Ngành Hải quan cầu thị, lắng nghe và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Tạo thuận lợi thương mại là đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc cải cách thủ tục xuất nhập khẩu được doanh nghiệp đánh giá rất cao.

 Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thu.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thu.

Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách

Trong thời gian qua, doanh nghiệp luôn được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí tất cả các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.

Tiếp đó là việc thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với định hướng tiệm cận với khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Hải quan thế giới và thực hiện công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên đối với các nước thành viên ASEAN; triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Những nỗ lực nói trên đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát mới nhất với 3.600 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước đã ghi nhận phần lớn doanh nghiệp cho rằng ngành Hải quan có những thay đổi tích cực.

Các doanh nghiệp đánh giá cao hình thức cung cấp thông tin trực tuyến hơn các hình thức truyền thống. Cụ thể, gần 54% doanh nghiệp tiếp nhận thông tin qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan; 52,6% doanh nghiệp tiếp nhận thông tin qua trang thông tin điện tử của các cục hải quan địa phương; trên 51% doanh nghiệp tiếp nhận qua Cổng thông tin thương mại quốc gia…

Thực tế cũng cho thấy, khi thực hiện các thủ tục về thông quan hàng hóa, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nhưng cơ quan hải quan cũng rất cầu thị, lắng nghe và kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Liên quan đến thông quan hàng hóa, trên thực tế, kết quả đo thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu chỉ có trên 30% thời gian thông quan liên quan đến thủ tục hải quan, còn lại của các bộ, ngành khác. “Chính vì thế, sự nỗ lực của ngành Hải quan để kéo giảm thời gian thông quan là rất trân trọng. Cơ quan hải quan đã sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả tích cực mang lại rõ rệt” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần chung tay cải cách kiểm tra chuyên ngành

Trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa thì cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi nhất định từ phía các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan hải quan trong việc thay đổi cách thức về quản lý giúp cho các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành được tốt hơn.

Cơ quan hải quan cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng quản lý rủi ro, sau này cách thức tiếp cận đó đã được áp dụng trong một số mô hình quản lý khác trong kiểm tra chuyên ngành, nhờ đó đã cắt giảm đáng kể các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đánh giá cao sự chuyển biến từ thủ tục thủ công sang điện tử, cũng như cải cách trong lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành của ngành Hải quan.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay mức độ cải cách trong lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành có sự “chững lại”. Nguyên nhân có thể do tác động của dịch bệnh, yếu tố thị trường, bối cảnh xã hội… đã dẫn tới sự quan tâm tập trung ở lĩnh vực khác nhau.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải cách, chẳng hạn như vấn đề Danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Danh mục hiện nay khá dài, như vậy mặt hàng kiểm tra còn nhiều, có nghĩa là việc kiểm soát còn lớn.

Ngoài ra, phương thức quản lý rủi ro đã được ngành Hải quan áp dụng hiệu quả, nhiều bộ, ngành đã từng bước áp dụng mô hình này nhưng chưa có sự thống nhất, đồng bộ từ các bộ, ngành khác dẫn tới khó khăn cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp khi thực thi.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật, các bộ, ngành và địa phương có thể thay đổi nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến văn bản pháp lý, quy định pháp luật, thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, từ đó giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Động lực và “chìa khóa” cho tăng trưởng

Nếu việc thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp thì trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt đều có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong những năm tới.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-cau-thi-lang-nghe-va-kip-thoi-ho-tro-doanh-nghiep-136521-136521.html