Ngành Giao thông vận tải: Tăng hiệu quả giải ngân, xử lý vướng mắc, bất cập dự án BOT

Từ nay đến cuối năm, ngành Giao thông vận tải sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư, cũng như triển khai các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập một cách triệt để tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Giải ngân đạt 44,1% kế hoạch

Theo ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tính đến ngày 6/9/2022 (lũy kế đến hết tháng 8/2022), Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 22.195 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.638 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 54,1% và 19.557 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 43%). Một số ban quản lý dự án (BQLDA) có kết quả giải ngân tốt như: BQLDA Thăng Long lũy kế giải ngân đạt 4.388 tỷ đồng, đạt 63,9%, vượt 422 tỷ đồng so với kế hoạch. BQLDA 85 giải ngân được 850 tỷ đồng, đạt 50,5%, vượt 126 tỷ đồng. BQLDA Đường thủy giải ngân đạt 616 tỷ đồng, đạt 61,2%, vượt 422 tỷ đồng. Các BQLDA vẫn chưa đáp ứng được khối lượng giải ngân đã đăng ký gồm: BQLDA Mỹ Thuận mới giải ngân 1.670 tỷ đồng, đạt 45,15%, chậm 755 tỷ đồng. BQLDA đường Hồ Chí Minh giải ngân 2.262 tỷ đồng, đạt 52,7%, chậm 261 tỷ đồng…

hi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu đang đáp ứng tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Văn Phạm

hi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu đang đáp ứng tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Văn Phạm

Đánh giá cao sự nỗ lực của các BQLDA và sở GTVT các địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, khối lượng giải ngân đến hết tháng 8/2022 của Bộ GTVT đạt 44,1% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung của cả nước (39,15%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chưa hài lòng khi kết quả giải ngân của ngành vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (52%) và một số BQLDA, sở GTVT vẫn tiếp tục chậm kế hoạch giải ngân làm kéo lùi tỷ lệ giải ngân chung.

Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân trong những tháng còn lại của năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, BQLDA phải tích cực giải quyết các vướng mắc mặt bằng, chủ động điều chuyển, cắt hợp đồng với nhà thầu yếu kém. Khối lượng công việc tới đây còn tăng 30 - 40%. Do đó, phải có con người, cách làm mới, vướng ở đâu tìm cách xử lý ở đó. Nếu đi theo lối mòn của những năm trước rất khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các dự án bước vào giai đoạn thảm nhựa cần rất nhiều chi phí, rất nhiều tiền. Vì vậy, BQLDA cần tham mưu ban hành cơ chế giải ngân linh hoạt hơn nữa. Trường hợp cần thiết, phải có cơ chế giải ngân từ 7 - 15 ngày/lần thay vì giải ngân theo tháng.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng chỉ đạo các BQLDA phải xem xét cơ chế tạm ứng, hỗ trợ có hiệu quả về nguồn lực tài chính cho nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, đưa dự án về đích đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã phân khai 4.985 tỷ đồng. Các BQLDA phải khẩn trương làm việc với 12 địa phương, xác định rõ số vốn bố trí cho địa phương là bao nhiêu, với số tiền ấy, địa phương ký thu hồi đất khu vực nào cho phù hợp.

Xử lý triệt để vướng mắc, bất cập các dự án BOT

Ngoài việc triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải ngân, Bộ GTVT cũng có văn bản báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, trong tổng số hơn 70 dự án BOT do bộ quản lý, Bộ GTVT đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.

Đối với vốn nhà nước sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay Luật Đầu tư công chưa có quy định sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Đồng thời, xét về giải pháp tổng thể để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, để có cơ sở thực hiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về nguồn vốn thanh toán, Bộ GTVT cũng kiến nghị xem xét, cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán chi phí hợp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-giao-thong-van-tai-tang-hieu-qua-giai-ngan-xu-ly-vuong-mac-bat-cap-du-an-bot-112390.html