Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả 6 tháng cuối năm không chỉ là cơ sở để khẳng định vững chắc hơn sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, mà còn là căn cứ xây dựng, tham mưu các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch năm 2025.

Nhiều kết quả nổi bật, song còn không ít khó khăn, thách thức

Ngày 15/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Về kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất đánh giá, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã tiên phong đi đầu trong cải cách, chủ động tham mưu, cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn chiến lược thành các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, cách thức thực hiện mới để đạt kết quả cao nhất.

Tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, khẳng định sự phù hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Công tác thống kê được thực hiện hiệu quả, không chỉ khắc họa đầy đủ, rõ nét, chính xác tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương, mà còn chủ động điều tra, khảo sát, kịp thời phản ánh khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, chủ động, linh hoạt tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành để ứng phó với tình hình thế giới, trong nước, hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn với phát triển trong trung, dài hạn.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để các ngành, các địa phương phát huy nguồn lực, tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện. Trong đó, tiếp tục tập trung triển khai thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm cho một số địa phương…

Đến nay, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Các Hội nghị điều phối vùng, hội nghị của các địa phương đã được tổ chức để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Đây là cơ hội để sắp xếp lại, tận dụng, mở rộng không gian phát triển của cả nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương.

Tiếp tục tham mưu, kiến nghị triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới…

Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn… để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA đã ký kết, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện.

Đây là những kết quả quan trọng, không chỉ góp phần giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng và cả năm 2024, mà còn nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

Bên cạnh đó, các ý kiến tham luận cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế, như: (1) một số công việc triển khai còn chậm; (2) trong một số thời điểm vẫn chưa phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương; (3) vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, một số cá nhân còn đùn đẩy, né tránh, chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu khát vọng cống hiến…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

“Đây là những vấn đề cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực khắc phục để phát huy tốt hơn vị trí, vai trò của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, xứng đáng với sự tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng bộ các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội và cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế.

6 tháng cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả 6 tháng cuối năm không chỉ là cơ sở để khẳng định vững chắc hơn sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, mà còn là căn cứ xây dựng, tham mưu các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch năm 2025.

Do đó, 6 tháng cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, yêu cầu các ngành, lĩnh vực, các địa phương phải phục hồi nhanh hơn, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn, khai thác tốt hơn các nguồn lực, động lực tăng trưởng, thời cơ, thuận lợi, xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt khung khổ thể chế, chính sách mới và phát huy mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn mới trong các quy hoạch đã phê duyệt.

Trong khi bối cảnh, tình hình thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Trên thế giới, các “điểm nóng” về xung đột quân sự, bất ổn chính trị, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu còn nhiều nguy cơ, rủi ro, khó khăn, thách thức…

Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên các vấn đề: (1) Áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả Kế hoạch 5 năm 2021-2025; (2) Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài và để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của Nhân dân; (3) Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, đầu tư tư nhân phục hồi chậm; sức mua trong nước tăng chậm; chi phí sản xuất tăng cao…; (4) Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực; (5) Thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ…

Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, toàn Ngành phải nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh và nhiệm vụ của mình trong công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Trên quan điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm của toàn Ngành cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.

Thứ nhất, nêu cao hơn nữa tinh thần quyết tâm cải cách, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, tư duy phát triển mới thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Thứ hai, cần xác định lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới ban hành; chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng sửa đổi Luật Đầu tư công, sửa đổi quy định về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng luật về khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tối đa nguồn lực, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ.

Thứ tư, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, đưa quy hoạch vào cuộc sống. Trong đó, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch, bảo đảm tính linh hoạt, sát thực tế.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

Thứ bảy, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tám, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Thứ chín, phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Thứ mười, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Sau Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành 1 chỉ thị kèm theo kế hoạch cụ thể để tập trung chỉ đạo triển khai các công việc 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ke-hoach-dau-tu-va-thong-ke-phan-dau-hoan-thanh-tot-nhat-cac-nhiem-vu-duoc-giao-153558.html