Ngành ngôn ngữ Trung Quốc: Nhu cầu học nhiều nhưng khó tuyển dụng giảng viên
Nhiều người học rất giỏi, đủ điều kiện làm giảng viên nhưng khi trường mời ở lại cũng không muốn do mức lương khó so được các khu công nghiệp, tập đoàn.
Theo chia sẻ từ một số trường đại học, với tốc độ tăng trưởng cao về nền kinh tế, công nghệ của Trung Quốc cùng với sự giao lưu, hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục trong những năm gần đây, có thể thấy rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực thông thạo tiếng Trung Quốc, đặc biệt là tiếng Trung Quốc theo định hướng khoa học kỹ thuật, xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng gia tăng.
Số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. [1]
Cơ hội việc làm không chỉ đơn thuần là biên, phiên dịch mà rất rộng mở
Trường Đại học Hà Tĩnh là một trong những cơ sở có thế mạnh và bề dày trong việc tuyển sinh và đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.
Chia sẻ từ Thạc sĩ Trần Minh Đức – Trưởng khoa Ngoại ngữ của nhà trường với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, công tác tuyển sinh đối với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường những năm gần đây càng ngày càng thuận lợi.
Năm 2023, trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu với 150 người học. Hiện, đây cũng là ngành học tuyển sinh tốt nhất của nhà trường.
Thầy Đức cho hay, Hà Tĩnh có khu công nghiệp Formosa cùng nhiều công ty vệ tinh của Đài Loan (Trung Quốc) trực thuộc khu công nghiệp này vốn có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn nhân lực có tiếng Trung làm việc trực tiếp và nhân lực đi xuất khẩu lao động.
Không những vậy, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc trên địa bàn đang ngày càng dày đặc, có những công ty ký kết với khoa để tuyển dụng số nhân lực tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Trung Quốc với nhu cầu tuyển lên đến 50.000, 70.000 người.
Cũng theo thầy Đức, nhu cầu của xã hội lớn nên nhu cầu thí sinh đăng ký vào ngành học này những năm gần đây đều khá đông và tương lai về ngành nghề có sử dụng tiếng Trung cũng sẽ phát triển. Trên thực tế, các trung tâm ngoại ngữ về tiếng Trung còn mạnh hơn các trung tâm ngoại ngữ đào tạo tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Chính vì nhu cầu của thị trường lớn như vậy, theo các số liệu ghi nhận của khoa, 100% sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động với 3 mảng chính là phiên dịch, công tác văn thư, dịch thuật cùng mức thu nhập tương đối cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên.
Một trong những lý do giúp thu hút người học vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được thầy Đức chia sẻ là do chương trình đào tạo của khoa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Theo đó, khoa luôn đào tạo sinh với cách thức gắn với thực học, thực làm cho sinh viên; giúp người học sau khi hoàn thành chương trình có thể sử dụng thông thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Sau khi ra trường, bên cạnh hoàn thành chương trình học, các em phải thi đạt chứng chỉ năng lực tiếng Trung như chứng chỉ HSK bậc 5,...
Bên cạnh đó, khoa có kết nối rất tốt với văn phòng văn hóa Đài Bắc, do đó, mỗi năm họ đều cung cấp cho khoa một giảng viên người Đài Loan (Trung Quốc) sang giảng dạy tại khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Hà Tĩnh. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về văn hóa của Đài Loan, Trung Quốc cũng như rèn luyện kỹ năng nghe, nói cho bản thân.
Không những vậy, khoa còn hợp tác với Hiệp hội thương gia Đài Loan (Trung Quốc) tại Hà Tĩnh. Nhờ việc hợp tác này, khoa đã được hỗ trợ rất nhiều trong công tác thực tập, thực hành cho sinh viên. Ngoài kiến thức chuyên môn, người học còn được bồi dưỡng về các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp, các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các cuộc thi liên quan đến tiếng Trung cho sinh viên.
Tuy nhiên, hầu như các em vào học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường hầu như chưa biết gì ngôn ngữ này nên công tác đào tạo cũng gặp một số khó khăn ban đầu nhưng không đáng kể.
Trong khi đó, chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thủy Lợi) cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên trường tuyển sinh đối với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc nhưng rất thuận lợi với hơn 400 hồ sơ đăng ký/50 chỉ tiêu tuyển sinh.
Do đó, điểm chuẩn ngành học này cũng nằm trong tốp những ngành có điểm cao nhất trường với 24.25 điểm (theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023).
Theo thầy Đăng, thế mạnh của nước ta hiện nay là đang hợp tác rất nhiều dự án với Trung Quốc trong việc kinh doanh thương mại, giao thương, xuất nhập khẩu, …; có nhiều khu công nghiệp có chủ đầu tư là Trung Quốc.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ. Với nhu cầu rất lớn của thị trường lao động như vậy, tất yếu cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc là rất rộng mở cùng mức thu nhập hấp dẫn.
Đáng nói, với cơ hội phát triển ngành học lớn như vậy, hiện nay có rất nhiều cơ sở đang đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.
Do đó, để có thể cạnh tranh và đa dạng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Mai Đăng cho biết, ngoài việc học ngôn ngữ chuyên ngành các em còn được trang bị thêm ngoại ngữ 2 như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật; các học phần tiếng Trung chuyên ngành về kỹ thuật, thương mại; tạo điều kiện cho sinh viên được học song bằng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, không giống với các đơn vị khác cũng đào tạo cùng ngành, hiện Trường Đại học Thủy Lợi đang đào tạo ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc theo định hướng kinh tế và quản trị.
Theo đó, 1/3 số môn các em học trong chương trình sẽ bao gồm các học phần kinh tế, thương mại, luật, nhằm giúp người học có được kiến thức cơ bản để sau khi tốt nghiệp ra trường có thể thích ứng được với nhiều môi trường làm việc khác nhau.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các em sẽ được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng tổ chức sự kiện, …
Nhờ vậy, ngoài các công việc liên quan đến biên, phiên dịch, dạy học mà sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ hay đảm nhận, cơ hội việc làm của người học tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Thủy Lợi sẽ rất rộng mở do có thể làm ở nhiều lĩnh vực như ngoại giao, du lịch và lữ hành, xuất nhập khẩu, logistics và chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, truyền thông, báo chí, …
Theo thầy Đăng, trên thực tế, có thể thấy rằng, xu hướng của người học sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hiện nay cũng thường chuyển sang làm các công việc tại các công ty xuất nhập khẩu, các khu công nghiệp, các văn phòng quản trị dự án.
Về tố chất của người học cần có khi chọn ngành học này, thầy Đăng bày tỏ, khi tư vấn tuyển sinh, trung tâm cũng như nhà trường đều tư vấn cho thí sinh và phụ huynh nếu lựa chọn các ngành học về ngôn ngữ nên có năng lực, sở trường, năng khiếu về ngôn ngữ hay đi theo định hướng của bản thân, truyền thống của gia đình về các lĩnh vực có yêu cầu liên quan.
Ngoài ra, Ngôn ngữ Trung Quốc cũng đang là ngành học hot nên số điểm đầu vào tương đối cao, do đó, thí sinh cũng cần lưu ý đến năng lực học tập của mình khi đăng ký lựa chọn.
Nói về những thế mạnh của trường trong việc đào tạo ngành học này, thầy Mai Đăng cho hay, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường có cơ học lên bậc học cao hơn (thạc sỹ, tiến sỹ) với đa dạng các chuyên ngành như ngôn ngữ học, văn hóa, kinh doanh – thương mại, du lịch, … ở cả trong nước và quốc tế.
Không những vậy, trường có thế mạnh từ sự hợp tác lâu dài, bền vững với các cơ sở giáo dục đại học tại Trung Quốc trong việc kết hợp, hỗ trợ giảng dạy và đào tạo cán bộ, giảng viên với nhiều giảng viên hiện tại của Trung tâm tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở Trung Quốc.
Vừa qua, trung tâm cũng đón một số đoàn đến từ trường đại học ở Trung Quốc sang làm việc và trao đổi về công tác chuyên môn. Do đó, việc đào tạo người học sẽ được sát với thực tiễn, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Nên có thêm chính sách hỗ trợ cho giảng viên đối với những ngành học phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội
Cũng theo thầy Đăng, chính vì là ngành học hot nên một số cơ sở đào tạo hiện nay tương đối gặp khó trong việc tuyển dụng giảng viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc bởi các trường đều đang cố gắng đưa ra cách để thu hút giảng viên trình độ cao cho ngành học này.
Bởi có nhiều người học năng lực tốt, đủ điều kiện để làm giảng viên nhưng khi trường mời ở lại cũng không muốn do mức lương được chi trả từ các trường đại học công lập khó so được với các khu công nghiệp, tập đoàn,...
Tuy nhiên, thầy Đăng cũng cho rằng, mỗi ngành nghề đều có những ưu, nhược điểm riêng. Ngay ở ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của nhà trường, các thầy cô ngoài việc giảng dạy có thể làm thêm các dự án, dịch thuật, hội thảo bên ngoài để tăng thu nhập.
Để có phát triển tốt hơn nữa ngành học này, thầy Đăng mong rằng, nhà nước nên có thêm các chính sách ưu tiên như hỗ trợ học bổng, hỗ trợ cho giảng viên đối với một số ngành phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội, của đất nước hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Cũng đồng tình với quan điểm trên về việc các trường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hà Tĩnh bày tỏ, khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên chất lượng với đa số là thạc sĩ học từ Trung Quốc về, 2 tiến sĩ và một số giảng viên đang học nghiên cứu sinh ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, số lượng giảng viên hiện tại của ngành học vẫn chưa đáp ứng đủ bởi muốn tuyển thêm cũng rất khó vì lương không cao bằng bên ngoài; số người đi học thạc sĩ, tiến sĩ để giảng dạy tiếng Trung tại địa bàn Hà Tĩnh cũng rất ít. Năm nay, sau khi đăng thông báo tuyển dụng, khoa cũng chỉ nhận được 1 hồ sơ.
Hiện nay, khoa đang thu hút giảng viên cho ngành học này từ 2 nguồn: người có trình độ đáp ứng chuyên môn với bằng cấp tối thiểu là thạc sĩ từ bên ngoài; sử dụng nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của ngành để đào tạo tiếp lên trình độ cao hơn.
Mặt khác, thầy Đức cho biết thêm, hiện khoa cũng chưa có mã ngành đào tạo sau đại học đối với Ngôn ngữ Trung Quốc do nhu cầu người học sau khi tốt nghiệp cử nhân chủ yếu đi làm ngay chứ không muốn học lên trình độ cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://s.net.vn/IjGf