Ngành giáo dục từng bước thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS
Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tích cực triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, từ năm học 2018 - 2019 hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THCS đã được ngành GD&ĐT chú trọng thực hiện. Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, hằng năm phòng khảo sát, xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp để giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng. Đồng thời, hướng dẫn các trường đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới qua việc tích hợp vào các nội dung môn học: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong năm học cuối cấp lớp 9...
Cùng với hướng dẫn của sở, để việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, từ đầu năm học các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã chủ động phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực hiện chương trình, chủ đề hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; mỗi tiết hướng nghiệp, giáo viên đều có liên hệ thực tế, từ đó từng bước hình thành nhận thức của các em đối với việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, các trường còn thường xuyên tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông tin về kết quả học tập của học sinh; đặc biệt là thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chỉ tiêu của các trường THPT trên địa bàn và giới thiệu về học nghề để phụ huynh cùng học sinh chọn hướng đi phù hợp
Cô Nông Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, cho biết: Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên theo dõi sát tình hình sức học của học sinh lớp 9. Trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với phụ huynh tư vấn cho các em về việc lựa chọn trường THPT hoặc học nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Đến thời điểm này, nhà trường có 18/202 học sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường học nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các giải pháp trên, để thực hiện công tác phân luồng cho học sinh lớp 9, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp; khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục thành lập ban hoặc tổ tư vấn hướng nghiệp. Cùng đó, hướng dẫn các trường THCS phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường cao đẳng nghề tổ chức dạy nghề phổ thông, tuyên truyền đến các nhà trường, phụ huynh, học sinh về định hướng nghề nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động trong công tác phân luồng học sinh sau THCS đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh về lựa chọn trường phù hợp với năng lực, trình độ. Theo tìm hiểu tại các trường THCS và thông qua kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2020 - 2021 tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trường nghề đạt trung bình khoảng trên 15% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS (tăng hơn 5% so với các năm học trước đó); từ năm học 2022 - 2023 đến nay tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trường nghề đạt trên 18%.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 224 trường THCS và trường có cấp THCS, với trên 12.300 học sinh khối lớp 9; dự kiến, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục sẽ tuyển trên 74% học sinh THCS vào các trường THPT, số còn lại phân luồng học chương trình giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp. Để công tác phân luồng học sinh đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS, THPT; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên kiêm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh...