Ngành Hải quan vượt qua thách thức bằng chuyển đổi số

Trong Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan cũng được đặt ra. Mục tiêu này có một phần nhằm đáp ứng xu thế, song ở một góc độ khác, cải cách hiện đại hóa chính là để giải quyết những thách thức đang tồn tại trong quản lý hải quan hiện nay.

Doanh nghiệp cảm nhận rõ nét lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa Hải quan. Ảnh: Văn Tá

Doanh nghiệp cảm nhận rõ nét lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa Hải quan. Ảnh: Văn Tá

Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ con người

Ông Phạm Duyên Phương - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết: “Đối với chúng tôi, cho dù có một nền tảng chính sách tốt, một pháp luật tốt, quy trình tốt, một công cụ tốt nhưng người thực hiện không đủ năng lực thì cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Thách thức đầu tiên là con người”.

Bối cảnh hiện nay yêu cầu đối với cán bộ, công chức hải quan cần phải liên tục đổi mới, bảo đảm năng lực để đáp ứng những nhu cầu mới, những thách thức mới, những đòi hỏi mới từ phía doanh nghiệp, cộng đồng và Chính phủ. Tuy nhiên, khối lượng công việc ngày càng gia tăng, nhân lực ngày càng giảm sút và tình trạng “chảy máu chất xám” (các cán bộ có năng lực, có kỹ năng, có chuyên môn cao dần dần rời bỏ các cơ quan nhà nước) gia tăng là thực tế phải đối diện.

Với nguồn lực hạn chế, điều tất yếu là phải đưa các công cụ, thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ con người. Tuy nhiên, theo ông Phương, các nền tảng cần phải có dữ liệu, bởi chuyển đổi số chỉ là “con số không” nếu như không có dữ liệu. Dữ liệu xuất phát từ sự thu thập của con người, từ các quy định của văn bản pháp luật. Pháp luật tạo nền tảng cho dữ liệu và tạo nền tảng để các cơ quan thực thi pháp luật, thực thi chính sách thực hiện các thủ tục trên giấy tờ, trên nền tảng dữ liệu và phải số hóa dữ liệu. Theo quan sát, thời điểm này dữ liệu đang chủ yếu ở trên các hệ thống thủ công, giấy tờ là chính còn thông tin số hóa rất hạn chế. Thậm chí, ngay bản thân dữ liệu hiện có không phải là dữ liệu “sạch” mà cần phải được chuẩn hóa.

Để chuẩn hóa được hệ thống dữ liệu đó, ứng dụng được công nghệ thời kỳ 4.0, đầu tiên pháp luật phải là 4.0 và được vận hành bởi những con người thời kỳ 4.0 và dữ liệu phải dựa trên nền tảng thông tin về dữ liệu.

“Do đó, việc đầu tiên của chúng tôi là tập trung vào con người. Chúng ta đã áp dụng đưa vào các thiết bị, máy móc, công cụ để hỗ trợ cho con người thì những con người đó phải được đào tạo lại để có thể xây dựng và triển khai được những việc khác. Ví dụ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hay việc tiếp nhận tờ khai hải quan thay vì con người phải nhìn bằng mắt, phải dùng bằng tay thì bây giờ hệ thống công nghệ thông tin đã làm thay được. Lúc này, con người sẽ chuyển sang vai trò phân tích dữ liệu” – ông Phương nhấn mạnh.

Thay đổi phương thức quản lý đúng nghĩa

Vấn đề thách thức thứ hai là nền tảng pháp luật. Pháp luật hiện hành liên quan đến chính sách quản lý vẫn đang còn nặng trên tư duy về thủ công và giấy tờ. Đâu đó chỉ đạt mức độ điện tử hóa và tin học hóa chứ không phải tự động hóa. Vì vậy, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang theo một mô tuýp rất truyền thống (đầu tiên là quy định về thủ tục, sau đó là thành phần hồ sơ phải nộp). Thực ra, đó là áp dụng tư duy quản lý giấy vào trong quản lý, tin học hóa các quy trình thủ công, bản chất chưa phải là thay đổi phương thức quản lý.

Từ những nhận định đó, trong quá trình đóng góp xây dựng các nghị định, thông tư, thậm chí là các văn bản luật, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đóng góp những suy nghĩ, những góc nhìn thực tiễn để có được một nền tảng pháp luật kỷ nguyên 4.0, nhằm tạo ra sự thay đổi phương thức quản lý đúng nghĩa.

Vấn đề thứ ba là số hóa dữ liệu. Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay pháp luật đã có, công cụ đã có, vấn đề đặt ra là sự kết nối. Từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Nghị định đã ban hành, đã có sự kết nối và chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn còn hạn chế.

Do đó, Bộ Tài chính đang tham mưu với Chính phủ xây dựng thêm một nghị định, trong đó cụ thể hóa các phương thức, chế tài liên quan đến quy định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cho công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người có phương tiện xuất cảnh và nhập cảnh, quá cảnh ở trên nền công cụ và Cơ chế một cửa quốc gia.

Vấn đề cuối cùng, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cho rằng, phải có hệ thống công nghệ thông tin để liên kết các yếu tố này với nhau. Để giải quyết thách thức này, ở góc độ cơ quan hải quan, Tổng cục Hải quan đang đề xuất để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ. Đó là dự án để tái thiết kế lại hệ thống tự động thông quan của cơ quan hải quan, hướng tới mô hình hải quan số, quản lý biên giới thông minh.

Bên cạnh đó, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan cũng đã, đang xây dựng một đề án tái thiết kế lại hệ thống thông tin một cửa quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mới, bối cảnh mới.

Chuyển đổi số là nhu cầu tự thân để hiện đại hóa

Kinh tế hiện nay độ mở càng ngày càng lớn nên Việt Nam không thể “chơi một mình” mà phải chấp nhận các tập quán, thông lệ và pháp luật quốc tế. Do đó, việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thời kỳ cách mạnh 4.0 của ngành Hải quan, bản chất không còn là mục tiêu mà là nhu cầu tự thân để giải quyết những vấn đề thách thức như vậy.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-vuot-qua-thach-thuc-bang-chuyen-doi-so-131627.html