Ngành hàng chứng kiến làn sóng phá sản mạnh mẽ nhất tại Mỹ

Phần lớn các doanh nghiệp phá sản trong năm nay tại Mỹ thuộc nhóm ngành 'hàng tiêu dùng không thiết yếu'. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp phá sản là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence, trong nửa đầu năm 2024, đã có 346 công ty nộp đơn xin giải thể hoặc tái tổ chức thông qua phá sản, mức cao nhất trong nửa năm kể từ năm 2010. Chỉ riêng tháng trước, đã có 75 công ty nộp đơn xin phá sản, mức theo tháng lớn nhất kể từ đầu năm 2020.

Lãi suất tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 25 năm, điều này không chỉ gây áp lực cho người tiêu dùng mà còn cho các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc vay tiền để mua thiết bị, bổ sung hàng tồn kho, trả lương và mở rộng hoạt động. Khả năng tiếp cận tín dụng đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vốn không thể huy động vốn thông qua thị trường tài chính. Một cuộc khảo sát gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Kansas City đối với 170 doanh nghiệp nhỏ cho thấy “các tiêu chuẩn tín dụng đã thắt chặt quý thứ 10 liên tiếp và chất lượng tín dụng giảm”.

Ông Matt Rowe, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư và chiến lược tài sản chéo tại Nomura Capital Management, cho biết: “Các công ty nhỏ có rủi ro cao hơn và nhạy cảm hơn với việc chi phí vay tăng”.

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát mới nhất của Viện Quản lý nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa Hè này cho đén nay cũng không được như mong đợi. Dữ liệu chi tiêu mới nhất và bình luận từ các nhà bán lẻ trong những tháng gần đây cũng cho thấy rằng người tiêu dùng Mỹ không chi tiêu mạnh tay trong mùa Hè này, không giống như năm ngoái, và thay vào đó là chi tiêu thận trọng hơn. Đây là một xu hướng đáng lo ngại vì mùa hè là mùa quan trọng đối với nhiều loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, sự gia tăng số vụ phá sản có thể không phải là điềm báo cho những khó khăn kinh tế trong tương lai, mà có thể chỉ là sự “bình thường hóa” xu hướng chi tiêu mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch. Ông Josh Jamner, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại ClearBridge Investments, cho biết có một số chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, và nhờ vậy mà có tương đối ít hồ sơ phá sản hơn bình thường vào năm 2021 và 2022.

Ông Jamner cho biết, số đơn đăng ký kinh doanh mới đã tăng vọt vào năm 2020 và vẫn duy trì ở mức cao kể từ đó. Theo số liệu của chính phủ, năm ngoái đã có số lượng kỷ lục 5,5 triệu đơn xin thành lập doanh nghiệp mới, nhưng tốc độ đó đã chậm lại trong năm nay. Ông Jamner cho biết, trong khi các doanh nghiệp đóng cửa, thì vãn có rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập.

Fed đã duy trì lãi suất ở mức cao nhất 23 năm trong khoảng một năm nay để kiềm chế lạm phát. Một tin tốt lành cho những người vay tiền là lạm phát đã quay trở lại xu hướng giảm dần, sau khi đình trệ vào đầu năm, từ đó làm tăng khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay. Các quan chức Fed dự đoán ngân hàng này sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần trong năm 2024. Điều này sẽ không đem lại hiệu ứng lớn ngay trước mắt, nhưng vẫn có ý nghĩa.

Bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm chính sách và thị trường tài chính Psaros thuộc Đại học Georgetown, cho rằng việc bắt đầu hạ lãi suất cũng quan trọng như việc sẽ hạ bao nhiêu, vì đây là động thái tạo đà cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo bà, động thái này sẽ có tác động tâm lý quan trọng vì các doanh nghiệp sẽ không còn phải lo ngại về việc lãi suất gia tăng. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã phục hồi trong tuần trước, sau số liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ yếu hơn dự đoán, làm gia tăng triển vọng hạ lãi suất.

Khánh Ly (Theo CNN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-hang-chung-kien-lan-song-pha-san-manh-me-nhat-tai-my/340630.html