Ngành giao thông TP.HCM làm được những gì trong năm 2023?

Một năm nhiều điểm nhấn của ngành giao thông TP.HCM khi khởi công, triển khai hàng loạt công trình trọng điểm, bứt tốc hoàn thành hàng chục dự án lâu năm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những dự án mới.

Khép lại một năm 2023 nhiều khó khăn về kinh tế, ngành giao thông TP.HCM vẫn có những điểm sáng ấn tượng với hàng loạt dấu mốc quan trọng tiếp nối cho 2024.

Khởi công Vành đai 3 TP.HCM

Một thập kỷ triển khai (kể từ năm 2011), Vành đai 3 chỉ có 16,7km đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn, tương đương với 18% chiều dài được hoàn thành. Lý do khiến dự án trọng điểm quốc gia này phải chật vật chỉ vì nguồn lực tài chính quá hạn chế.

Dự án cấp bách được khởi công xây dựng vào giữa tháng 6/2023, kỳ vọng nối kết giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Đây được xem là dự án kiểu mẫu của TP.HCM với cách làm mới, đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng.

Vành đai 3 TP.HCM (trong ảnh là đoạn Hóc Môn) là dự án kiểu mẫu áp dụng nhiều cách làm mới, đột phá về cơ chế. Ảnh: Thư Trần

Vành đai 3 TP.HCM (trong ảnh là đoạn Hóc Môn) là dự án kiểu mẫu áp dụng nhiều cách làm mới, đột phá về cơ chế. Ảnh: Thư Trần

Triển khai hàng loạt công trình trọng điểm

Sau Vành đai 3, TP.HCM tiếp tục xúc tiến hàng loạt dự án triển vọng khác như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), quốc lộ 50 (cửa ngõ miền Tây), Vành đai 2, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, hầm chui nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý…

2023 cũng là một năm tất bật chuẩn bị của ngành giao thông cho sự khởi đầu nhiều công trình chiến lược, trọng điểm như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được kỳ vọng sớm hoàn thành để giải tỏa kẹt xe quanh cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Tú

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được kỳ vọng sớm hoàn thành để giải tỏa kẹt xe quanh cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Tú

Hoàn thành 19 dự án trì hoãn lâu năm

Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng của TP.HCM, 19 công trình giao thông được hoàn thành, kịp thời giải quyết ùn tắc.

Tiêu biểu như đường song hành từ đường Mai Chí Thọ, mở rộng đường Lê Văn Chí (TP Thủ Đức), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), cầu Long Đại (TP Thủ Đức), cầu Hang Ngoài (Gò Vấp), cầu Chuối Nước (huyện Củ Chi)...

Công trình cầu Long Kiểng hoàn thành sau 20 năm kể từ khi quy hoạch và một lần tạm dừng. Ảnh: Anh Tú

Công trình cầu Long Kiểng hoàn thành sau 20 năm kể từ khi quy hoạch và một lần tạm dừng. Ảnh: Anh Tú

Trình chủ trương 41 dự án lớn

41 dự án quan trọng được trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư: Đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng), cầu đường Nguyễn Khoái, đường Nguyễn Thị Định, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Dương Quảng Hàm, nút giao thông Mỹ Thủy…

Cầu đường Nguyễn Khoái nối kết khu trung tâm TP.HCM với Nam thành phố là một trong những dự án được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Cầu đường Nguyễn Khoái nối kết khu trung tâm TP.HCM với Nam thành phố là một trong những dự án được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Tăng cường kết nối vùng

Trong năm, TP.HCM có nhiều động thái tích cực tăng cường hợp tác phát triển giao thông kết nối vùng, đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng chuyên môn. Sở GTVT chủ trì tham mưu công tác phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ về đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông nối kết vùng.

Đáng chú ý, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật các quy hoạch liên quan của Bình Dương, Đồng Nai để hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 TP.HCM trong thời gian tới.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu tiên của TP vận hành thử nghiệm. Ảnh: Chí Hùng

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu tiên của TP vận hành thử nghiệm. Ảnh: Chí Hùng

Thu phí vỉa hè

Cuối năm 2023, quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM được Sở GTVT TP hoàn thiện. Chủ trương này áp dụng vào đầu năm 2024. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè phù hợp với đặc thù đô thị và thực tiễn của thành phố.

TP.HCM hoàn tất kẻ vạch thu phí vỉa hè tại các tuyến đường theo danh mục, chuẩn bị thu phí từ 2024. Ảnh: Thư Trần

TP.HCM hoàn tất kẻ vạch thu phí vỉa hè tại các tuyến đường theo danh mục, chuẩn bị thu phí từ 2024. Ảnh: Thư Trần

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nganh-giao-thong-tphcm-lam-duoc-nhung-gi-trong-nam-2023-192231231210837386.htm