Ngành ngân hàng châu Âu 'nóng' làn sóng sáp nhập
Lãi suất cao đã giúp những ngân hàng tích lũy nguồn tiền để thực hiện các thương vụ thâu tóm nhưng những lo ngại trong nước vẫn cản trở các giao dịch sáp nhập trên phạm vi toàn châu Âu.
Nguyên nhân của cơn sốt
Ngành ngân hàng châu Âu đang tràn ngập thông tin về các thương vụ sáp nhập. Ngân hàng UniCredit của Italy đang tăng cổ phần tại ngân hàng Commerzbank của Đức, sau khi mở rộng hoạt động tại Romania. Trong khi đó, ngân hàng BNP Paribas của Pháp đang nhắm đến công ty bảo hiểm AXA, còn ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha đang đẩy mạnh việc kế hoạch mua lại Sabadell.
Theo ông Hyder Jumabhoy, đối tác phụ trách mảng M&A tại White & Case, làn sóng sáp nhập ngân hàng hiện nay “đang rất nóng". Ông dự đoán trong năm 2025, tình hình sẽ còn "nóng hơn nữa".
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chậm lại đáng kể. Sau thời kỳ mở rộng mạnh mẽ, các ngân hàng không còn đủ khả năng theo đuổi những giao dịch M&A với mức độ "thèm muốn" như trước, do bị hạn chế bởi các điều kiện và quy định tài chính chặt chẽ hơn.
Các giao dịch M&A ngành ngân hàng tại châu Âu từ năm 2008 đến 2020 đã giảm khoảng 2/3 so với thập kỷ trước khủng hoảng, xét về giá trị tài sản được chuyển giao.
Mặc dù quy định vẫn còn chặt chẽ, lãi suất hiện là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các giao dịch. Một mặt, chi phí cho vay cao trong vài năm qua đã cho phép các ngân hàng tạo ra lợi nhuận đáng kể, làm tăng khả năng thực hiện những thương vụ M&A.
Dấu hiệu của sự phục hồi là việc rút lại hỗ trợ của nhà nước đối với các ngân hàng được cứu trợ trước đó. Ví dụ, Chính phủ Italy đang thoái vốn khỏi MPS, trong khi Chính phủ Anh đang dần rút vốn khỏi NatWest.
Bên cạnh đó, chi phí vay giảm gần đây cũng kích thích thêm sự quan tâm đến M&A, khi các ngân hàng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu. Theo ông Hyder Jumabhoy, sáp nhập giúp các ngân hàng kết hợp chuyên môn để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, với điều kiện cạnh tranh trên thị trường vẫn lành mạnh.
Rào cản với các thương vụ xuyên biên giới
Các thương vụ sáp nhập xuyên biên giới có thể là cách giúp Eurozone nâng cao khả năng cạnh tranh, khi những ngân hàng lớn hơn có thể đầu tư vào đổi mới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng tư duy “quốc gia hóa” và thái độ e ngại với các thương vụ xuyên biên giới đang kìm hãm sự mở rộng của ngành này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), từ năm 1999 đến 2020, khoảng 80% giao dịch M&A ngành ngân hàng trong Eurozone diễn ra trong phạm vi một quốc gia. Ngay cả khi nhận được sự ủng hộ chính trị, các thương vụ xuyên biên giới vẫn gặp phải những rào cản về thủ tục hành chính và quy định, chẳng hạn như tiến độ chậm chạp của dự án chung về hệ thống bảo hiểm tiền gửi EU.
Kiểm soát rủi ro
Theo ông Thierry Philipponnat, nhà kinh tế trưởng tại NGO Finance Watch, khi thành lập các ngân hàng xuyên biên giới lớn, sự ổn định cũng phải là một yếu tố quan trọng cần xem xét. Ông lập luận rằng những giao dịch quốc tế có thể dẫn đến các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ" (Too Big To Fail), nghĩa là sự sụp đổ của chúng sẽ là thảm họa cho nền kinh tế rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng châu Âu quá thận trọng, khiến các đối thủ quốc tế chiếm lợi thế. Chẳng hạn như các ngân hàng Mỹ đang chuẩn bị cho một giai đoạn nới lỏng quy định dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động M&A.
Dù vậy, châu Âu cũng sẵn sàng cho một làn sóng M&A mới. Ông Hyder Jumabhoy dự đoán: “Các thương vụ lớn hơn đang được bàn thảo và có thể được công bố trong nửa đầu năm tới”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-ngan-hang-chau-au-nong-lan-song-sap-nhap/358057.html