Ngành GTVT quyết tâm lập kỷ lục giải ngân vốn đầu tư công

Nhận thức giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là nhiệm vụ của ngành mà còn có ý nghĩa 'đòn bẩy' đối với phục hồi và phát triển KT-XH, Bộ GTVT đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023 cao nhất từ trước tới nay.

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất, tuyệt đối không chủ quan

Năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ thực hiện khối lượng các công việc rất lớn, thể hiện ở số lượng vốn đầu tư công được giao là 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao năm 2023 là 94.161 tỷ đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 1.061 tỷ đồng. Đây là số vốn được giao lớn nhất từ trước đến nay của Bộ GTVT (gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021).

Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT luôn được duy trì ở mức cao hơn trung bình cả nước. Bộ GTVT đã kịp thời nhận diện các khó khăn, vướng mắc để chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan, cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT để kịp thời có các chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ. Các cơ quan tham mưu, ban QLDA, các nhà thầu cũng đã có nhiều nỗ lực triển khai và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Ông Thái chia sẻ, Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt yêu cầu các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với từng mốc thời gian cụ thể làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng ban hành các chỉ thị, công điện; trực tiếp ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản để chỉ đạo các chủ thể thực hiện công tác QLDA, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tổ chức các cuộc họp, kiểm tra hiện trường định kỳ, làm việc với các địa phương để đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng chủ trì họp hàng tuần, yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, điển hình như: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm công tác GPMB; chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công, nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng thi công hoàn thành, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch vốn được giao lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...

Nhiều thách thức cần vượt qua giai đoạn cuối năm

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý Đầu tư xây dựng, kết quả giải ngân của Bộ GTVT từ đầu năm đến nay đã tạo tiền đề cho các đơn vị tiếp tục nỗ lực triển khai hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn cuối năm 2023. Dẫu vậy, bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc chưa đáp ứng yêu cầu, một số dự án còn chậm tiến độ. Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan như công tác GPMB, tái định cư còn chậm, mặt bằng bàn giao không liên tục, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công; giai đoạn cuối năm nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ dự án, thiếu vật liệu xây dựng khối lượng lớn...

Cùng với đó, nguyên nhân chủ quan cơ bản như vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban QLDA chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát; việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT đôi lúc chưa triệt để; dù đã có động thái xử lý nhà thầu chậm tiến độ nhưng chưa kịp thời; công tác nghiệm thu, thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành còn chậm, ảnh hưởng đến nguồn tài chính cho công trường. Đồng thời, một số nhà thầu thi công dàn trải, chưa giải quyết dứt điểm được các dự án cũ theo đúng kế hoạch, dẫn tới chưa triển khai các dự án mới theo tiến độ yêu cầu; năng lực tổ chức triển khai, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nhân sự nội nghiệp cho công tác nghiệm thu, thanh toán.

Mặt khác, công tác lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư còn chưa sát thực tế, đặc biệt là xác định chi phí GPMB dẫn tới khi triển khai một số dự án vượt tổng mức đầu tư phải thực hiện điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư, ban QLDA đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành, triển khai các dự án, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận, số vốn còn lại phải giải ngân trong năm 2023 rất lớn, trong khi nhiều dự án mới được khởi công xây dựng, giai đoạn đầu thi công có giá trị sản lượng không cao, đây là một thách thức không nhỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung triển khai thực hiện công tác giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra; nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung, chỉ đạo, điều hành toàn diện mọi hoạt động của các chủ thể trong suốt quá trình thực hiện dự án, đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân gắn với công tác bảo đảm chất lượng, tuân thủ chặt chẽ các quy định trong quản lý đầu tư xây dựng, hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai theo đúng kế hoạch và lấy đó làm bài học kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân khi thực hiện các dự án mới.

Kiên quyết không chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Đặc biệt nhấn mạnh tới các đoạn cao tốc Bắc - Nam hoàn thành năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý về 4 dự án thành phần giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác đầu năm 2023. Theo đó, các đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại trước ngày 31/8/2023; đoạn Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/9/2023. Đối với các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương, cần khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương để sớm bàn giao mặt bằng, tổ chức thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023; khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác quản lý vận hành công trình theo quy định để dự án khai thác bảo đảm an toàn.

Đối với các đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu có kế hoạch thông xe chính tuyến ngày 2/9/2023, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Ban QLDA 2 và Ban QLDA 6 chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công để đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng tiến độ đã cam kết. Các đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung, nỗ lực phấn đấu hoàn thiện toàn bộ dự án trước ngày 30/10/2023.

"Lãnh đạo của chủ đầu tư, nhà thầu phải thường xuyên có mặt trên công trường để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thi công đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Đối với dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2023, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công 3 ca liên tục để kịp đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 31/12/2023, kiên quyết không được chậm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Đối với các nhà thầu chậm trễ cần quyết liệt xử lý theo các quy định của hợp đồng; xem xét cắt giảm khối lượng thi công ở các dự án khác để tập trung nguồn lực cho dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nganh-gtvt-quyet-tam-lap-ky-luc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-183230816150427348.htm