Sức bật cho ngành công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi

Hiện các đơn hàng của ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất khả quan nhờ những chính sách và nỗ lực của doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, vẫn cần cơ chế để doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh và tiếp tục phát triển.

Hoạt động xúc tiến giao thương tạo cơ hội cho doanh nghiệp.

Tín hiệu tốt về đơn hàng

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%)...

Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) Hoàng Hữu Yên giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Khắc Kiên

Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) Hoàng Hữu Yên giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Khắc Kiên

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của các bộ ngành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại. Dạo quanh “Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2024” đang tổ chức tại Hà Nội, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã có tìm hiểu về hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G thông tin, dù khó khăn sau dịch, thiên tai nhưng với sự hỗ trợ sát sao từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp CNHT đã khắc phục được cơ bản về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu đầu vào và kết nối đối tác để thúc đẩy. Đặc biệt, là nhiều tín hiệu tốt về đơn hàng đảm bảo kế hoạch đầu năm vẫn duy trì và có thể sản xuất ổn định trong năm nay và những năm tiếp theo.

"Dù tình hình kinh tế thế giới có biến động ảnh hưởng nhất định, thiên tai nhưng lượng đơn hàng vẫn đang đáp ứng được kế hoạch đặt ra từ đầu năm, duy trì ổn định sản xuất trong năm nay và thời gian tới" - ông Nguyễn Hoàng nói.

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã khẳng định thương hiệu Việt. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã khẳng định thương hiệu Việt. Ảnh: Khắc Kiên

Minh chứng cho điều đó là lượng đơn hàng của Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh đã đủ đến tháng 12/2024, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, cùng với đó là cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đó là thông tin được Giám đốc Nguyễn Văn Tuân chia sẻ khi năng lực sản xuất của doanh nghiệp có thể đáp ứng được khoảng 100.000 sản phẩm. Đến 2025 sẽ đầu tư thêm một nhà máy mới chuyên về các sản phẩm liên quan đến đúc nhôm, kẽm, ma nhê... phục vụ trong các ngành công nghiệp ô tô và cột điện

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) Hoàng Hữu Yên chia sẻ, thị trường năm nay sôi động hơn so với năm trước nên đến tháng 9/2024, lượng đơn hàng tại Intech Group đã tăng 30% so với năm trước và đáp ứng đủ công suất đến tháng 11/2024.

Intech Group buộc phải bố trí nhân sự làm thêm và phân bố kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo đơn hàng. Lượng đơn hàng của Intech Group hiện có 70% là gia công sản xuất cho các đối tác trong nước, trong đó chủ yếu là đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc… còn lại để xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ.

Để có được những kết quả trên, đại diện Intech Group cho hay, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy gia công công nghệ cao, máy laser… cũng như kiện toàn quy trình sản xuất, chế độ giao hàng để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về nhân sự, Intech Group cũng tuyển dụng ngay từ các trường đào tạo nghề, trường đại học… để đáp ứng kỹ thuật gia công cơ khí chính xác và lắp ráp.

"Doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tạo ra các sản phẩm Gia công cơ khí chính xác, con lăn chuyên nghiệp; Hệ thống kho Shuttle, Xe tự hành line từ, Hệ thống phân loại tự động line shorting. Đây là các dòng sản phẩm, giải pháp thế mạnh của Intech Group, thu hút được sự chú ý đầu tư của đối tác, khách hàng, cũng như mở rộng thị trường" - vị này nói. Đồng thời sẽ tạo bứt phá trong những tháng cuối năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025 với những giải pháp mới, cơ hội mới.

Vẫn cần hỗ trợ

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng chia sẻ, tình hình doanh thu và nhu cầu thị trường cuối năm 2024 đang có nhiều cải thiện, trong đó TYGICO đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các hiệp hội ngành nghề như HANSIBA để có thể hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và đối tác.

Đặc biệt, là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thép không gỉ cho ngành trang trí nội ngoại thất trung và cao cấp, thang máy... các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, thuế phí cũng đã có nhiều cải tiến tích cực, hỗ trợ tạo thuận lợi cho TYGICO kinh doanh.

Để tiếp tục tận dụng cơ hội mới cho phát triển, nhiều doanh nghiệp CNHT đã đặt kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất. Bà Phạm Thị Hiền (Công ty Cổ phần Ốc vít Brother Việt Nam) chia sẻ, cùng với đầu tư thêm trang thiết bị, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy tại Khu CNHT Nam Hà Nội (HANSSIP) và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động trong tháng 12/2025, qua đó giúp sản xuất được những mặt hàng chất lượng cao trong lĩnh vực giàu tiềm năng là hàng không vũ trụ cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

"Đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm một nhà máy mới chuyên về các sản phẩm liên quan đến đúc nhôm, kẽm… nhằm đón bắt cơ hội phục vụ ngành công nghiệp ô tô điện…" - nữ doanh nhân nói.

Nhìn nhận vấn đề, ông Nguyễn Hoàng tin rằng, tăng trưởng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ có bước vươn lên, đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 đã đề ra và kế hoạch những năm tiếp theo. Qua đó có thể tham gia sâu và chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNHT vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ. Các doanh nghiệp CNHT đang gặp áp lực về đầu ra nên phải “vật lộn” với việc đầu tư sản xuất. Để vừa có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu vừa giữ được đơn hàng, đáp ứng về tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước với những chính sách cụ thể, sát thực.

Về phía doanh nghiệp, vị này khuyến cáo, trong chiến lược về phát triển công nghệ xanh là hết sức quan trọng khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Nếu các doanh nghiệp nói chung, CNHT không đổi mới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững sẽ gặp khó. Đấy chính là điểm mấu chốt để cho doanh nghiệp phải chuyển mình, chuyển chuyển đổi số cùng với các công nghệ thông minh, hiện đại và duy trì phát triển, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp trong ngành cùng chung quan điểm. Đại diện TYGICO mong trong thời gian tới, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của HANSIBA, Chính phủ và Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn để trở thành nòng cốt cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng với các đối tác chiến lược trên thế giới, đấy chính là những cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào cái chế độ sản xuất toàn cầu. Đơn cử như hợp tác sản xuất linh kiện cho hàng không, tàu thủy, chất bán dẫn...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng cho hay

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/suc-bat-cho-nganh-cong-nghiep-ho-tro-vao-chuoi.html