Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mức hỗ trợ học phí cho trường công lập và tư thục là tương đương

Chiều 22/5, làm rõ một số ý kiến của của Đại biểu nêu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, HĐND các tỉnh, thành phố xác định mức học phí hỗ trợ học sinh trường công lập và trường ngoài công lập tương đương nhau.

Video Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi họp tại tổ Hà Nội:

Làm rõ mức hỗ trợ giữa các nhóm học sinh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi; miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh từ năm học 2025 - 2026.

Nhiều Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đều bày tỏ sự tán thành và ủng hộ cao về các nội dung trong hai dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Trước ý kiến của Đại biểu Nguyễn Anh Trí về thời gian thực hiện 5 năm của nghị quyết và phân bố mức kinh phí phù hợp cho việc miễn, hỗ trợ học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các nghị quyết này được xây dựng với tinh thần phân cấp giữa Quốc hội và Chính phủ. Do đó, trong nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi có ghi, giao Chính phủ xây dựng đề án cụ thể để triển khai. Vì kế hoạch kéo dài 5 năm, có năm nhiều năm ít, vùng miền khác nhau, cần chi tiết hóa. Chi tiết này không thể hiện trong nghị quyết hay phụ lục mà cần một đề án. Chính phủ sẽ thẩm định công phu đề án này để ban hành.

Về kinh phí, trong tổng ngân sách sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ cho ý kiến. Đây là sự phân cấp, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết, định hướng, mục tiêu, chính sách. Việc triển khai cụ thể, Chính phủ sẽ xây dựng đề án chi tiết.

Trong hai nghị quyết này thì nghị quyết phổ cập mầm non sẽ triển khai trong 5 năm. Do đó, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, lo lắng của các đại biểu là có lý do vì quá trình triển khai sẽ rất công phu và nhiều thách thức, không chỉ về nguồn lực mà còn nhiều yếu tố khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Trước ý kiến băn khoăn của GS. Nguyễn Thị Lan là liệu học sinh trường tư thục có đua nhau chạy sang trường công không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong hệ thống công - tư , trường công lập của chúng ta vẫn chiếm đa số. Các trường ngoài công lập ở Thủ đô cũng được đầu tư, rất có uy tín.

Nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hàng năm, hồ sơ xếp hàng cũng khá nhiều. Ngành giáo dục Hà Nội từ năm học 2024 trở lại đây đã tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, không còn cảnh xếp hàng nộp hồ sơ. Đây là một tiến bộ.

“Qua các con số, số lượng tuyển sinh vào trường tư thục vẫn áp lực không kém trường công. Lo ngại của đại biểu đương nhiên cần nghĩ đến, nhưng cũng không quá lo lắng, vì các trường tư ở Hà Nội đã khẳng định được vị trí, thương hiệu và rất nỗ lực. Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy lo lắng này không phải là lớn lắm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mong muốn của chúng ta việc tuyển sinh vào trường công lập sẽ không quá căng thẳng nữa. Việc bố trí, phân bổ các trường chất lượng tốt trong hệ thống công cần tăng cường thêm ở một số khu vực ngoại thành và đông dân cư.

Với các trường thuộc khối giáo dục đặc biệt (trường chuyên, năng khiếu, trường của các đơn vị), Luật Giáo dục (Điều 61, 62, 63) đã quy định cho các đối tượng thuộc trường chuyên biệt, trường chuyên, năng khiếu. Nhà nước coi đây là trường bồi dưỡng nhân tài, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà nước sẽ có đầu tư theo quy định riêng. Điều này đã có quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Với học sinh học chương trình phổ thông ở các cơ sở giáo dục loại hình khác như trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học chương trình phổ thông ở trường cao đẳng, nếu học chương trình giáo dục phổ thông ở đó, thì đều được miễn học phí như học sinh khác. Tức là, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông ở các đối tượng khác cũng đều được xem xét miễn học phí".

“Về việc hỗ trợ học phí khối ngoài công lập, trong nghị quyết đã nêu rõ. Nghĩa là, HĐND các tỉnh, thành phố xác định mức học phí hỗ trợ cho trường công bao nhiêu thì sẽ hỗ trợ cho học sinh ở trường ngoài công lập với mức tương đương. Chỉ cho như vậy thôi, còn cao hơn thì cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ sẽ phải đóng thêm”, Bộ trưởng cho biết.

Về hình thức, qua trao đổi ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cách chi trả đối với trường công là Nhà nước cấp trực tiếp cho trường theo số lượng học sinh, tương tự như trước đây. Nhưng đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, Nhà nước không cấp thay học phí, không nộp thay học phí cho học sinh trường tư, mà Nhà nước hỗ trợ một phần. Phụ huynh và người giám hộ vẫn đóng học phí theo thỏa thuận với cơ sở giáo dục và Nhà nước hỗ trợ lại một phần. Hình thức cấp trực tiếp cho người học là phù hợp. Theo Bộ trưởng, với chuyển đổi số hiện nay, việc cấp này cũng rất thuận tiện, không có gì khó khăn.

Vấn đề dạy thêm, học thêm được đưa ra chất vấn

Trước ý kiến băn khoăn của Đại biểu về việc các địa phương không tự cân đối được ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố, địa phương thực hiện miễn học phí. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được, ngân sách Trung ương sẽ cấp bù, hỗ trợ. Để sớm triển khai, sau khi các nghị định này được ký và có hiệu lực ngay, làm căn cứ, dù triển khai từ đầu năm học vào tháng 9/2025.

HĐND các tỉnh, thành phố phải có căn cứ để ra quyết định các mức hỗ trợ thì mới thực hiện được. Vì vậy, nghị quyết khi có hiệu lực thì HĐND mới có căn cứ xem xét mức hỗ trợ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nguyên tắc miễn học phí, tính học phí là theo định mức kinh tế kỹ thuật để tính đủ chi phí cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương trình Thủ tướng nghị định thay thế Nghị định 81 và Nghị định 97. Dự kiến trong tháng 6 này sẽ hoàn thành nghị định này. Sau khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành, các nghị định cũng được ban hành ngay để có căn cứ triển khai trong thực tế.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ phải đi kèm với các quy định, không thu thêm bất cứ một khoản học phí nào nữa, hoặc có thì cũng rất hạn chế.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm và chắc chắn sẽ có trong nội dung chất vấn sắp tới, đây là những vấn đề các đại biểu rất quan tâm.

Trong ba đối tượng mà nhà trường tổ chức dạy thêm (gọi là dạy thêm trong trường học) gồm: Học sinh học tập còn yếu, học sinh chuẩn bị bồi dưỡng học sinh giỏi, và học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp đã được Thông tư 29 nêu rõ, không thu học phí. Nhà trường phải tổ chức, việc này thuộc trách nhiệm của nhà trường. Việc xem xét hỗ trợ cho nhà trường và giáo viên tùy theo điều kiện của địa phương.

Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư gửi ngành giáo dục (Văn bản số 177), có nội dung chỉ đạo lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh trong nhà trường. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị phương án tổ chức buổi dạy thứ hai trong nhà trường với tinh thần không được thu phí bất kỳ nguồn nào từ phía người học. Chủ trương này Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai phương án để thực hiện bắt đầu từ năm học mới này. Với các quy định như vậy, ngành giáo dục hướng đến một nền giáo dục phổ thông công lập không thu học phí.

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-kim-son-muc-ho-tro-hoc-phi-cho-truong-cong-lap-va-tu-thuc-la-tuong-duong-20250522171144264.htm