Ngành giáo dục Phú Thọ chỉ ra điểm nghẽn trong triển khai học bạ điện tử
Chưa có nền tảng thống nhất, việc ứng dụng học bạ điện tử mới chỉ khoanh vùng, bó hẹp trong quy mô nhà trường.
Học bạ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, để tạo tính liên thông, kết nối mở toàn diện, thống nhất thì cần phải đồng bộ nguồn dữ liệu chuẩn cho học bạ điện tử.
Một số trường phổ thông của tỉnh Phú Thọ đang từng bước triển khai học bạ điện tử từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, học bạ điện tử mới chỉ ứng dụng trong nội bộ từng trường, chưa tạo kết nối ngoài trường, ngoại tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông phối hợp với một số đơn vị từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà trường, trong đó có phần mềm quản lý hồ sơ sổ sách, học bạ điện tử.
“Đến nay, có 188/569 trường trên địa bàn tỉnh sử dụng học bạ điện tử (đạt 33%). Theo lộ trình, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ triển khai sổ học bạ điện tử trong các năm học tiếp theo”, Nhà giáo ưu tú Phùng Quốc Lập cho biết.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng. Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang sử dụng hoàn toàn học bạ điện tử giúp các nhà trường giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết, nâng cao hiệu lực quản lý trường học, chất lượng đào tạo toàn diện.
Là một trong những trường trung học phổ thông đưa vào sử dụng học bạ điện tử từ năm học 2022-2023, cô Phạm Thị Cẩm Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cho biết, đây là năm học đầu tiên nhà trường sử dụng học bạ điện tử. Song, trường mới chỉ ứng dụng cho học sinh khối 10.
Theo cô Anh, với học bạ điện tử, nhà trường lưu trữ được khối lượng lớn dữ liệu học tập của học sinh, đáp ứng được yêu cầu về quản trị, từng bước nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong phạm vi nhà trường.
“Học bạ điện tử rất tiện dụng. Dù ở đâu, thời điểm nào, giáo viên đều có thể thao tác dễ dàng trên hệ thống, phụ huynh theo dõi kết quả học tập, điểm số của con em một cách dễ dàng”, cô Anh nói.
Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, các năm trước, nhà trường chưa áp dụng học bạ điện tử do chưa có hướng dẫn thống nhất của ngành giáo dục tỉnh. Bắt đầu từ năm học 2022-2023, được sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đưa vào sử dụng học bạ điện tử đối với lớp 10.
“Hiện giáo viên của trường đã có chữ ký số, học sinh khối 10 không còn sử dụng học bạ giấy”, cô Anh chia sẻ thêm.
Song, thực tế cho thấy, vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai học bạ điện tử hiện nay là chưa có một nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh và toàn quốc. Việc ứng dụng học bạ điện tử mới chỉ khoanh vùng, bó hẹp trong quy mô nhà trường.
Chia sẻ cụ thể hơn về triển khai học bạ điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo ông Phùng Quốc Lập, hiện mỗi trường học sử dụng một phần mềm khác nhau nên học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý trong nội bộ trường học, chưa kết nối liên thông với các trường, đơn vị ngoài tỉnh.
Vậy nên, mỗi khi có học sinh chuyển trường đi và đến trên địa bàn tỉnh hay ngoài tỉnh, hoặc khi học sinh vào đại học thì các nhà trường vẫn phải in ra học bạ giấy truyền thống cho học sinh.
“Việc triển khai học bạ điện tử và ứng dụng chuyển đổi số trong trường học hiện đang đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết kịp thời như:
Một là, phải có sự thay đổi trong công tác quản lý giáo dục ở các nhà trường. Thay đổi từ tư duy, phương pháp quản lý đến trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Hai là, các nhà trường phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo tính đồng bộ, thường xuyên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất như: đường truyền internet, hệ thống máy tính, các trang thiết bị học tập…
Ba là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên không gian mạng, môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.
Trước những vướng mắc, để việc sử dụng học bạ điện tử được thuận lợi, thống nhất, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần có sự vào cuộc chỉ đạo, điều hành thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Để tránh tình trạng mỗi tỉnh, thành phố, mỗi nhà trường, cấp học sử dụng một kiểu học bạ điện tử, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đồng bộ hóa dữ liệu, xây dựng một nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung cho tất cả các trường học trên toàn quốc.
Làm được điều này sẽ tối giản các thủ tục, giảm chi phí cho các nhà trường và người học. Từ đó, góp phần tạo tính liên thông, hiệu quả của học bạ điện tử giữa các cấp học, bậc học trên toàn quốc”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ chia sẻ.