Ngành ngân hàng với nỗi lo 'đứa con hư' trở về
Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các nhà băng, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình xử lý nợ xấu chưa thể tiến triển như kỳ vọng.
Sau 5 năm “ra đi”, nợ xấu có khả năng trở về
Theo cơ chế mua nợ xấu, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Nếu trái phiếu đáo hạn mà nợ xấu không được xử lý, nợ xấu sẽ trở lại với các ngân hàng. Tính từ thời điểm bán nợ mạnh nhất của các TCTD cho VAMC năm 2015, thời gian 5 năm đã sắp trôi qua.
Đến cuối năm 2018, ước tính có đến 340.000 tỷ đồng nợ xấu được VAMC mua lại từ các ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 4/2019, VAMC mới xử lý 190.000 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng số nợ xấu được tổ chức này mua về.
Trong số các ngân hàng, Vietcombank là nhà băng sớm tất toán trái phiếu VAMC từ năm 2017. Tiếp đó là Techcombank tất toán trái phiếu VAMC hơn 400 tỷ đồng. Tương tự, ACB, MB, VIB là các nhà băng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về trên dưới 1% trên tổng dư nợ ngân hàng tính đến cuối năm 2018. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực xử lý và hứa hẹn sẽ tất xong trái phiếu VAMC trong năm 2019 là OCB, VPBank, Nam A Bank, Eximbank…
Tuy nhiên, theo thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2018, đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC mà các ngân hàng này đang nắm giữ lên tới 126.700 tỷ đồng, chỉ giảm 0,5% so với cuối năm 2017.
Trong đó, Sacombank là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỷ đồng, giảm 7,5% so với đầu năm 2018. Theo sau là SCB với dư nợ hơn 26.600 tỷ đồng, tăng 10,6%, BIDV với hơn 14.100 tỷ, giảm 36,8%...
Bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý. Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20%/năm đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng ngân hàng đang phải tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10%/năm theo thời hạn trái phiếu 10 năm.
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, mặc dù lợi nhuận năm 2018 đạt được ở mức tương đối khá hơn so với những năm trước, nhưng phải dành một phần lớn để trích dự phòng rủi ro theo quy định, cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình, nên lợi nhuận còn lại chỉ ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, khoản dự phòng rủi ro này được xem là “của để dành”, nếu trong năm tới xử lý được nợ xấu sẽ hoàn nhập vào lợi nhuận.
Đòi hỏi tăng dự phòng rủi ro
Trên thực tế, kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực (15/8/2017), tiến độ và hiệu quả đã được nâng cao. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu phần lớn liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi vấn đề sang tên, đổi chủ các dự án bất động sản vẫn gặp khó ở một số địa phương, hoặc đôi khi là chính với cơ quan thuế, dẫn đến chậm tiến độ trong quá trình phát mại tài sản, nên tiến trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh như kỳ vọng và đang trở thành gánh nặng của nhiều nhà băng. Để xử lý được nợ xấu, trước mắt các nhà băng phải tăng dự phòng.
Chẳng hạn, OCB đã phải tăng chi phí dự phòng rủi ro hơn 10 lần so với cùng kỳ lên mức 397 tỷ đồng trong quý IV/2018. Lũy kế cả năm 2018, chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng 3,7 lần, lên 945 tỷ đồng. Tương tự, dự phòng trái phiếu VAMC của Sacombank tính đến cuối năm 2018 đạt 2.570 tỷ đồng, tăng 54% so với thời điểm 30/6/2017.
Trong khi đó, Vietcombank và ACB tiếp tục đứng đầu hệ thống xét về năng lực xử lý nợ xấu trong năm qua, với tỷ lệ trích lập dự phòng cao tới 150 - 160% so với nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp tệ nhất là 100% nợ xấu đều không thu hồi được, 2 ngân hàng này vẫn còn lại phần 50 - 60% để hoàn nhập dự phòng.
Việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều nhà băng phải dùng đến hơn một nửa lợi nhuận cho chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua.
Cụ thể, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm vừa qua, đạt hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ đồng). Tuy nhiên, do phải trích cho chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống năm 2018, lên tới hơn 18.800 tỷ đồng, nên đã “ăn mòn” đến 2/3 lợi nhuận của Ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng của BIDV chỉ còn hơn 9.400 tỷ đồng, thua xa Vietcombank ở mức 18.300 tỷ đồng, khi Vietcombank chỉ phải trích hơn 7.300 tỷ đồng cho chi phí dự phòng.
MBB, TPBank và VietinBank cũng là những cái tên xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu, mức bao nợ xấu quanh 100% với số dự phòng đã trích vừa bằng mức tổn thất nếu toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi. Hay tại Techcombank, HDBank thể hiện khả năng xử lý nợ xấu đáng kể với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70 - 90%.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017. Cơ quan này dẫn báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho biết, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng 2018 tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%), nhưng không bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC.
Việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đến nay đã đi được hơn 1/3 chặng đường. Kết quả đã đạt được là khá rõ nét, nhưng theo các chuyên gia tài chính và những người thực hiện xử lý nợ trực tiếp, còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, qua đó mới đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Thực tế, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 42, các ngân hàng đã tăng cường đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng không ít thương vụ bất thành, phải đấu giá nhiều lần vì mức giá ban đầu quá cao. Điển hình là khu phức hợp Saigon One Tower ở trung tâm TP.HCM, với mức đấu giá được VAMC đưa ra hơn 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, gần 2 năm trôi qua, đến nay khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua. Hay Sacombank phát mại hàng loạt bất động sản để xử lý nợ xấu, trong đó có 3 lô đất “khủng” được đại hạ giá gần 3.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thể phát mại thu hồi nợ xấu.
Trong năm 2019, mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC.
Việc sửa đổi này là nhằm quy định rõ ràng để các đơn vị thực hiện thống nhất, đúng quy định. Theo đó, ngoài quy định tại Điểm c, Thông tư 19, VAMC cần căn cứ quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến từng loại tài sản bảo đảm và thực tế thẩm định, kiểm tra hồ sơ tài sản bảo đảm do TCTD cung cấp, kiểm tra tài sản bảo đảm để xác định hồ sơ, giấy tờ hợp lệ phù hợp với từng loại tài sản bảo đảm...
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Dự thảo trên nếu được ban hành được xem là hướng đi mới cho vấn đề này.