Ngành Ngân hàng và hành trình thống nhất hệ thống sau giải phóng

Một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng đó chính là quá trình thống nhất hệ thống sau đại thắng mùa xuân năm 1975. Lúc bấy giờ, nước ta bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, góp phần tạo ra một giai đoạn thống nhất tiền tệ thành công sau ngày mới giải phóng.

Nhanh chóng xây dựng hệ thống ngân hàng mới để ổn định kinh tế

Hiện thực hóa chủ trương của Trung ương Đảng về cải tạo khẩn trương hệ thống ngân hàng, mở rộng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên nghiệp nhằm phục vụ sản xuất – kinh doanh, xóa bỏ hệ thống ngân hàng tư nhân, ngay sau ngày tiếp quản, chính quyền cách mạng đã nhanh chóng tiến hành cải tổ hệ thống cũ và xây dựng một hệ thống ngân hàng mới.

Bước đi đầu tiên là việc Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 04/PCT-75 ngày 6/6/1975, thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Nghị định nêu rõ: “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là cơ quan Trung ương của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chịu trách nhiệm cải tổ hệ thống ngân hàng cũ, xây dựng ngân hàng mới, tổ chức thực hiện và quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước về các chính sách tín dụng, phát hành tiền tệ, thanh toán, quản lý Ngân sách Nhà nước, quản lý ngoại tệ, kim khí quý, đá quý và thanh toán quốc tế”.

Một góc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào thế kỷ 20

Một góc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào thế kỷ 20

Mặc dù Ngân hàng Quốc gia được thành lập tại miền Nam, song trên thực tế, toàn bộ hoạt động ngân hàng trong cả nước đã được đặt dưới sự chỉ đạo tập trung và thống nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương. Các thể lệ, chế độ về tiền tệ, tín dụng và thanh toán của ngân hàng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trở thành cơ sở áp dụng, đồng thời được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam lúc bấy giờ.

Với sự hỗ trợ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập bộ máy ngân hàng đến khắp các tỉnh, thành phố, quận, huyện và lập một số phòng giao dịch ở một số nơi có kinh tế tập trung, hình thành một hệ thống ngân hàng thống nhất trên toàn miền Nam.

Tăng tốc cải tổ, định hình hệ thống ngân hàng mới tại miền Nam sau ngày Giải phóng

Ngày 2/8/1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 20/NĐ, quy định những nguyên tắc cơ bản về các mặt hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Trên nền tảng các nguyên tắc này, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã ban hành các chế độ, thể lệ và biện pháp nghiệp vụ cần thiết nhằm tổ chức lại hệ thống hoạt động và quản lý ngân hàng, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Tiếp nối tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (khóa III), hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp của chế độ Sài Gòn cũ được cải tổ toàn diện. Một loạt ngân hàng chuyên doanh mới được thành lập, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Thương nghiệp và Việt Nam Thương tín ngân hàng. Sự cải tổ này thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới xây dựng một hệ thống ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông và đời sống nhân dân.

Với những quyết sách đúng đắn NHNN đã góp phần làm nên một đoạn thống nhất tiền tệ thành công sau giải phóng

Với những quyết sách đúng đắn NHNN đã góp phần làm nên một đoạn thống nhất tiền tệ thành công sau giải phóng

Về nhiệm vụ của Ngân hàng Quốc gia, công việc ưu tiên hàng đầu là cùng NHNN ở Hà Nội chuẩn bị phát hành đồng tiền cách mạng và thu đổi tiền của chế độ cũ ở miền Nam. Đồng thời, ngân hàng này tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn là: Quản lý Kho bạc nhà nước và quản lý tiền mặt; quản lý nguồn vốn và cho vay phục vụ khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; xúc tiến công tác đối ngoại, bảo vệ tài sản quốc gia ở nước ngoài.

Ngân hàng Quốc gia rất chú trọng đối với việc huy động vốn và cho vay tại các vùng mới giải phóng. Ngân hàng đã vận dụng phương thức “tín dụng mềm dẻo linh hoạt” phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế ở miền Nam lúc này để cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn khôi phục và phát triển sản xuất, không phân biệt thành phần kinh tế. Ngân hàng đã thiết lập quan hệ tín dụng với các xí nghiệp quốc doanh và một số xí nghiệp tư doanh, mở rộng quan hệ tín dụng với nông dân cá thể.

Đối với công thương nghiệp, ngân hàng chú trọng giúp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cho đời sống và xuất khẩu, khôi phục lại các ngành nghề thủ công truyền thống, chú trọng các nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến cá, nước mắm, đường.

Đối với nông nghiệp, ngân hàng chú trọng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ khai hoang, phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ..

Đối với kinh tế tư bản tư nhân, ngân hàng phối hợp với các cơ quan hữu quan sử dụng các đòn bẩy kinh tế như thuế, giá cả để hướng họ đi vào sản xuất và kinh doanh có lợi cho quốc kế dân sinh.

Tính đến tháng 7/1976, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Quốc gia đã đạt được những kết quả sau: Tổng doanh số cho vay là 1.336 triệu đồng. Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 95,9% trong tổng dư nợ. Về cơ cấu dư nợ phân theo ngành kinh tế thì nông nghiệp chiếm 15,2%, công nghiệp và thủ công nghiệp chiếm 6,4%, thương nghiệp chiếm 78,3%. Còn phân theo thành phần kinh tế thì: Quốc doanh và công tư hợp doanh chiếm 90,1%, cá thể 7,9% và tư nhân chiếm 2,0%.

Về quan hệ đối ngoại, Ngân hàng Quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực trì quan hệ bình thường, tích cực sử dụng quan hệ tín dụng mới với các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế. Nhờ đó, đã thu hồi được số tài sản, ngoại tệ và vàng bạc của chế độ cũ, bảo vệ được tài sản quốc gia, thu hồi được hàng nhập khẩu đang nằm phân tán tại các cảng ở nước ngoài, xác định chủ quyền của chính quyền cách mạng đối với tài sản, ngoại hối và vàng bạc của chính quyền cũ ký gửi tại các ngân hàng nước ngoài, tại các tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB) và kế tục vai trò hội viên của chính quyền cũ tại các tổ chức này.

Hợp nhất hệ thống ngân hàng sau thống nhất đất nước

Tháng 7/1976, Việt Nam chính thức thống nhất về phương diện nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Bộ máy quản lý đất nước được tổ chức thống nhất dưới sự điều hành của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Các ngành, lĩnh vực quan trọng đều tiến hành hợp nhất, trong đó có ngành Ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam được hợp nhất vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hình thành một hệ thống ngân hàng thống nhất trên toàn lãnh thổ. Cơ cấu tổ chức bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Trung ương đặt tại thủ đô Hà Nội; các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trung tâm tại các tỉnh, thành phố; và các chi nhánh cấp cơ sở tại quận, huyện trên phạm vi cả nước.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước được thành lập do một Phó Tổng Giám đốc trực tiếp điều hành nhằm xử lý kịp thời các vấn đề nghiệp vụ của hệ thống chi nhánh phía Nam.

Ông Trần Dương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Quốc gia miền Nam được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất thay ông Hoàng Anh.

Ông Trần Dương, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 4/1977 đến 2/1981

Ông Trần Dương, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 4/1977 đến 2/1981

Sau khi hợp nhất hệ thống ngân hàng ở hai miền, Hội nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã thảo luận và thống nhất nhiều chủ trương lớn, định hướng chiến lược cho hoạt động ngân hàng trong giai đoạn mới. Từ đây, các nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất trên toàn hệ thống từ lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng đến hoạt động phát hành, nhập xuất kho tiền đều được triển khai đồng bộ, nghiêm túc và nhất quán.

Hệ thống Ngân hàng Nhà nước thống nhất được tổ chức theo mô hình xã hội chủ nghĩa, đảm nhận đầy đủ chức năng của một ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại của Nhà nước.

Nhìn lại thời kỳ đầu sau thống nhất, có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia của chính quyền cách mạng ở miền Nam đã sớm hình thành tinh thần “hai trong một”. NHNN Việt Nam với trách nhiệm và vai trò của mình đã tích cực chủ động giúp đỡ hệ thống Ngân hàng cách mạng còn non trẻ ở miền Nam các nguồn lực, từ chi viện và đào tạo cán bộ, xây dựng mô hình tổ chức, nghiên cứu xây dựng những chủ trương chính sách, đến những kinh nghiệm trong các mặt hoạt động nghiệp vụ ngân hàng... Chính sự hỗ trợ này đã tạo nền tảng quan trọng, mang tính quyết định cho thành công của quá trình thống nhất tiền tệ ngân hàng tại miền Nam sau hợp nhất.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-va-hanh-trinh-thong-nhat-he-thong-sau-giai-phong-163660.html