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ngành. Giờ đây, họ lại chuẩn bị hành trang lên đường nhận nhiệm vụ ở tỉnh Lâm Đồng.
“Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính sơ bộ số cán bộ của tỉnh sang Lâm Đồng công tác sau sáp nhập rất lớn”, một cán bộ tại tỉnh Đắk Nông thông tin.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương, chủ động phối hợp với đơn vị tương ứng của Bình Thuận và Đắk Nông để xây dựng đề án riêng cho từng lĩnh vực. Các nội dung cần hoàn thiện và gửi về Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng để thẩm định, tổng hợp trước ngày 22/4.
Trong khi đó, UBND tỉnh Đắk Lắk có báo cáo Ban Thường vụ tỉnh về việc rà soát nhà ở, chuẩn bị phương tiện dự kiến cho hơn 1.000 cán bộ, công chức (trong đó có 120 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) từ Phú Yên đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) làm việc sau sáp nhập.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, qua rà soát, tỉnh có thể bố trí chỗ ở cho 363 người từ các nguồn hiện có: Nhà công vụ đường Nguyễn Du và nhà khách Tỉnh ủy (118 người), nhà tập thể, nhà công vụ do Sở Xây dựng và Sở Tài chính quản lý (97 người), ký túc xá Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên (148 người).
Đối với khoảng 637 cán bộ còn lại, tỉnh dự kiến trưng dụng thêm ký túc xá Trường Cao đẳng Đắk Lắk và cơ sở Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, bố trí được khoảng 379 người. Sau huy động, còn thiếu chỗ ở cho khoảng 258 người. Tổng kinh phí dự kiến cho cải tạo, sửa chữa và trang bị nhà ở khoảng 85 tỷ đồng, gồm: 38,9 tỷ đồng sửa chữa, 37,5 tỷ đồng mua sắm nội thất và 8,5 tỷ đồng cho quản lý và tư vấn dự án.
Nguồn vốn lấy từ ngân sách tỉnh năm 2025, hỗ trợ từ Trung ương và xã hội hóa một phần từ cán bộ tự nguyện đóng góp. Các công trình sửa chữa, cải tạo sẽ hoàn thành trước tháng 7/2025 để kịp ổn định chỗ ở cho cán bộ trước thời điểm sáp nhập.

Học sinh Tây Nguyên đến trường trong vòng tay thầy cô.
Gạt tâm tư vì “sự nghiệp chung”
Ông Phạm Kim Quang - Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng thông tin, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tỉnh ủy Lâm Đồng về tinh giản bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị đã chủ động trao đổi thông tin với sở GD&ĐT 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận để nắm số lượng cán bộ, công chức, người lao động và các phòng, ban chuyên môn.
“Chúng tôi đang khẩn trương rà soát, nắm số lượng cán bộ, công chức bị ảnh hưởng do sáp nhập để tham mưu phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt, chúng tôi xác định số lượng cán bộ, công chức của ngành sẽ tăng gấp 3 so với hiện tại”, ông Quang thông tin.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng, những băn khoăn, tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức do sáp nhập là điều dễ hiểu, cần được động viên, thông cảm. “Phần lớn trong số cán bộ, công chức có công việc, cuộc sống ổn định, đồng nghiệp, cơ quan thân thuộc mỗi ngày, giờ họ phải rời đi nên ai cũng tâm tư, tiếc nuối là điều rất đáng thông cảm”, ông Quang bày tỏ. Tuy nhiên, theo ông Quang, xác định vì sự nghiệp chung, vì sự phát triển đất nước như tinh thần của Tổng Bí thư, thời gian qua ngành Giáo dục Lâm Đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, công chức. Vì vậy, hầu hết đồng lòng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động, bố trí nơi làm việc mới.
Đối với ngành Giáo dục Đắk Nông, việc cán bộ, công chức của tỉnh có nhiều tâm tư cũng dễ thông cảm, bởi hầu hết thầy cô đang công tác tại Sở GD&ĐT Đắk Nông có “lý lịch trích ngang” từ ngành GD-ĐT Đắk Lắk chuyển qua.
Theo bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, dù có chút nỗi niềm khi chuẩn bị đến công tác ở một địa điểm mới cách xa khoảng 200km, nhưng hầu hết cán bộ, công chức sở GD&ĐT xác định gạt tình cảm riêng tư, sẵn sàng lên đường.
“Nhiều cán bộ, công chức xuất phát từ Đắk Lắk, ở đó có gia đình, người thân, họ hàng, làng xóm. Trước đây khi chưa rõ ràng, mọi người muốn được nhập lại với Đắk Lắk. Nhưng khi Nghị quyết 60 ra đời, chúng tôi xác định, dù khó khăn, vất vả vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ chức phân công”, bà Thu bày tỏ.
Cũng như bà Thu, nhiều cán bộ tại Sở GD&ĐT Đắk Nông bày tỏ, dù con còn nhỏ, nhưng sẽ sắp xếp chu toàn để thực hiện nhiệm vụ khi tổ chức phân công.
“Cả 2 con còn nhỏ, nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất, khi đường qua Lâm Đồng chưa thuận lợi, mỗi tháng sẽ về 2 - 3 lần, nếu có việc công tác gần nhà thì tranh thủ ghé thăm vợ con. Việc nhà sẽ nhờ phía gia đình vợ hỗ trợ. Vì vậy, tôi yên tâm để nhận nhiệm vụ mới”, một chuyên viên Sở GD&ĐT Đắk Nông thể hiện quyết tâm.
Nhận thông tin tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Đắk Lắk, ông Trần Khắc Lễ - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên cho hay, do đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên bản thân cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động của đơn vị đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ sau sáp nhập.
“Công tác tư tưởng, ổn định tâm lý được lãnh đạo tỉnh và ngành chuẩn bị từ lâu nên tất cả cán bộ, công chức người lao động đều yên tâm. Chúng tôi xem việc sáp nhập này là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được cấp trên phân công”, ông Lễ nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể, đơn vị sẽ triển khai các bước cho nhiệm vụ sáp nhập theo quy định.
Bà Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay, sở đang khẩn trương thống kê nhân sự, cơ sở vật chất, tham mưu cho Tỉnh ủy Đắk Lắk chuẩn bị cho cuộc sáp nhập, tinh gọn bộ máy của ngành theo đúng chỉ đạo của Trung ương và tỉnh.