Ngành Giao thông Vận tải Sơn La chủ động ứng phó với mưa bão

Với tinh thần chủ động, quyết tâm, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Sơn La đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mùa mưa bão năm 2021.

Kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở cao tại Km96+330 Quốc lộ 43 huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở cao tại Km96+330 Quốc lộ 43 huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Phát huy kinh nghiệm trong khắc phục hậu quả của thiên tai

Năm 2020, thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục diễn biến phức tạp với 9 đợt mưa lớn trên diện rộng; 26 đợt không khí lạnh; 5 đợt gió lốc, mưa đá; 6 đợt nắng nóng, 44 trận động đất và dư chấn. Thiên tai đã làm 4 người chết, 12 người bị thương; hơn 9.000 ngôi nhà bị hư hại, 103 tuyến đường bị ảnh hưởng với 95 điểm gây ách tắc; 23 công trình thủy lợi bị hư hỏng với tổng giá trị thiệt hại hơn 219 tỷ đồng.

Trong công tác khắc phục cơ sở hạ tầng, ngành GTVT đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện để xử lý sạt lở taluy âm 1.028m; hót đất, đá sụt, sa bồi hơn 270.000m3; sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường hơn 4.600m2, 8.152m rãnh dọc và 147 công trình hư hỏng. Nhờ chủ động từ thực tiễn ứng phó với bão, mưa lũ thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Sơn La tiếp tục xác định trong công tác này phải lấy phòng ngừa là chính.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La nói: Việc xây dựng phương án, tổ chức thực hiện, bố trí lực lượng và phương tiện được triển khai rất nghiêm túc đến tất cả các đơn vị quản lý tuyến, cơ bản thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Huy động nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu tập kết sẵn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao; kịp thời thực hiện cảnh báo, điều tiết giao thông tại khu vực ngập lụt, đèo dốc; nhanh chóng ổn định tình hình giao thông tuyệt đối không để xảy ra ách tắc kéo dài trong mùa mưa lũ.

Hiện nay Sở GTVT Sơn La đang quản lý 9 tuyến quốc lộ với chiều dài trên 674 km và 16 tuyến đường tỉnh dài 953 km. Với đặc thù là tỉnh miền núi, các tuyến đường giao thông đi qua khu vực núi cao, địa chất thủy văn phức tạp nên khi mưa lũ xảy ra nguy cơ sạt lở, sụt, sa bồi và ngập úng là rất lớn. Các điểm sụt nằm cách xa nhau nên việc khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Chủ động ứng phó với mưa bão

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 224 ông Đỗ Ngọc Thường cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT đơn vị đã xây dựng kế hoạch huy động nhân lực, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để chuẩn bị ứng phó tại các điểm sung yếu, có nguy cơ sạt lở cao. Lên phương án sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, đảm bảo khắc phục nhanh giao thông thông suốt nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn lưu thông.

Lên phương án trung chuyển hành khách, phương tiện bằng phà nếu đường bộ bị ách tắc

Lên phương án trung chuyển hành khách, phương tiện bằng phà nếu đường bộ bị ách tắc

Tuân thủ chỉ đạo của Sở GTVT, các đơn vị quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ đã khơi thông rãnh dọc, lòng cống, lòng cầu, xử lý thoát nước trên mặt đường, hạn chế xói lở nền đường. Rà soát các đoạn thường xuyên bị ngập lụt để bổ sung cọc tiêu, biển báo tại ngầm, tràn, gia cố kè rọ thép, bê tông tại các điểm sạt âm. Với đường thủy nội địa, các đơn vị liên quan đã tiến hành thanh thải trục vớt các chướng ngại vật trong luồng tuyến. Kiểm tra trọng tải các xe khi qua phà đảm bảo không chở quá tải trọng, có phương án trung chuyển hành khách, phương tiện nếu đường bộ bị ách tắc.

Điểm sạt lở có cung trượt trên 100m tại Quốc lộ 37

Điểm sạt lở có cung trượt trên 100m tại Quốc lộ 37

Ông Phạm Văn Phúc, Phó phòng KHKT Công ty Cổ phần QLSC&XDCT Giao thông II Sơn La cho biết: Đối với các tuyến đường mà công ty đang quản lý có nhiều điểm sụt, sạt đặc biệt là điểm trên Quốc lộ 37 với cung trượt kéo dài gần 100m. Cứ đến mùa mưa người dân lại tích nước làm ruộng nên có nguy cơ sạt lở rất cao. Công ty đã bố trí sẵn một máy xúc trực 24/24 tại điểm này trong mùa mưa. Khi sự cố sạt lở, cắt đường xảy ra sẽ tiến hành ngay việc khắc phục, trước mắt phải đảm bảo giao thông bước một. Đối với điểm sạt trên Quốc lộ 43 đơn vị đã cắm rào chắn, biển cảnh báo, hạn chế tải trọng. Việc xử lý điểm này còn phụ thuộc vào mực nước của lòng hồ, chúng tôi đã lên phương án để xử lý trong thời gian sớm nhất.

Khó khăn lớn nhất khi xử lí điểm sạt này là việc người dân tích nước làm ruộng vào mùa mưa

Khó khăn lớn nhất khi xử lí điểm sạt này là việc người dân tích nước làm ruộng vào mùa mưa

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, xu thế khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh Sơn La từ nay đến tháng 8/2021 có thể diễn biến phức tạp. Riêng tháng 5 lượng mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20%. Lũ trên các sông suối trong tỉnh xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 8; trong đó từ tháng 6 đến tháng 8 xuất hiện lũ vừa, lũ lớn, đỉnh lũ các sông suối từ báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trên toàn tỉnh.

Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở GTVT Sơn La đã chủ động các phương án khắc phục thiên tai, bám sát chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và của tỉnh về phòng chống thiên tai.

Thi công khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 43

Thi công khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 43

Tùy vào điều kiện thực tế, đặc thù về địa hình của từng tuyến đường để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Bố trí cán bộ trực 24/24 để tiếp nhận thông tin về các sự cố giao thông. Lập phương án phân luồng chi tiết trên từng tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phòng khi có sạt lở xảy ra. Yêu cầu các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu; các hạt quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.

Ngoài ra, các đơn vị cần có phương án cụ thể để bảo đảm an toàn cho vật tư, thiết bị, kho tàng nhà xuởng, trụ sở đặc biệt là bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; di chuyển kịp thời trang thiết bị, phương tiện, vật tư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập nước; tuyệt đối không để nguời và phương tiện ở lại các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao trong thời gian mưa bão xảy ra. Sẵn sàng tham gia ứng cứu sự cố trên tuyến khi có yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải.

Nguyễn Minh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/nganh-giao-thong-van-tai-son-la-chu-dong-ung-pho-voi-mua-bao-78678.html