Ngành gỗ thích ứng 'luật chơi' mới
Thị trường thế giới biến động liên tục và ngày càng khó đoán là thách thức lớn cho nhiều ngành hàng; trong đó có ngành gỗ nhưng vẫn tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp có chiến lược thích ứng tốt. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam với chủ đề: Giữ vị thế - đón cơ hội, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 28/7.
Dư địa phát triển đường dài
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ đạt 455,7 triệu USD, giảm 26,2%. Kết quả khảo sát sơ bộ do HAWA thực hiện cho thấy, đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC, cho rằng: Thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ và nội thất chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với dự báo tăng trưởng GDP trung bình toàn cầu ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới đang là 4,5%. Theo dự báo từ Statista Market Insights -7/2023, doanh thu thị trường nội thất thế giới năm 2023 có thể đạt 766 tỷ USD, và còn tăng trưởng trong nhiều năm nữa, ước tính sẽ đạt xấp xỉ 932 tỷ USD vào năm 2027. Ngành chế biến gỗ Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng trong nhiều năm ở mức 15,4%/năm và đang nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới đã chứng tỏ ngành có nội lực vững chắc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cũng cho rằng, bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập. Khi thị trường suy giảm, thời gian qua, doanh nghiệp không hề bị động mà cố gắng thích ứng. Một mặt, doanh nghiệp ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành, ông Khanh cho rằng, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.
Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế phát triển và cố vấn chiến lược cho doanh nghiệp nhận định: Những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp đón đầu. Theo đó, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời. Điều cần nhất lúc này là doanh nghiệp phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhận định: Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là tiêu chuẩn mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường. Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để doanh nghiệp nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Chính vì vậy, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn để trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nêu góc nhìn.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh: Những thách thức mới về thị trường liên quan đến Quy định về gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR) hay mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành vươn xa hơn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ khối ngoại.
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital chia sẻ: Ngành nội thất Việt Nam khá ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư với những điển hình lớn như AA Corporation, An Cường, Trường Thành... Với lợi thế đó, ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư và làn sóng tăng trưởng hậu lạm phát. Vấn đề là cách thức thích ứng với khó khăn hiện nay và chiến lược phát triển bền vững của ngành được triển khai thế nào.
Ông Nguyễn Quốc Khanh khẳng định, ngành chế biến gỗ Việt Nam có lợi thế lớn về việc chủ động nguồn nguyên liệu rừng trồng hợp pháp, có sản phẩm đa dạng, tạo được uy tín về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và bền vững. Về mặt chiến lược, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang hướng đến mục tiêuchiếm hơn 70% doanh số xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam hiện đang do các doanh nghiệp FDI nắm giữ. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu thông qua việc nâng tỷ lệ hàng thiết kế, sản xuất (ODM) lên trên 60%; tạo đột phá về nghiên cứu phát triển và công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh tiếp thị hội chợ đến sản xuất, cung ứng nguyên liệu gỗ và các sản phẩm khác nhằm chiếm lĩnh chuỗi cung ứng.
Về chiến lược liên kết xuất khẩu, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, cần hình thành trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, đầu tiên là ở Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu có thể kết hợp tiếp cận với khách hàng ở các nước sở tại với chi phí thấp. Một doanh nghiệp đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc như pháp lý, kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự... Nhờ đó, chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều mà vẫn đảm bảo cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả.