Ngành Giao thông - Vận tải: Chuyển đổi số để tạo đột phá

Chính phủ đã xác định giao thông là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Triển khai chỉ đạo này, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số với mục tiêu thay đổi căn bản phương thức quản lý, từ đó tạo cơ hội đột phá cho toàn ngành trong thời gian tới.

Giám sát vận hành xe buýt tại Trung tâm Điều hành xe buýt (Tổng công ty Vận tải Hà Nội). Ảnh: Tuấn Khải

Giám sát vận hành xe buýt tại Trung tâm Điều hành xe buýt (Tổng công ty Vận tải Hà Nội). Ảnh: Tuấn Khải

Nỗ lực trong từng nhiệm vụ

Căn phòng chỉ rộng chừng 80m2 của Trung tâm Điều hành xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) có những màn hình cỡ lớn, với khả năng giám sát toàn bộ quá trình vận hành hằng ngày của hơn 1.000 xe buýt do đơn vị quản lý, như xe đang chạy trên đường, phố nào, có gặp tắc đường hay không, có chạy đúng hành trình, có xảy ra sự cố…

Theo Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam, những năm qua, Transerco đã nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý, điều hành. Từ năm 2022, toàn bộ việc điều hành đều thông qua hệ thống giám sát hành trình định vị GPS. Phần mềm “Timbuyt” liên tục được cập nhật, cung cấp thông tin về lộ trình tuyến, điểm dừng đỗ, tần suất chạy xe cho hành khách mọi lúc mọi nơi. Đến nay đã có hơn 1,71 triệu lượt cài đặt và khoảng hơn 50 triệu lượt truy cập ứng dụng mỗi tháng. Đó là một trong nhiều lĩnh vực đang được các đơn vị trong ngành Giao thông - Vận tải Thủ đô tập trung triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi về tình hình thực hiện chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 48,2%. Đối với các lĩnh vực chuyên ngành, Sở cũng đang từng bước triển khai các hợp phần cơ bản làm nền tảng xây dựng hệ thống giao thông thông minh, như: Phát triển hạ tầng số; dữ liệu (duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu GPS của hệ thống vận tải hành khách công cộng, cơ sở dữ liệu duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông); phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Rộng hơn, trên phạm vi toàn quốc, hiệu quả từ hình thức thu phí tự động không dừng mang lại đang được cả xã hội ghi nhận như giảm ùn tắc giao thông, minh bạch trong thu phí và tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp… Phương tiện mỗi khi qua trạm thu phí chỉ mất từ 3 đến 5 giây thay vì trước đây phải mất thời gian lâu hơn nhiều cho việc dừng xe mua vé, trả tiền... Tính đến thời điểm này, tổng số phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối phục vụ thu phí tự động không dừng trên toàn quốc là hơn 4,2 triệu, đạt 90,74% tổng lượng phương tiện đang lưu hành.

Thực hiện thường xuyên, liên tục

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông - Vận tải) Lê Thanh Tùng cho biết, Bộ sẽ triển khai chuyển đổi số theo hướng số hóa từ lĩnh vực bảo trì, duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch đến thu phí không dừng. Mục tiêu cơ bản là đến năm 2025 hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành. Trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, trong năm 2022, ngành Giao thông - Vận tải đã cung cấp 289 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 264 dịch vụ mức độ 4 và 25 dịch vụ mức độ 3. Đối với việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm phương tiện với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Giao thông - Vận tải đã hoàn thành kết nối hơn 35 triệu giấy phép lái xe và hơn 4,6 triệu dữ liệu đăng kiểm phương tiện ô tô. Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong việc cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Những kết quả bước đầu là rất đáng ghi nhận, song việc chuyển đổi số vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. “Việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu còn chậm và chưa đồng bộ. Ví dụ, cơ sở dữ liệu khám sức khỏe vẫn chưa đồng bộ, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại Hà Nội mới chỉ có 3 bệnh viện thí điểm cấp giấy khám sức khỏe điện tử (Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Giao thông - Vận tải) nên việc đổi giấy phép lái xe mức độ 4 vẫn còn hạn chế”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải chia sẻ.

Nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành Giao thông - Vận tải trong những năm tới nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số là hết sức nặng nề và nhiều thách thức, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng, để hoàn thành được các mục tiêu chương trình, ngoài nguồn lực tài chính và nhân lực thì vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng. Chuyển đổi số là quá trình, không đơn giản là đích đến. Vì vậy, việc chuyển đổi số phải tiến hành từ nhận thức đến hành động, thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các hoạt động. Đó là xây dựng chính sách, quản lý nghiệp vụ, vận hành... Tất cả phải được triển khai đồng bộ ở quy mô toàn xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và cả người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chuyen-doi-so/1056406/nganh-giao-thong---van-tai-chuyen-doi-so-de-tao-dot-pha