Ngành hóa chất: Áp dụng hiệu quả giải pháp kỹ thuật mới

Hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu.

Tối ưu quy trình sản xuất

Theo Cục Hóa chất, trong lĩnh vực hóa chất, các doanh nghiệp (DN) đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới.

Công nghệ được nghiên cứu, lựa chọn đều tiên tiến nhất hiện nay. Trên cơ sở đó, các cơ sở sản xuất cũng đã tự nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, thiết bị gắn với mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả, giảm thiểu chất thải và các chất nguy hại…

Hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng. Ảnh: T.T

Hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng. Ảnh: T.T

Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) đã được triển khai thực hiện rộng rãi tại các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm nghiên cứu KHCN có liên quan trong cả nước, các phòng thí nghiệm tại cơ sở sản xuất hóa chất. “Công tác nghiên cứu KHCN, hoạt động nghiên cứu khoa học đã giải quyết những vấn đề cho cơ sở sản xuất. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ KHCN không những ở cơ sở nghiên cứu mà ngay cả ở cơ sở sản xuất” - lãnh đạo Cục Hóa chất khẳng định. Đơn cử như Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam - Vinachem) đã xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ KHCN đáp ứng nhu cầu của tập đoàn và các DN thuộc tập đoàn trong đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Có thể kể đến là cụm công trình nghiên cứu liên quan đến thuốc tuyển quặng apatit loại III Lào Cai có giá trị ứng dụng triển khai trên 20 năm qua.

Cụm công trình nghiên cứu liên quan đến các chất phụ gia cho phân bón và hóa chất xử lý nước tuần hoàn có giá trị ứng dụng triển khai liên tục từ năm 2000 đến nay. Hàng năm, cung cấp sản phẩm cho các nhà máy: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau với chất lượng và giá cạnh tranh.

Hay như Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã liên tục triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ phế, phát triển nhiều quy cách sản phẩm mới, cải tiến chất lượng trong sản xuất lốp Radial, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tự động hóa một số dây chuyền trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và xuất khẩu sang một số thị trường khu vực và thế giới.

Hướng tới hóa học xanh bền vững

Theo ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu tất yếu đặt ra là phải đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu KHCN trong ngành hóa chất, hướng tới khoa học xanh và bền vững.

Cụ thể, trong sản xuất pin, ắc quy đã ứng dụng công nghệ sản xuất pin sạc thế hệ mới có công suất lưu điện cao, pin nhiên liệu kiểu màng polymer điện ly (PEM), ắc quy NaS dùng cho thiết bị điện năng tái sinh. Về lĩnh vực cao su, đã sản xuất polyisopren, loại vật liệu tổng hợp có thành phần tương tự như vật liệu từ cao su thiên nhiên để sản xuất ra các sản phẩm cao su thay thế cho các sản phẩm đi từ dầu mỏ.

Để triển khai lộ trình đổi mới KHCN theo định hướng quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới ngành hóa chất sẽ tập trung ứng dụng KHCN nâng cao khả năng tự động hóa, số hóa từng khâu, từng phần, từng công đoạn của dây chuyền sản xuất trên cơ sở đánh giá khả năng tự động hóa. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới tự động hóa dây chuyền thiết bị sản xuất dựa trên khả năng đáp ứng về vốn và công nghệ của các doanh nghiệp ngành hóa chất.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-hoa-chat-ap-dung-hieu-qua-giai-phap-ky-thuat-moi-388081.html