Ngành Lâm nghiệp tập trung triển khai các dự án quan trọng
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề về lâm nghiệp nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Một trong những điểm nổi bật là việc Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai các đề án, dự án có ý nghĩa quan trọng với ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn
Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại rừng ngày càng giảm; các chương trình, kế hoạch thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu giao như: Trồng rừng mới năm 2020 tăng 137,85%, 2021 tăng 13%; khai thác rừng trồng năm 2020 tăng 137,3%, năm 2021 tăng 59,7%; tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 45%, năm 2021 đạt 46,25%, dự kiến năm 2022 đạt 46,5%…
Ngoài những con số ấn tượng trên, Sở NN-PTNT còn xây dựng, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai những đề án, dự án về lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT, với đề án Trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025, sở này đã hướng dẫn các ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp chọn các loài cây bản địa, các giống keo lai hom dòng AH1, AH7, BV71, BV73, BV75, BV33 có chất lượng để trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với diện tích 2.079ha. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 trồng được 2.123ha, đạt 101% so với đề án. Năm 2021, trồng 148ha (Đồng Xuân trồng 93ha, hộ gia đình cá nhân huyện Sơn Hòa trồng 55ha theo dự án khuyến nông trung ương); chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 265ha, đạt 127% chỉ tiêu đề án.
Năm 2022, Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai đề án Trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng giai đoạn 2022-2025. Các ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng, doanh nghiệp trồng rừng đang triển khai thực hiện đề án này.
Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân đánh giá: “Đề án Trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Xuân mang lại những giá trị về môi trường rõ ràng khi tăng độ che phủ rừng cho địa phương. Theo quan sát của chúng tôi, tốc độ sinh trưởng của các loại cây trồng trong đề án như keo, giáng hương… rất tốt. Trong thời gian tới, ban quản lý tiếp tục triển khai đề án có ý nghĩa này”.
Xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, đặc dụng của 3 đơn vị với diện tích 3.646ha. Trong đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả 3.000ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân 135ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa 511ha.
UBND tỉnh đã có Văn bản 1367/UBND-KT ngày 29/3/2022 đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc thống nhất cho Phú Yên tham gia thực hiện dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi giai đoạn 2021-2030 và Văn bản 2088/UBND-KT ngày 5/5/2022 cho phép Công ty CP Tập đoàn ARCHI tài trợ kinh phí xây dựng đề án trồng cây dược liệu trong rừng trên địa bàn tỉnh. Hiện công ty này tiến hành các bước tiếp theo để xây dựng đề án theo quy định.
Sở NN-PTNT tiếp tục xây dựng, kiện toàn lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; trong đó, năm 2022, tập trung phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý rừng; ban hành cơ chế, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các ban quản lý rừng nhằm đảm đương nhiệm vụ được giao.
“Mỗi đề án đều có mục tiêu và ý nghĩa quan trọng đối với ngành Lâm nghiệp tỉnh. Đây cũng là mục tiêu cụ thể để toàn ngành phấn đấu thực hiện tốt, qua đó xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.
Sở NN-PTNT tăng cường trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, nghiên cứu trồng đa dạng loại cây phù hợp với từng vùng khí hậu, đất đai; thường xuyên liên hệ, theo dõi tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào công tác lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; cập nhật đánh giá trữ lượng rừng; xác định chính xác từng loại rừng, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên.