Ngành giao thông Mỹ ứng phó khẩn cấp trước dịch bệnh

Khi COVID-19 không ngừng 'di chuyển' từ quốc gia này sang quốc gia khác, các nhà điều hành giao thông nhận ra họ đang ở tuyến đầu của một cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu dịch bệnh đã quan sát, nghiên cứu về việc lây truyền virus qua giao thông, giúp cho các nhà quản lý vận tải có những biện pháp để đối phó với dịch bệnh.

Vì sao có các ca siêu lây nhiễm trên phương tiện giao thông công cộng?

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 theo đường giao thông ở người có thể không cao so với việc nhiều người tập trung một nơi trong thời gian dài như trong các lớp học, lễ hội hay những khu văn phòng khép kín...

Tại các đô thị, người tham gia đi tàu xe thường có khuynh hướng bước nhanh hơn, đồng nghĩa với việc khả năng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mang virus thấp hơn.

Trên máy bay, hành khách hít thở không khí có từ khí quyển và khi khí tái tuần hoàn đã thông qua các bộ lọc và loại đi hơn 99,9% vi khuẩn. Luồng không khí này di chuyển từ đầu xuống đuôi máy bay, vì thế, hành khách cùng hít thở một loại không khí như nhau trong không gian ngồi của mình. Và ngay cả khi nếu như có ai đó đang hắt hơi, sổ mũi, ho... thì virus thoát ra từ họ không thể bay quá 1m.

GS. Vicki Stover Hertzberg - chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh di chuyển thông qua các máy bay tại Trường sức khỏe công cộng Rollins (Đại học Emory, Atlanta, Georgia, Mỹ) cho rằng: “Trừ khi người nhiễm virus hắt hơi, ho rất mạnh khiến giọt tiết chứa virus bắn rất xa thì mới có thể lây nhiễm virus cho người ngồi cùng hàng, ngay phía trước hoặc đằng sau”.

Nhưng vì sao vẫn có những ca siêu lây nhiễm trên máy bay? Một cuộc nghiên cứu từ năm 2005 đối với lây truyền dịch SARS trên máy bay đã khám phá ra rằng, trong một chuyến bay tháng 3/2003 từ Hong Kong đến Bắc Kinh, một hành khách bị ốm đã lây nhiễm bệnh cho các hành khách khác ngồi cách đó tới... 7 hàng ghế. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra các thủ phạm làm lây truyền dịch bệnh bao gồm các vật dụng và những bề mặt mà vi trùng có thể bám lên đó trong vòng vài giờ và bám vào cơ thể người khi có cơ hội.

Công nhân vệ sinh của hãng xe buýt Transit Workers United Local 100 phun khử trùng xe buýt. Ảnh nguồn: The Seattle Times

Công nhân vệ sinh của hãng xe buýt Transit Workers United Local 100 phun khử trùng xe buýt. Ảnh nguồn: The Seattle Times

Phản ứng phòng vệ của ngành giao thông

Trong các tuần qua, các nhà điều hành giao thông đã nhanh chóng bằng mọi cách dùng các biện pháp nhằm tối ưu hóa, giảm đà phát tán của dịch bệnh. Họ sử dụng từ các cây lau nhà nhỏ đến máy phun thuốc phun khử trùng... nhằm hạn chế virus có thể tồn tại trong môi trường.

Phản ứng của ngành giao thông vận tải trước dịch COVID-19 là: Ít đụng chạm và luôn làm sạch. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị: Hãy phun khử trùng mọi thứ trong vòng 1,8m tính từ ghế ngồi; rửa sạch mọi thứ bằng nước ấm; tiêu hủy đồ không giặt được. Nhân viên luôn mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay; luôn chạy máy thông gió. Một số hãng hàng không đã ngừng phát khăn nóng, gói, chăn và tạp chí nhằm giảm tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên phục vụ.

Hiệp hội Tiếp viên hàng không Hoa Kỳ (CWA) hiện có gần 50.000 thành viên, hoạt động cho 20 hãng hàng không, đã được phê chuẩn cho chuyển đổi chỗ ngồi. Theo đó, các hãng hàng không nhất trí cho phép tiếp viên đeo găng tay không phải nhựa mọi thời điểm, phát khăn lau khử trùng cho hành khách, chế độ đãi ngộ riêng cho tiếp viên không được miễn dịch hoặc đang mang thai. Ngoài ra, cũng phát túi nôn chống rò rỉ cho hành khách. CWA cũng kêu gọi lắp đặt thiết bị sát trùng tay gần các nhà bếp hay nhà vệ sinh cho hành khách và nhân viên hàng không cùng sử dụng.

Nhóm nghiên cứu của GS. Ashok Srinivasan tại Đại học Tây Florida đã nghiên cứu về cách thức hành khách di chuyển tại các sân bay và trên máy bay. Ông khuyên rằng nên thay đổi các thủ tục để giữ cho hành khách không bị ngồi trong các khoang có hành lý tại ghế ngồi của họ. Điều đó có nghĩa là làm chậm lại tốc độ người lên máy bay. Khi chậm lại từ 3 - 5 phút có thể giảm đáng kể khả năng lây nhiễm bệnh tật.

Sau mỗi chuyến bay, các máy bay sẽ tổng vệ sinh khử trùng. Dịch vụ tàu hỏa và xe buýt sẽ lau dọn sạch định kỳ vào ban ngày và tẩy rửa trên toàn bộ bề mặt sau khi xe ngừng hoạt động vào ban đêm.

Tại thành phố Seattle - tâm chấn của dịch bùng nổ COVID-19 lớn nhất tại Mỹ, các công nhân giao thông không ngừng lau những khu vực dễ đụng chạm như tay vịn, kính chắn gió xe hơi. CDC khuyến nghị nhân viên nên dùng máy rửa áp lực hoặc máy hút bụi công suất cao sau khi khu vực đã được khử trùng và khi không có hành khách ở đó. Nhân viên nhà xe phải tháo và loại bỏ găng tay sau khi dọn sạch. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trong vòng ít nhất 30 giây.

Phan Bình

((Theo wired, 3/2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-giao-thong-my-ung-pho-khan-cap-truoc-dich-benh-n170990.html