Ngành gỗ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD

Theo tính toán của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay chỉ đạt 13 - 14 tỷ USD, trong khi mục tiêu là 17 tỷ USD; các doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp bớt gánh nặng, duy trì hoạt động và bảo đảm việc làm cho người lao động.

Khó khăn vẫn rất lớn

Tại Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản diễn ra mới đây, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2% (sản phẩm gỗ đạt 4,81 tỷ USD, giảm 30%; gỗ nguyên liệu đạt 2,39 tỷ USD, giảm 14,2%); lâm sản ngoài gỗ đạt 580 triệu USD, giảm 15,4%.

Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này trong 7 tháng ước đạt 5,44 tỷ USD, chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trong đó lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ với 3,1 tỷ USD.

Khó khăn của thị trường dường như đã dần lùi lại khi thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi đơn hàng. Đơn cử, một trong những “anh cả” của ngành gỗ là Công ty TNHH Hiệp Long (Bình Dương), chuyên xuất khẩu các mặt hàng cao cấp sang Mỹ, EU và Nhật Bản, đã có đơn hàng “đủ để tạo việc làm cho hơn 500 lao động từ nay đến hết năm mà không cần phải thực hiện giãn hoãn”, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty xác nhận. Tương tự, tại Công ty TNHH Hào Hưng, số lượng đơn hàng về cơ bản vẫn bảo đảm việc làm cho người lao động.

Dù đã có những tín hiệu khởi sắc hơn về đơn hàng với nhiều doanh nghiệp trong ngành, song theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, khó khăn vẫn rất lớn do sức mua giảm. Hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn phải trong tình cảnh chỉ cố gắng duy trì sản xuất ở mức độ nhất định, với hy vọng thị trường tốt lên mới tăng cường sản xuất. Song, từ nay tới cuối năm, khó có khả năng tăng mạnh về đơn hàng. Đa phần các doanh nghiệp đều phải cắt giảm công nhân để giảm bớt áp lực về chi phí trả lương, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… Nhiều doanh nghiệp cũng phải cắt giảm ngày công lao động, mỗi tuần chỉ làm 4 - 5 ngày; thậm chí có những doanh nghiệp chỉ hoạt động khi có đơn hàng, và sẽ tạm ngưng để chờ đơn hàng kế tiếp.

Xuất khẩu cao nhất có thể đạt 13 - 14 tỷ USD

Nhìn nhận về triển vọng những tháng cuối năm, đại diện doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD toàn ngành trong cả năm nay sẽ rất khó thực hiện.

Dẫn thực tế doanh nghiệp, ông Huỳnh Quang Thanh cho biết, Hiệp Long là một trong số ít công ty “may mắn nhất trong ngành” khi có thâm niên hoạt động lâu năm, đã xây dựng được uy tín với khách hàng quốc tế, có số lượng khách hàng đông và ổn định, song mức sụt giảm đơn hàng, doanh thu đến giờ lên tới khoảng 20%, trong khi đó, ở nhiều doanh nghiệp khác mức sụt giảm này còn cao hơn nhiều. Vì thế, dù đơn hàng cho những tháng cuối năm nay đã dần khôi phục và có tăng trưởng so với 7 tháng, song dự kiến doanh thu cả năm của Công ty Hiệp Long chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 100 tỷ đồng so với năm ngoái.

Còn với các doanh nghiệp dăm gỗ, ông Thang Hữu Thông, Chủ tịch Chi hội Gỗ dăm Việt Nam cho hay, mức sụt giảm đơn hàng vào khoảng 60%; vì thế, dù những tháng cuối năm có tăng về đơn hàng cũng khó đạt được mức như năm ngoái.

Sự khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành gỗ không chỉ đến từ thị trường; theo ông Thông, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh dù có đơn hàng nhưng vẫn không dám nhận vì không có tiền do bị kẹt ở khâu hoàn thuế. Bởi lẽ đó, “nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường, và nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động”.

Trong bối cảnh đó, để ứng phó với khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải tái cấu trúc hoạt động, đầu tư hiện đại hóa thiết bị, làm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. “Lâu nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư theo chiều rộng, gia công theo đơn hàng của nước ngoài, tập trung vào nhóm sản phẩm phục vụ tầng lớp trung lưu với quy mô tiêu thụ lớn song hiện khi thị trường xuống thì rất khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp cần phải chủ động về mẫu mã thiết kế, làm sản phẩm có tính độc đáo hơn để vẫn có thể duy trì khi thị trường xấu”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lưu ý.

Song song với đó, việc đa dạng hóa thị trường cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng, song đây là vấn đề không đơn giản bởi mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu sản phẩm khác nhau, doanh nghiệp khó thích ứng chỉ trong một sớm một chiều. Như vậy, triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn rất khó.

Vì những lẽ đó, theo tính toán của các doanh nghiệp, ở kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu những tháng còn lại chỉ có thể đạt 6 - 7 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành gỗ cao nhất ở mức 13 - 14 tỷ USD.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị cần phải đẩy nhanh hơn việc hoàn thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm bớt chi phí tuân thủ, qua đó giúp giảm bớt gánh nặng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động cũng như bảo đảm việc làm cho người lao động.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-go-kho-dat-muc-tieu-xuat-khau-17-ty-usd-i340023/