Ngành mía đường kỳ vọng gia tăng lợi nhuận
Việc giá đường thế giới giảm hơn 24% trong những tháng đầu năm đã tác động mạnh lên giá đường trong nước với mức giảm hơn 5%.
Tuy nhiên, thời gian tới các công ty mía đường có thể cải thiện lợi nhuận gộp nhờ vào việc giá đường đã tạo đáy và bắt đầu xu hướng tăng từ đầu tháng 6 đến nay.
Triển vọng sản lượng
Trong quý đầu năm nay, ngành mía đường trong nước có dấu hiệu thuận lợi khi tin tức cho thấy rằng ngành mía đường của Thái Lan (nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới) đang chứng kiến sản lượng mía nghiền thấp nhất trong hơn 13 năm, và sản lượng đường của nước này trong mùa vụ 2023-2024 được dự báo chỉ đạt 7,5 triệu tấn. Nguyên nhân do mùa mưa đến trễ sau khi đã trải qua giai đoạn quan trọng cần có đủ lượng nước để phát triển thân mía.
Theo Cục Khí tượng Thái Lan, hơn 30 tỉnh trong số 77 tỉnh của Thái Lan có nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4, với các mức cao mới đánh bại các kỷ lục kể từ năm 1958. Việc sản lượng đường của Thái Lan giảm mạnh có tính tích cực đối với ngành đường nước ta, bởi hàng năm đều chứng kiến lượng đường Thái nhập khẩu chiếm gần 50% nhu cầu tiêu thụ.
Gần đây, báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất đường và Năng lượng sinh học Ấn Độ cũng cho thấy sản lượng lũy kế mùa vụ 2023-2024 (từ 10-2023 đến tháng 4-2024) chỉ đạt 31,4 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do có nhiều nhà máy đường đóng cửa.
Triển vọng sản lượng đường của Ấn Độ sắp tới cũng không tốt do bệnh thối đỏ ruột mía đang phát triển nhanh tại bang Uttar Pradesh - khu vực trồng mía chính của nước này.
Thêm vào đó, Cục Khí tượng Ấn Độ cũng báo cáo đầu tháng 7 cho thấy lượng mưa trong khoảng thời gian diễn ra mùa gió mùa được ghi nhận giảm 11% so với lượng mưa trung bình dài hạn.
Tổ chức Đường quốc tế (ISO) gần đây đã điều chỉnh tăng ước tính mức độ thâm hụt của cán cân cung - cầu ngành đường thế giới khoảng 2,95 triệu tấn, so với mức dự báo thâm hụt hồi tháng 2 chỉ là 689.000 tấn. Theo đó, sản lượng đường toàn cầu ước tính đạt 179,25 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt 182,2 triệu tấn.
Xa hơn nữa, hãng BP Bunge Bioenergia dự báo cung - cầu ngành đường toàn cầu tiếp tục thiếu hụt 1,6 triệu tấn trong mùa vụ 2024-2025, do sản lượng đường của Brazil có khả năng chỉ đạt 40,8 triệu tấn, giảm khoảng 4,4% so với mùa vụ hiện tại, do thời tiết khô hạn làm ảnh hưởng tới năng suất mía.
Về khả năng đáp ứng nhu cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo mùa vụ 2023-2024 hiện tại sẽ chứng kiến mức tồn kho cuối vụ giảm 4 năm liên tiếp với tỷ lệ tồn kho chỉ đạt 21,4% so với mức tiêu thụ toàn cầu.
Điều kiện vĩ mô ổn định
Theo giới phân tích, việc giá đường thế giới có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng, là điều kiện cần để các doanh nghiệp trong ngành mía đường mở rộng biên lợi nhuận gộp. Thống kê cho thấy có sự tương quan cao giữa giá đường và lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành như: CTCP Đường Sơn La (SLS), CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Lam Sơn (LSS) với mức độ tương quan (correlation) lần lượt là 0,95 - 0,88 - 0,7.
Bên cạnh đó, điều kiện đủ là môi trường kinh doanh ổn định để các doanh nghiệp có thể đạt hoặc vượt mục tiêu sản lượng bán hàng theo kế hoạch đã đề ra.
Các quan sát vĩ mô cho thấy điều kiện môi trường kinh tế toàn cầu trong thời gian qua dần ổn định hơn; chi phí đầu vào như phân bón trải qua xu hướng giảm và ổn định nhờ giá các mặt hàng năng lượng như dầu thô, khí gas và than đá duy trì ở mặt bằng giá thấp. Điều đó có được nhờ vào nguồn cung năng lượng đã giảm dần nguy cơ bị gián đoạn như đã trải qua hồi năm 2022.
Một yếu tố tích cực khác là nhu cầu tiêu thụ phía hạ nguồn có triển vọng tăng ổn định nhờ vào tốc độ tăng dân số tự nhiên và điều kiện tài chính toàn cầu ổn định. Dự báo của các tổ chức kinh tế lớn cho thấy tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến trung bình khoảng 2,9% trong năm 2024, với nền kinh tế đầu tàu là Mỹ dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 2,5%.
Với việc các chi phí đầu vào như giá năng lượng và nguyên liệu đang nằm trong phạm vi ổn định nhờ vào việc nguồn cung dồi dào, từ đó tâm lý lo lắng về lạm phát đang giảm dần. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như FED và ECB đang bắt đầu tính toán đến lộ trình giảm lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu. Việc giảm lãi suất điều hành cũng là một yếu tố giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp hoạt động, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
Với thị trường trong nước, các yếu tố vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP có nhiều khả năng đạt hoặc vượt phạm vi mục tiêu điều hành là 6-6,5%. Mặc dù giai đoạn 6 tháng đầu năm nay chứng kiến tỷ giá USD/VNĐ tăng khoảng 5%, nghĩa là giá trị VNĐ bị giảm đi so với USD, nhưng yếu tố này tích cực đối với giá đường trong nước.
Nguyên nhân là do giá đường nhập khẩu tính theo USD, nên việc giá trị USD tăng có lợi cho giá đường trong nước duy trì được mặt bằng giá tốt. Điều đó thể hiện qua việc giá đường thế giới giảm mạnh 24% trong 6 tháng đầu năm, nhưng giá đường trong nước chỉ giảm khoảng 5% trong cùng khoảng thời gian.
Bên cạnh đó, việc sản lượng đường của Thái Lan giảm mạnh cũng là yếu tố cực kỳ thuận lợi cả về lợi nhuận cho các công ty ngành đường, cũng như tích cực cho việc mở rộng sản lượng mía trong nước.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nganh-mia-duong-ky-vong-gia-tang-loi-nhuan-post115592.html