Ngành Ngân hàng chung tay kiến tạo nông thôn mới

32.140 tỷ đồng dư nợ, 209.469 khách hàng, 860 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, tốc độ tăng trưởng 26,4%/năm, bình quân mỗi xã dư nợ 150 tỷ đồng… là những con số

32.140 tỷ đồng dư nợ, 209.469 khách hàng, 860 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, tốc độ tăng trưởng 26,4%/năm, bình quân mỗi xã dư nợ 150 tỷ đồng… là những con số “biết nói” minh chứng rõ nét cho sự chuyển động mạnh mẽ của nguồn vốn ngân hàng trên địa bàn nông thôn trong hơn 9 năm qua. Có thể khẳng định, thành công trong xây dựng nông thôn mới tỉnh ta không thể không kể đến sự chung tay góp sức của ngành Ngân hàng tích cực “tiếp lực”, thổi bùng sức sống nông thôn mới.

Đường giao thông nội đồng tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng).

Một ngày đầu đông, chúng tôi theo chân cán bộ tín dụng đến trang trại nuôi gà công nghiệp của anh Trần Văn Rụ ở xóm Già, xã Kim Thái (Vụ Bản). Anh phấn khởi cho biết: “Suốt 22 năm qua, vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Nam Định đã luôn đồng hành cùng gia đình tôi vươn lên làm giàu, giúp tôi có được cơ ngơi như hiện nay”. Anh Rụ vẫn còn nhớ như in những ngày khởi nghiệp đầy vất vả gian truân năm 1997, khi anh đến chi nhánh Agribank Bắc Nam Định tại thị trấn Gôi để vay vốn với tâm trạng đầy âu lo nghi hoặc. Nhưng mọi lo lắng của anh đều nhanh chóng xóa tan trước thái độ niềm nở, tận tâm của cán bộ ngân hàng. Món vay đầu tiên 10 triệu đồng lúc đó có ý nghĩa hết sức lớn lao không chỉ giúp hiện thực hóa dự định của gia đình anh mà còn tiếp thêm nghị lực “dám nghĩ, dám làm”. Từ 1.000 con gà ban đầu, trang trại của anh phát triển mạnh mẽ, mở rộng thêm quy mô và số lượng. Đến nay, anh Rụ đã trở thành ông chủ trang trại gà công nghiệp lớn quy mô 32 nghìn con, doanh thu bình quân hàng năm hơn 4,5 tỷ đồng. Không chỉ người nhà có việc làm mà còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập mỗi người từ 5-7 triệu đồng/tháng. Anh đã trở thành khách hàng uy tín của ngân hàng với dư nợ của trang trại tại Agribank Bắc Nam Định hơn 2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vốn quay vòng của gia đình anh tại ngân hàng lên đến 6 tỷ đồng. Không chỉ anh Rụ, hàng nghìn khách hàng của 3 huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc đều được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi của Agribank Bắc Nam Định. Là ngân hàng thương mại với phần lớn dư nợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, suốt gần 10 năm qua, Agribank Bắc Nam Định đã đồng hành cùng công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chuyển tải vốn nhanh chóng, hiệu quả, an toàn đến người dân. Đến nay, tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại Agribank Bắc Nam Định là 5.219 tỷ đồng với 21.535 khách hàng (19.151 cá nhân, 148 doanh nghiệp). Vốn tín dụng của Agribank Bắc Nam Định đã lan tỏa khắp 66 xã, thị trấn của 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định.

Sản xuất máy cơ khí nông nghiệp tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường).

Để dòng vốn ngân hàng chảy mạnh mẽ hơn về địa bàn nông thôn, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển các chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch đến địa bàn từng xã xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 21 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I, 42 quỹ Tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 108 phòng giao dịch, 2 quỹ tiết kiệm và 192 cây ATM. Trên địa bàn nông thôn có 225 điểm giao dịch của ngân hàng, bình quân một xã có trên 1 điểm giao dịch, ngoài ra còn có mạng lưới tổ vay vốn và tiết kiệm của các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội rộng khắp. Đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn. Nhờ vậy, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với 209 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới đến nay đạt 32.140 tỷ đồng (trong đó ngắn hạn đạt 20.731 tỷ đồng; trung, dài hạn đạt 11.409 tỷ đồng). Bình quân trong giai đoạn 2010-2019, mỗi năm dư nợ tăng trưởng 26,4%. Nợ xấu chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới. Bình quân dư nợ mỗi xã xây dựng nông thôn mới là 150 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ sản xuất, kinh doanh là 20.965 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65%; cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (bao gồm cho vay làm đường nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) 1.245 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4%; cho vay xây dựng nhà ở và cho vay hộ nghèo 3.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,8%; cho vay khác 6.870 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2%. Với đòn bẩy mạnh mẽ từ tín dụng ngân hàng cùng với các chủ trương, quyết sách đúng đắn, chính xác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương, đến nay, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt kế hoạch về thời gian tới 1,5 năm. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Kinh tế nông thôn phát triển sôi động.

Gần 10 năm qua, ngành ngân hàng Nam Định đã không ngừng chủ động, tích cực chung tay kiến tạo nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống cho người nông dân. Vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành “đòn bẩy” kích thích tinh thần mạnh dạn làm giàu tạo đột phá mạnh mẽ kinh tế nông thôn. Thành công từ các chương trình tín dụng mục tiêu cho “tam nông” thời gian qua là động lực để ngành ngân hàng tiếp tục cam kết đồng hành cùng các đơn vị để hiện thực hóa bức tranh nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202001/nganh-ngan-hang-chung-tay-kien-tao-nong-thon-moi-2535120/