Ngành nghề nào cũng được tăng ca, làm thêm, sao thầy cô không được dạy thêm?

Các chuyên gia, giáo viên nêu quan điểm về đề xuất đưa hoạt động dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 20/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và một số đại biểu Quốc hội đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này nhận sự quan tâm của các giáo viên, chuyên gia và dư luận xã hội, trong đó hầu hết ý kiến đồng ý.

Cô Nguyễn Bích Ngọc (trường THPT Phan Chu Trinh, Đà Nẵng) cho biết đây không phải lần đầu tiên bàn về nội dung trên. Ngành giáo dục từng đề xuất từ 2 năm trở lại đây, nhưng không hiểu vì sao chưa được các cơ quan Chính phủ, Quốc hội chấp nhận.

Theo nữ giáo viên này, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh. Với cách đánh giá, thi cử, tuyển sinh vẫn nặng nề như hiện nay, chưa thể bỏ ngay dạy thêm mà cần bàn cách tổ chức hoạt động này bài bản hơn.

Ngành nghề nào cũng được tăng ca, làm thêm, sao thầy cô không được dạy thêm?. (Ảnh minh họa)

Ngành nghề nào cũng được tăng ca, làm thêm, sao thầy cô không được dạy thêm?. (Ảnh minh họa)

Khi đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có những tiêu chuẩn, tiêu chí. Như việc muốn mở trung tâm dạy thêm, chủ sở hữu phải đáp ứng được các điều kiện tối thiểu: chất lượng giáo viên (trình độ, kinh nghiệm, đạo đức, sức khỏe); cơ sở vật chất; kế hoạch tổ chức dạy và học... thay vì thả nổi như hiện nay, ai cũng có thể mở lớp dạy, chất lượng không kiểm soát.

Báo chí và dư luận nhiều lần phản ánh tình trạng giáo viên "ép" học sinh đến nhà học thêm thông qua các hình thức như chấm điểm thấp, nhận xét không tốt. Có thầy cô thẳng thắn gợi ý phụ huynh gửi con để lực học tốt hơn.

"Chỉ khi lớp học, giáo viên được cấp phép, danh mục học sinh được quản lý, những chuyện làm trái quy định như dạy thêm chính học sinh của mình, ép học sinh học thêm... mới dễ phát hiện, xử lý", vị giáo viên này nói.

Tán thành quan điểm chưa thể bỏ ngay dạy thêm lúc này, thầy Huỳnh Tấn Đức (trường THPT Nguyễn Du - TP.HCM) bày tỏ, hoạt động này mang lại nhiều lợi ích cho cả giáo viên lẫn học sinh, phụ huynh.

Thứ nhất, việc dạy thêm, học thêm đáp ứng mục tiêu đỗ vào trường điểm, đại học top đầu. Hiện, chương trình học còn nặng, các kỳ thi mang tính cạnh tranh cao. Nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không được đào sâu, nâng cao sẽ khó đỗ đạt đúng nguyện vọng.

Thứ hai, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, thời gian dành cho con cái hầu như chỉ còn buổi tối. Với những trường chưa thể tổ chức dạy học hai buổi một ngày, học sinh sẽ "tự do" ở buổi còn lại sau giờ chính khóa, dễ tiếp xúc với cám dỗ, tệ nạn.

Thứ ba, thu nhập giáo viên hiện khá thấp. Khi đồng lương giáo viên chưa thể cải thiện, dạy thêm sẽ giúp họ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Tạo cơ hội cho giáo viên kiếm thu nhập chính đáng tốt hơn việc để họ phải lách luật, lén lút. "Cả xã hội ngành nghề nào cũng được tăng ca, làm thêm, tại sao nghề giáo lại không được dạy thêm. Các thầy cô làm thêm bằng năng lực, trình độ, trí tuệ để tăng thu nhập hoàn toàn chính đáng, không có gì là sai", thầy Đức nói.

Hầu hết các chuyên gia, thầy cô đều cho rằng, đưa dạy thêm, học thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cho là giải pháp chặn tình trạng thả nổi hoặc quản lý nửa vời hoạt động này.

GS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu. Học sinh và phụ huynh có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, còn giáo viên có nhu cầu tăng thêm thu nhập. Tất cả nhu cầu trên đều chính đáng, có cung ắt có cầu.

Tuy nhiên theo ông Nhĩ, hình thức dạy thêm tiêu cực như “dạy trên lớp lơ là, dạy ở nhà là chính” - tức thầy cô lên lớp không dạy hết mình, chỉ dạy một phần rồi xem đó như “mồi nhử” học sinh về nhà mình để dạy học kiếm tiền, điều này đáng lên án và cần phải cấm.

Để tránh biến tướng tiêu cực, càng cần phải đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn, giá cả, điều kiện giảng dạy... phải có những quy định, khung cụ thể thì mới quản lý được dạy thêm và không làm nó biến tướng.

Một lãnh đạo trường THCS ở Hà Nội thừa nhận, dù biết thông tin nhiều thầy cô vẫn tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà, dạy luôn học sinh chính khóa của mình nhưng đôi khi phải lờ đi, xem như khuất mắt trông coi. Giáo viên thường lấy lý do dạy thêm theo đề nghị của phụ huynh, nên nếu họ vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì trường cũng đành chấp nhận.

Đặc biệt, các đoàn thanh tra chủ yếu phạt những lớp học bị phản ánh gây mất trật tự hoặc không đảm bảo an toàn cho học sinh. Còn nếu lớp học diễn ra yên ắng, trật tự thì gần như rất ít bị kiểm tra, kể cả là đột xuất.

"Trong vòng 8 năm làm hiệu trưởng, chưa lần nào giáo viên ở trường bị thanh tra hay phạt đột xuất do tổ chức dạy thêm tại nhà", ông nói và đề xuất sớm chấp thuận cho dạy thêm là hoạt động chính đáng, đặt dưới sự quản lý của pháp luật, "càng cấm, càng nở rộ và biến tướng" vì họ phải tìm cách lách luật.

Ông cũng nhấn mạnh, các thầy cô làm thêm bằng chính công sức, trí tuệ của bản thân không có gì là sai, "đừng coi họ có tội, quy luật tất yếu của cuộc sống, có cung ắt có cầu".

Nhiều giáo viên mong muốn sớm công nhận dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện. (Ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên mong muốn sớm công nhận dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, TS Lê Bá Chung (giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, dạy thêm, học thêm xuất hiện do có cung - cầu trên thị trường. Phụ huynh, người học có nhu cầu bổ sung kiến thức trong khi các trung tâm, giáo viên năng lực cung cấp các hoạt động dạy học.

Do đó, hoạt động dạy thêm cần được nhìn nhận như là dịch vụ giáo dục. Đưa dịch vụ vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Góc nhìn này sẽ giúp phân định được rạch ròi cơ chế quản lý giáo dục tại trường học công lập và các trung tâm dịch vụ dạy thêm.

Khi đưa vào quy định, giáo viên tham gia dạy thêm sẽ đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ giáo dục, không thể mang tâm thế là giáo viên chính khóa trên trường để sử dụng "quyền lực mềm" với học sinh. Đồng thời, các chủ thể tham gia dạy thêm, học thêm (phụ huynh, học sinh, giáo viên) dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, thiện chí.

"Việc đặt ra các điều kiện kinh doanh sẽ góp phần đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước được tốt hơn, qua đó bảo vệ quyền lợi người học. Chất lượng dịch vụ sẽ quyết định giá cả và yếu tố cạnh tranh, giúp cho chất lượng dạy học tăng lên", ông Sang nhận định.

Một số ý kiến của phụ huynh phản đối việc coi dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện vì hoạt động giáo dục cần đặt cái tâm, tình yêu thương học trò lên trên hết thay vì thương mại hóa, thành hoạt động mua bán, trao đổi.

Khi dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện thì đồng nghĩa với mức tiền thu lớp học tăng cao hơn nhiều so với hiện nay, giáo viên phải đáp ứng cơ sở vật chất, đóng thuế... vô tình những áp lực này sẽ trở thành gánh nặng cho phụ huynh.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nganh-nghe-nao-cung-duoc-tang-ca-lam-them-sao-thay-co-khong-duoc-day-them-ar830002.html