Ngành Giáo dục Hà Nội gặp mặt nhà giáo tham gia chiến trường: Tri ân quá khứ, tiếp sức thi đua dạy tốt, học tốt
Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức gặp mặt 105 nhà giáo, đại diện hơn 1.500 nhà giáo đã tham gia kháng chiến.

Văn nghệ chào mừng. Ảnh: Lê Nguyễn
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 28-4, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức gặp mặt 105 nhà giáo tham gia chiến trường B, C, K và nhà giáo đi B trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hầu hết các nhà giáo hiện đã cao tuổi, trong đó người ít tuổi nhất đã trên 70, người cao tuổi nhất là Đại tá, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, hiện đã 92 tuổi.
Ký ức hào hùng của các nhà giáo Hà Nội
Chương trình gây ấn tượng đặc biệt với phần chia sẻ của các nhà giáo, những người đã xếp bút nghiên, dành cả tuổi thanh xuân ra chiến trường chiến đấu.

Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Lê Nguyễn
Chia sẻ về những kỷ niệm tham gia chiến trường, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng trường Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cho biết, ông có 14 năm trong quân ngũ, trong đó 10 năm ở chiến trường miền Nam. Kể lại sự khốc liệt của chiến tranh, về những đau thương của việc mất đi nhiều đồng đội, cũng như tinh thần anh dũng của người lính, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, dù trong hoàn cảnh nào, những người lính - nhà giáo Hà Nội luôn nhớ về Hà Nội với quyết tâm chiến đấu anh dũng, mong ngày trở về. Vì thế, khi trở về Hà Nội, bản thân ông đã làm đủ nghề như tráng bánh đa, đóng gạch, dạy bổ túc văn hóa… để tăng thu nhập cho gia đình và gắn bó với nghề giáo.

Quang cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh: Lê Nguyễn
Nhà giáo Lê Quang Đạt, hội viên Hội Cựu giáo chức quận Hai Bà Trưng chia sẻ, khi đang là giáo viên Trường Độc lập, khu phố Hai Bà Trưng, cùng một số đồng nghiệp, ông lên đường nhập ngũ vào tháng 1-1972. Kể về kỷ niệm tham gia những ngày đêm khói lửa ác liệt tại Mặt trận Quảng Trị, nhà giáo Lê Quang Đạt cho biết, khi ấy, những người lính - nhà giáo luôn động viên nhau “không yếu đuối, không chùn bước, mà nghĩ về những người thân yêu, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”. Khi xuất ngũ, là thương binh, nhà giáo Lê Quang Đạt quay trở lại với nghề dạy học với tinh thần “tàn nhưng không phế”, tiếp tục có nhiều đóng góp với nghề.
Đại diện nhà giáo từng giảng dạy trực tiếp ở chiến trường B, nhà giáo Nguyễn Thị Tiệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) chia sẻ, trước khi đi chiến trường B, bà dạy ở Trường Tiểu học Phương Đình (huyện Đan Phượng). Với quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, năm 1973, cùng nhiều đồng nghiệp, bà lên đường nhận nhiệm vụ. “Dù trải qua những năm tháng đầy khốc liệt, gian truân, nhưng tôi rất tự hào mình đã góp một phần công sức bé nhỏ vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - nhà giáo Nguyễn Thị Tiệp bày tỏ.
Chia sẻ của các cựu giáo chức cho thấy phẩm chất, đạo đức và nhân cách của các thầy giáo, cô giáo trong chiến tranh luôn sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân; khi hòa bình vẫn vẹn nguyên tấm lòng "Tất cả vì học sinh thân yêu". Có thể thấy, sự hy sinh và cống hiến của các nhà giáo - chiến sĩ là niềm tự hào, niềm vinh dự của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, góp phần làm nên truyền thống của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội, có gần 1.500 nhà giáo Hà Nội tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại các chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia (B, C, K); trong đó có hơn 200 nhà giáo đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Tự hào truyền thống, tiếp lửa cống hiến
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn chia sẻ, đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc có lực lượng đông đảo nhà giáo Hà Nội. Hàng nghìn thầy giáo, cô giáo với truyền thống yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã sẵn sàng rời xa mái trường thân yêu, xa gia đình, xếp bút nghiên lên đường ra chiến trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng quà tri ân các nhà giáo đã tham gia kháng chiến. Ảnh: Lê Nguyễn
Hà Nội còn một lực lượng nữa là nhà giáo theo điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào làm công tác giáo dục trong miền Nam, đặt nền móng nền giáo dục cách mạng ngay trong vùng địch hậu. Lực lượng này đã có mặt trên khắp các chiến trường B,C,K. Từ tháng 5-1961 đến tháng 12-1974, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 31 đoàn giáo viên từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, với tổng số 2.752 người, trong số này có 101 thầy, cô giáo là giáo viên của Hà Nội.
Trở về sau chiến thắng, nhiều thầy, cô giáo tiếp tục với sự nghiệp trồng người. Dù ở cương vị nào, các nhà giáo - chiến sĩ Thủ đô vẫn luôn tâm huyết, cống hiến, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Nhiều thầy giáo, cô giáo tiếp tục vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, di chứng chiến tranh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Lê Nguyễn
Bày tỏ sự tri ân, biết ơn đối với những đóng góp to lớn của các cựu giáo chức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: “Điều thật đáng trân quý ở các nhà giáo Hà Nội, khi hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ, từ chiến trường khói lửa, trở lại nhà trường mang theo cả những bài học từ chiến trường để dạy cho học sinh về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.
Chính sự hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người thầy đã góp phần hun đúc nên truyền thống giáo dục yêu nước, trở thành niềm tự hào không thể phai mờ trong lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Sau khi được nghỉ chế độ, các nhà giáo vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, tham gia cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và có nhiều đóng góp tích cực".

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tặng quà tri ân các nhà giáo đã tham gia kháng chiến. Ảnh: Lê Nguyễn
Điểm lại sự phát triển về quy mô và chất lượng giáo dục Thủ đô những năm vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay có sự hy sinh, đóng góp công sức, tâm sức của nhiều thế hệ nhà giáo, đặc biệt là thế hệ các nhà giáo lão thành thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh hôm nay sẽ tiếp tục sự nghiệp của các nhà giáo đi trước, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.