Ngành Giáo dục khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ

Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 23 - 25/8/2024, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng ngập trong nước và bùn đất. Khắc phục những khó khăn của thời tiết, các trường học khẩn trương dọn vệ sinh, sắp xếp lại cơ sở vật chất, trang thiết bị để chuẩn bị đón học sinh nhập trường năm học 2024 - 2025.

Cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Hà Quảng tích cực tổng vệ sinh, dọn dẹp trường, lớp học sau đợt mưa lũ.

Cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Hà Quảng tích cực tổng vệ sinh, dọn dẹp trường, lớp học sau đợt mưa lũ.

Có mặt tại một số trường học trên địa bàn thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) ngày Chủ nhật 25/8, chúng tôi chứng kiến các thầy cô giáo đang tất bật dọn dẹp bùn đất, mùn rác đọng lại sau mưa, vệ sinh các phòng học sạch sẽ để đón học sinh trở lại trường. Mỗi người một việc, người khỏe khiêng dọn vật nặng như: bàn ghế, tủ đồ; người cào bùn đất và phun rửa phòng học, sân trường. Sau nhiều giờ làm việc cật lực, phòng học, bàn ghế được lau chùi sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hà Quảng Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Những ngày qua, một số xã trên địa bàn huyện Hà Quảng bị ngập úng, sinh hoạt và sản xuất của người dân bị đảo lộn, nhưng hầu hết các trường học không bị ảnh hưởng nặng. Chủ yếu sau mưa to, nước phía các khe, dồi dốc cao chảy tràn vào trường vào kéo theo bùn đất, cát, sau khi nước rút gây lắng bùn, rác khu vực sân trường và một số lớp học. Thực hiện chỉ đạo của Sở và huyện, Phòng đã chỉ đạo và trực tiếp đến kiểm tra và yêu cầu các trường rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học, huy động cán bộ, giáo viên tổng dọn vệ sinh, đảm bảo đủ điều kiện đón học sinh nhập trường và phục vụ cho năm học mới 2024 - 2025, trước mắt là Lễ khai giảng ngày 5/9, với phương châm an toàn, hiệu quả.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc ngập trong nước. Ảnh chụp sáng 26/8/2024.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc ngập trong nước. Ảnh chụp sáng 26/8/2024.

Tại huyện Trùng Khánh, do ảnh hưởng của mưa lớn kèm theo gió lốc từ ngày 23 - 25/8/2024, làm 3 đơn vị trường học trên địa bàn xã Quang Vinh bị ngập sâu trong nước. Trong đó, 2 Trường Mầm non Quang Vinh và Tiểu học Quang Vinh ngập sâu khoảng 3 - 3,5m, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc ngập sâu từ 1 - 1,5m. Trước đó, do chủ động ứng phó với mưa lũ, các trường đã kịp chuyển một số thiết bị điện tử và tài sản có giá trị lên tầng 2 của nhà hiệu bộ và dãy phòng học. Còn lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường ở tầng 1 bao gồm dãy phòng học, nhà đa năng, nhà hiệu bộ, nhà bếp, ký túc xá học sinh, nhà kho 2 trường Tiểu học Quang Vinh và Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh - Lưu Ngọc chứa khoảng hơn 2 tấn gạo dùng để phục vụ bán trú đã bị ngập sâu trong nước, không thể tiếp cận.

Toàn bộ cơ sở vật chất Trường Mầm non Quang Vinh (Trùng Khánh) ngập sâu trong biển nước. Ảnh chụp sáng 26/8/2024.

Toàn bộ cơ sở vật chất Trường Mầm non Quang Vinh (Trùng Khánh) ngập sâu trong biển nước. Ảnh chụp sáng 26/8/2024.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Vinh (Trùng Khánh) Hà Thị Cúc thông tin, năm học 2024 - 2025, trường có 11 cán bộ quản lý và giáo viên, tiếp nhận 62 học sinh từ lớp nhà trẻ đến lớp 5 tuổi. Về cơ sở vật chất, gồm: 4 phòng học, 3 phòng chức năng, 1 nhà bếp và 4 phòng dãy hội đồng. Từ đầu tháng 8/2024, nhà trường đã kiểm tra, rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc, giáo dục trẻ; cán bộ, giáo viên và nhân viên tiến hành vệ sinh trang trí trường, lớp học, để sẵn sàng đón trẻ đến trường và chuẩn bị các điều kiện khai giảng năm học mới. Do ở vị trí lòng chảo, nên nhà trường luôn theo dõi sát diễn biến thời tiết để có phương án di chuyển, bảo vệ tài sản, mọi năm trường cũng thường bị ngập úng mùa mưa, tuy có khó khăn nhưng vẫn tổ chức dạy học được. Ngày 23/8, khi thấy mưa to nhà trường đã gấp rút di chuyển tài liệu, một số thiết bị điện tử và tài sản lên trên các phòng tầng 2, còn lại toàn bộ kê dọn lên nơi cao ráo ở tầng 1. Đây là đợt mưa lũ lịch sử tại địa phương, nước dâng lên quá nhanh nên bất khả kháng, gây thiệt hại quá lớn cho nhà trường, tất cả bị nhấn chìm trong biển nước, nếu trời tiếp tục mưa có nguy cơ nước dâng cao hơn - cô Cúc ngậm ngùi.

Các trường học trên địa bàn xã Quang Vinh (Trùng Khánh) khẩn trương di chuyển tài sản, trang thiết bị trước khi bị mưa lũ gây ngập úng sâu. Ảnh chụp ngày 23/8.

Các trường học trên địa bàn xã Quang Vinh (Trùng Khánh) khẩn trương di chuyển tài sản, trang thiết bị trước khi bị mưa lũ gây ngập úng sâu. Ảnh chụp ngày 23/8.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trùng Khánh, các lực lượng tại chỗ của xã Quang Vinh đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng triển khai các phương án hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt và các trường học khi có tình huống xảy ra. Với phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”, trong những ngày tới khi nước rút, huyện sẽ khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, huy động tối đa các lực lượng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn xã, để sớm có thể đón học sinh tựu trường cũng như ổn định sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Ngoài 3 trường học tại huyện Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề đến công tác chuẩn bị cho năm học mới, theo thống kê của Sở GD&ĐT, đến ngày 25/8, toàn tỉnh có 4/26 trường THPT bị ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập lụt, trong đó, đường đi đến Trường THPT Canh Tân (Thạch An), nhiều đoạn bị sạt lở và 2 đoạn ngập không đi lại được; Trường THPT Đàm Quang Trung (Hà Quảng) có nhiều lớp học, nhà đa năng, thư viện, ký túc xá học sinh, nhà hiệu bộ, phòng tin học bị thấm dột và hư hại một số trang thiết bị; THPT Hòa An bị đổ 20m tường rào và có nguy cơ đổ thêm; THPT Thông Huề (Trùng Khánh) bị nước lũ tràn vào sân khu nhà công vụ. Trên địa bàn 8 huyện (trừ Hạ Lang) và Thành phố đều có cơ sở giáo dục thuộc Phòng GD &ĐT quản lý bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt. Trong đó, Trường PTDTBT Tiểu học Hưng Đạo (Nguyên Bình) bị đất lở làm sập hoàn toàn 1 dãy nhà 2 phòng học, nứt gãy tường dãy nhà cấp 4 gồm 2 phòng học và nguy cơ sập đổ cao; Trường THCS Hoàng Tung (Hòa An) bị đổ tường rào từ đầu tháng 8, đã báo cáo huyện để có phương án khắc phục, xử lý; Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Pàng (Bảo Lạc) bị sạt lở sau dãy nhà ký túc học sinh; các Trường Tiểu học Tổng Cọt, Xuân Hòa (Hà Quảng) bị đổ tường rào; Tiểu học Hợp Giang, Ngọc Xuân (Thành phố) lớp học bị dột, thấm nước gây hư hại trần; PTDTBT THCS Đức Thông (Thạch An) nguồn nước bán trú bị sạt lở; Điểm trường Lũng Lìu, Tiểu học Dân Chủ (Hòa An) bị sấm sét gây chập điện.

Ngoài ra, một số trường học có nguy cơ bị sạt lở kè và hệ thống tường rào, đường đi bị ách tắc do sạt lở đất, đá tràn lấp mặt đường, phương tiện khó hoặc không di chuyển được. Các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều đã và đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, huy động sự vào cuộc, hỗ trợ từ nhân dân để tập trung khắc phục thiệt hại, đảm bảo cho công tác khai giảng năm học mới 2024 - 2025 theo kế hoạch.

Ngày 16/8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, trung tâm trực thuộc và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên triển khai Công văn số 2099/UBND-KT ngày 14/8/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, yêu cầu các đơn vị chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại đơn vị, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà trường; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt lưu ý công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nganh-giao-duc-khan-truong-khac-phuc-thiet-hai-mua-lu-3171612.html