Ngành giao thông đôn đốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Từ đầu năm đến nay, lũy kế giải ngân tại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020) đạt 8.945/16.216 tỷ đồng, đạt 55,16%. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các Ban Quản lý dự án giao thông (BQLDA), chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân hết số vốn đầu tư công bố trí cho dự án trong năm 2022.

"Tối hậu thư"

Tại cuộc họp kiểm đếm tiến độ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020) mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các BQLDA, chủ đầu tư giám sát chặt chẽ hiện trường thi công hàng tuần đối với các dự án giao thông trọng điểm, kiên quyết loại bỏ nhà thầu yếu để đảm bảo tiến độ dự án và kế hoạch giải ngân đã đăng ký.

Ngăn nhà thầu yếu, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông, nhất là trên tuyến cao tốc Bắc Nam.

Ngăn nhà thầu yếu, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông, nhất là trên tuyến cao tốc Bắc Nam.

Đến thời điểm này, theo rà soát của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), lũy kế giải ngân các dự án giao thông mới đạt hơn 55%, chậm so với chỉ tiêu đề ra. Hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù kết quả giải ngân 8 tháng đầu năm cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, ngành, địa phương (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%), nhưng vẫn chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đã đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Đơn cử, đến thời điểm này, Ban QLDA2 chậm giải ngân hàng loạt dự án như: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn; BQLDA Mỹ Thuận cũng chậm tại các dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất...

Để đảm bảo hoàn thành trên 95% kế hoạch vốn giải ngân được giao trong năm 2022, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu các BQLDA quyết liệt thực hiện chủ trương “Dự án vướng ở đâu phải lăn xả vào tìm cách tháo gỡ ở đó, tuyệt đối không đổ thừa cho hoàn cảnh”.

Còn đại diện các BQLDA cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân các dự án chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong công tác gia tải, xử lý lún...; đồng thời, cam kết siết chặt kỷ luật thi công, đảm bảo “nhà thầu nào yếu kém phải thực hiện ngay việc cắt chuyển khối lượng. Dự án mà tiếp tục chậm trễ, lãnh đạo Ban phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT” theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Chạy nước rút giải ngân

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), đến cuối tháng 8/2022, 19 dự án giao thông có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, nhóm chậm giải ngân do giải phóng mặt bằng (GPMB) và lựa chọn nhà thầu chậm, gồm các dự án: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (BQLDA 2); dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 (BQLDA Mỹ Thuận); dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga đoạn Vinh - Nha Trang (BQLDA 85), cải tạo nâng cấp QL30 (Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp).

Nhóm chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu, gồm: Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam QL45 - Nghi Sơn (BQLDA 2); dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (BQLDA 6); dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau (BQLDA 7); cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (BQLDA Mỹ Thuận); tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (BQLDA tỉnh Đắk Lắk); cải tạo, nâng cấp QL37 (Sở GTVT Thái Bình) và dự án Nâng cấp, cải tạo QL21B (Sở GTVT Hà Nam).

Nhóm các dự án giải ngân chậm do hồ sơ nội nghiệp chậm, gồm: Dự án thành phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn (BQLDA đường Hồ Chí Minh); nâng cấp, cải tạo đường sân bay Tân Sơn Nhất (BQLDA Mỹ Thuận); dự án tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Sở GTVT Hà Nam) và cải tạo, nâng cấp QL57 (Sở GTVT Bến Tre).

Riêng đối với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I, trong số 10 dự án thành phần cao tốc đang triển khai thi công, việc giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đang gặp thách thức lớn nhất tại dự án PPP Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án đang chậm khoảng 680 tỷ đồng do chưa thanh toán được phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án), một số dự án khác vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch giải ngân.

Xác định từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I tương đối lớn, khoảng 7.270 tỷ đồng, trong khi mùa mưa bão đang đến gần, Vụ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các BQLDA phải nỗ lực lớn, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, lũy kế sản lượng, làm cơ sở giải ngân hết số vốn này trong năm nay.

Sơn Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-giao-thong-don-doc-hoan-thanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-20220827200638269.htm