Ngành gỗ tích cực trong nửa đầu năm, kỳ vọng tăng trưởng khi Mỹ vào thời kỳ 'tân trang nội thất'

Nhờ sự hồi phục từ cả thị trường xuất khẩu và nội địa, loạt doanh nghiệp ngành gỗ đã tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh năm chỉ trong 6 tháng. Theo đánh giá của chuyên gia, Mỹ đang kết thúc giai đoạn xả hàng tồn kho và quay trở lại đặt hàng. Thu nhập của người dân đang tăng trở lại, tiêu dùng tăng lên,... sẽ thúc đẩy hoạt động mua hàng của các nhà nhập khẩu và kéo xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam tăng trở lại.

Triển vọng toàn ngành được phản ánh trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Chia sẻ trong Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ xuất khẩu gỗ và lâm sản quý II tổ chức ngày 9/8 mới đây tại Bình Dương, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023. Các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Tại hầu hết các thị trường chính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với giá trị hơn 5 tỷ USD, tăng 24%. Tiếp đó, Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng gần 38%.

Bức tranh xuất khẩu tích cực đã phản ánh trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Xét riêng quý II, trong số 12 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ và các loại lâm sản thì có 4 doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, nhưng chỉ có 1 đơn vị giảm lãi, 1 đơn vị tiếp tục lỗ. Nhiều đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng mạnh 3 chữ số.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp nói trên đạt hơn 4.500 tỷ đồng và lãi ròng hơn 460 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và trên 60% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lãi gộp cũng phần nào được cải thiện.

Tín hiệu tích cực bao phủ lên ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Mai Trang

Tín hiệu tích cực bao phủ lên ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Mai Trang

Một số “ông lớn” duy trì lãi trăm tỷ

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Gỗ An Cường (mã: ACG) đứng đầu lợi nhuận trong quý II với 118 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ và chiếm gần 26% lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành. Theo giải trình, ACG cho biết, bên cạnh các dấu hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu và trong nước, công ty đã đẩy mạnh các dòng hàng có biên lợi nhuận tốt, đồng thời thực hiện tăng năng suất và tiết giảm chi phí, cắt giảm nhiều khoản mục chi phí bán hàng và cải thiện lợi nhuận tài chính.

Tại Phú Tài (mã: PTB), số lãi 114 tỷ trong quý II cũng là mức lãi cao nhất 7 quý của đơn vị này, cao hơn 4% so với cùng kỳ. Công ty cũng đứng đầu về doanh thu quý với hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 6% và chiếm hơn 32% doanh thu cả nhóm, trong đó doanh thu bán các sản phẩm gỗ đạt 890 tỷ đồng.

Bên cạnh ngành gỗ, tín hiệu tích cực trong kinh doanh đá và các chi phí tài chính, lãi vay giảm, đồng thời lãi từ chênh lệch tỷ giá đã góp phần tích cực vào kết quả này của PTB.

Savimex (mã: SAV) đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý II với lợi nhuận tăng gần 10 lần cùng kỳ, đạt gần 33 tỷ đồng. Công ty cho biết, doanh thu bán nội thất gỗ tăng 20% lên hơn 247 tỷ đồng, chiếm gần 98% tổng doanh thu. Nhưng điểm nhấn đáng chú ý nhất là khoản hoàn nhập hơn 32 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán tại TCM.

Cũng tăng trưởng tới 200% lợi nhuận trong quý, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (mã; VIF) ghi nhận lợi nhuận 98 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với 33 tỷ đồng trong quý II/2023.

Vinafor cho biết, doanh thu và lợi nhuận những tháng đầu năm khả quan do một số công ty có vốn góp của Tổng công ty có lợi nhuận khai thác sản phẩm tốt hơn cùng kỳ và tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chưa triển khai một số chi phí theo kế hoạch.

Riêng tại Nam Việt (Navifico, mã: NAV) được hưởng lợi khoản cổ tức từ công ty liên kết là CTCP Phát triển Sài Gòn nên dù doanh thu giảm, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh các lý do về sự khởi sắc của thị trường, Đức Thành (mã: GDT) còn cải thiện biên lãi nhờ việc dồn 2 nhà máy lại thành 1 nên ngoài việc tiết giảm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển... GDT còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng đã dời đi.

Dù ghi nhận lỗ, nhưng số lỗ 4 tỷ đồng trong quý II của Gỗ Trường Thành (mã: TTF) đã cải thiện đáng kể so với số lỗ 30 tỷ cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngắt chuỗi lãi chục tỷ từ quý IV/2023. Doanh nghiệp cho biết đã triển khai các biện pháp tối ưu chi phí, cải thiện biên lãi gộp. Đồng thời công ty đã ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng phải thu đã trích lập do tình hình thu tiền dự án được cải thiện đáng kể.

Nhiều cơ hội về đích lợi nhuận năm

Theo thống kê, nhiều đơn vị đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm và thậm chí là vượt sau 6 tháng.

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Năm 2024, Savimex lên kế hoạch doanh thu 868 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 tháng, công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra dù mới chỉ hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu. Đây cũng là mức lãi bán niên cao nhất của doanh nghiệp này.

Tại XHC gần như "chạm đích" sau 6 tháng với lãi sau thuế đạt 51 tỷ đồng, mức cao nhất 5 năm qua, và thực hiện được 99% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ngược lại, PIS và TTF là hai doanh nghiệp trong ngành chưa đi được 1/4 chặng đường về đích lợi nhuận. Thuận chí MDF còn chưa có lãi trong nửa đầu năm.

Tương lai nào cho ngành gỗ trong 2024?

Về phía thị trường, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), thị trường Mỹ chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Mỹ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ. Thêm vào đó, quốc gia này chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.

Tại thị trường EU, VIFOREST cho biết, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường.

Thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang triển khai hệ thống mua bán tín chỉ carbon, yêu cầu tuân thủ các quy định khắt khe về khí thải đối với các sản phẩm gỗ.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST nhận định, những tháng cuối năm 2024, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao, việc hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp vẫn còn chậm.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD năm 2024 sẽ còn gặp khó khăn, nếu không có quyết tâm cố gắng, nỗ lực khắc phục.

Theo đánh giá của chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ tại Mỹ đang kết thúc giai đoạn xả hàng tồn kho và quay trở lại đặt hàng. Thu nhập của người dân đang tăng trở lại;… Tiêu dùng tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động mua hàng của các nhà nhập khẩu và kéo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại.

Riêng với mặt hàng gỗ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo chu kỳ hàng năm, xu hướng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn thường tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm, khi thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện và nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất để đón chào năm mới. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nganh-go-tich-cuc-trong-nua-dau-nam-ky-vong-tang-truong-khi-my-vao-thoi-ky-tan-trang-noi-that.html