Ngành Nhật Bản học: Nhiều SV đi thực tập đã có thu nhập, cơ hội xuất ngoại lớn
Các ngành đào tạo tiếng Nhật như Nhật Bản học, Ngôn ngữ Nhật Bản thu hút nhiều thí sinh vì cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty Nhật Bản trong và ngoài nước.
Hiện nay, xu hướng hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam khiến các ngành ngôn ngữ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhất là các ngành học liên quan đến tiếng Nhật như: Ngôn ngữ Nhật Bản, Nhật Bản học, Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản…
Bên cạnh việc đào tạo về ngôn ngữ với đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), các ngành về tiếng Nhật còn cung cấp các kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người của đất nước Nhật Bản. Điều này cũng làm tăng thêm chất lượng đào tạo, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Chương trình đào tạo các ngành về ngôn ngữ Nhật tại các trường đại học
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Thường - Phó Trưởng khoa Đông Phương học, Trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ: Ngành Nhật Bản học là một trong bốn ngành của Khoa Đông Phương học - Trường Đại học Lạc Hồng. Với ngành học này, sinh viên được đào tạo kiến thức chuyên môn như nghe, nói, đọc, viết, biên phiên dịch, tiếng Nhật thương mại. Sinh viên được học trực tiếp với chuyên gia người bản xứ và những giảng viên có kinh nghiệm được đào tạo ở Nhật Bản.
Bên cạnh việc được đào tạo kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được học các kỹ năng, nghiệp vụ như: nghiệp vụ thư ký, hành chính quản lý văn phòng, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng số…
Cũng theo cô Thường, nhà trường liên kết đào tạo với nhiều trường đại học ở Nhật Bản, tạo cơ hội du học cho sinh viên với các học bổng toàn phần, bán phần, học bổng liên kết và chương trình đào tạo 3+2 (3 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Nhật Bản, khi tốt nghiệp sinh viên nhận 2 bằng đại học).
Giai đoạn 2021-2024, nhà trường đã có 25 sinh viên tham gia các chương trình du học bằng các học bổng: học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản (Mext), học bổng sinh viên trao đổi; học bổng liên kết tại các trường đại học của Nhật Bản như: Đại học Quốc tế Kobe (10 sinh viên), Đại học Aomori (2 sinh viên), Trường Đại học nữ Kwassui (6 sinh viên), Học viện Kamimura (1 sinh viên), Trường Cao đẳng Kinh doanh toàn cầu Wakayama (2 sinh viên), Đại học Kanazawa (1 sinh viên), Đại học Okayama (2 sinh viên), Trường Nhật ngữ Language (1 sinh viên).
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Trà - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế cho hay: “Trường Đại học Ngoại ngữ có triết lý và sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao năng lực ngoại ngữ và tri thức văn hóa của người Việt Nam, trước hết là những người dân miền Trung và Tây Nguyên, và người nước ngoài vì sự hiểu biết và gắn kết các dân tộc trên toàn thế giới”. Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản thông qua chương trình đào tạo để cụ thể hóa các sứ mệnh này.
Đối với ngành Ngôn ngữ Nhật Bản, nhà trường đào tạo sinh viên có kỹ năng sử dụng thành thạo tiếng Nhật ở bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Đồng thời, sinh viên còn được học thêm các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hội nhập như kỹ năng thuyết phục, đàm phán, và năng lực quản lý.
Thông tin về việc thực hành, thực tế của sinh viên ngành Nhật Bản học tại trường, Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Thường cho biết: Khi học ngành Nhật Bản học, 100% sinh viên đều được thực hành tiếng trực tiếp với người bản xứ. Tỷ lệ sinh viên học với người bản xứ chiếm 40% số tiết trong chương trình đào tạo. Ngoài ra sinh viên được tham gia các câu lạc bộ cùng người Nhật như câu lạc bộ Kaiwa, câu lạc bộ MC tiếng Nhật, cuộc thi hùng biện tiếng Nhật tại Trường Đại học Lạc Hồng, giao lưu giữa sinh viên ngành Nhật Bản học với sinh viên trường đại học ở Nhật Bản…
Trong câu lạc bộ nói tiếng Nhật, sinh viên được thực hành nói cùng với các khách mời người Nhật đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Sinh viên tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Nhật có cơ hội thực hành tiếng, giao lưu học hỏi cùng với các trường khác như các trường đại học khu vực phía nam có đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh,…
Mỗi năm nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Lễ hội mùa hè, Workshop Yukata, ngày hội ẩm thực Nhật Việt, rung chuông vàng, trải nghiệm trà đạo, gấp giấy Origami, tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên các ngành liên quan đến tiếng Nhật với khách mời người Nhật, sinh viên các trường đại học của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham quan doanh nghiệp, trải nghiệm mô hình làm việc thực tế. Sinh viên sẽ được tham quan doanh nghiệp Nhật Bản 2 lần/năm. Ngoài ra, các bạn còn được đào tạo và thực hành kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa doanh nghiệp ngay trong quá trình học giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp không bị bỡ ngỡ với môi trường thực tế. Bên cạnh đó, các bạn còn được học nghiệp vụ thư ký, nghiệp vụ xuất nhập khẩu Logistic, được học các kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng quản lý tài chính,...
Văn phòng ngành Nhật Bản học có phòng trà đạo và phòng tư liệu Nhật Bản phục vụ sinh viên trải nghiệm văn hóa và tra cứu tài liệu học tập. Phòng trà đạo là nơi cho sinh viên trải nghiệm văn hóa trà đạo Nhật Bản. Sinh viên có thể vào tự do để tham quan và trải nghiệm. Sinh viên có thể đọc sách, tự học tại phòng tư liệu Nhật Bản.
Ngoài ra, các bạn có thể thực hành tiếng Nhật qua các công việc như dịch truyện anime, đi dạy thêm tiếng Nhật hoặc tham gia thông dịch các sự kiện. Điều này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện khả năng giao tiếp mà còn tạo ra thu nhập phụ và mở rộng mạng lưới kết nối trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản.
Cô Thường cũng cho biết thêm, nhà trường còn hợp tác với nhiều hiệp hội và công ty Nhật Bản về chương trình thực tập có lương, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tiếng và trải nghiệm công việc thực tế tại Nhật Bản và được hưởng thu nhập trung bình 14 triệu đồng/ tháng (sau khi đã trừ các khoản chi phí nhà ở, thuế, bảo hiểm).
Tính đến tháng 4/2024, ngành Nhật Bản học đã có hơn 300 sinh viên tham gia chương trình thực tập có lương tại Nhật Bản. Có nhiều chương trình để các bạn sinh viên lựa chọn như thực tập 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Sinh viên từ năm 2 đã có thể tham gia chương trình thực tập với năng lực tiếng Nhật trình độ N4. Một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản cũng yêu cầu tiếng Nhật trình độ N3.
Sinh viên đăng ký tham gia chương trình thực tập có lương tại Nhật sẽ được khoa và hiệp hội hỗ trợ luyện giao tiếp, học ôn trước khi sang Nhật thực tập. Trong đó có lớp học văn hóa lễ nghi ứng xử Nhật Bản, được đào tạo về phong cách làm việc trong công ty Nhật, được đào tạo kỹ năng báo cáo mail bằng tiếng Nhật, được rèn luyện phỏng vấn, tác phong đứng ngồi khi phỏng vấn, được giải thích kỹ hơn về chương trình, nơi làm việc, cuộc sống bên Nhật. Đồng thời, sinh viên còn được các công ty, hiệp hội cử giảng viên giảng dạy, tập huấn về các nội dung công việc tại nơi thực tập (nhà hàng, khách sạn…).
Còn với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Trà cho biết: Trong 3 năm gần đây nhà trường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản có cơ hội rút ngắn thời gian tích lũy tín chỉ toàn khóa và tăng thời gian thực tập ở các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là tại Nhật Bản từ 6 tháng đến 1 năm trong các lĩnh vực phù hợp với ngành và chuyên ngành được đào tạo.
Trong quá trình thực tập, sinh viên có thể vừa học hỏi, thực hành được tiếng Nhật để nâng cao trình độ tiếng Nhật, vừa có thể học hỏi thêm văn hóa, cách ứng xử trong giao tiếp, trong công việc… làm hành trang cho công việc sau này. Các sinh viên thực tập tại Nhật Bản có cơ hội cao quay trở lại làm việc tại Nhật hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản trong nước sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, cô Trà cũng thông tin thêm, nhà trường luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đội ngũ giảng viên có điều kiện đi học trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, có cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa của Nhật Bản để có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu.
Hàng năm trường đều trang bị và cập nhật mới các trang thiết bị, học liệu, cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Trong năm 2023, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế đã trang bị mới 1 phòng studio chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyên biệt của dạy và học ngoại ngữ cùng hệ thống đào tạo trực tuyến và quản lý học tập trực tuyến (LMS) từ 2019 để nâng cao chất lượng phục vụ người học.
Cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập lên tới 40 triệu đồng/tháng nếu làm ở Nhật
Theo Phó Trưởng Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Lạc Hồng, cử nhân tốt nghiệp các ngành liên quan đến tiếng Nhật như: Ngôn ngữ Nhật Bản hay Nhật Bản học có cơ hội việc làm rất đa dạng. Theo đó, các bạn có thể làm việc tại:
Các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của Nhật Bản;
Cơ quan có sử dụng tiếng Nhật ở Việt Nam hoặc ở các nước sở tại và các cơ quan thông tấn, báo chí; các khu du lịch, trường học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm nghiên cứu...
Chuyên viên marketing, tổ chức sự kiện, giao dịch thương mại tại các công ty 100% vốn Nhật Bản hay liên doanh với Nhật Bản hoặc các vị trí: Chuyên viên dịch thuật, cán bộ ngoại giao, giám đốc, trợ lý, thư ký, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch...
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Trà cho rằng: "Hầu hết sinh viên nhà trường tốt nghiệp đều có việc làm ổn định ở các công ty tại Nhật Bản, Việt Nam, các cơ quan nhà nước, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học cơ sở, trung học phổ thông…
Đặc biệt, rất nhiều cựu sinh viên nhà trường đã có công việc ổn định tại Nhật Bản, hoặc đang theo học lên bậc cao hơn. Nhìn chung đầu ra cho sinh viên học ngành Ngôn ngữ Nhật Bản khá ổn định và sinh viên ra trường có tỷ lệ làm việc cao".
Anh Lê Văn Toàn - cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản, Trường Đại học Lạc Hồng, hiện là lãnh đạo Công ty cổ phần FASTMAN - chuyên cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các xí nghiệp tại Nhật Bản chia sẻ: "Mức lương trung bình của các bạn tốt nghiệp các ngành về tiếng Nhật như: Ngôn ngữ Nhật Bản hay Nhật Bản học theo như kinh nghiệm của tôi thì dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng tùy theo bằng cấp Nhật ngữ. Nếu có cơ hội được làm việc tại Nhật thì mức lương trung bình dao động từ 23-25 man tùy theo năng lực Nhật Ngữ (lương trước thuế, tương đương khoảng 37 - 40 triệu đồng)".
Anh Toàn cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên ngoài kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật tốt, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần chú trọng các kỹ năng như:
Thành thạo kỹ năng tin học: hầu hết các doanh nghiệp tuyển nhân viên biết tiếng Nhật đều yêu cầu các kỹ năng tin học văn phòng như: thành thạo word, excel, powerpoint… Đây là điều kiện cần để các bạn vượt qua được vòng xét hồ sơ.
Kỹ năng thuyết trình trước đám đông: đây là kỹ năng mà nhà tuyển dụng Nhật rất quan tâm. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật hay Nhật Bản học khi ra trường thường được các công ty Nhật tuyển các vị trí cần sự hoạt bát và có khả năng ăn nói như nhân viên tổng vụ, phiên dịch viên, thư ký, trợ lý…
Nâng cao hơn nữa, các bạn có thể học thêm một ngôn ngữ khác như tiếng Anh hoặc tiếng Trung, vì hiện nay doanh nghiệp Nhật thường có xu hướng toàn cầu hóa rất nhiều như Nhật - Trung, Nhật - Anh, Nhật - Việt - Anh… Nếu vừa giỏi tiếng Nhật và biết thêm một ngôn ngữ khác là một lợi thế rất lớn.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo
Chia sẻ về những thuận lợi trong quá trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật Bản, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho hay: Nhà trường sở hữu đội ngũ giảng viên có chuyên môn, nhiệt huyết, đồng lòng và luôn quan tâm đến sự phát triển chung của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm phát triển ngành đào tạo và đội ngũ chuyên môn.
Cán bộ giảng viên của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản đa số đều trẻ, năng động, nhiệt tình trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, đa số được đào tạo sau đại học tại Nhật Bản trở về.
Thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực lao động chất lượng cao thông thạo tiếng Nhật nên nhu cầu của người học đối với tiếng Nhật là khá lớn.
Trường cũng như Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản, tổ chức JICA, Hiệp hội nghiên cứu giảng dạy tiếng Nhật,... trong phái cử giảng viên, trong tổ chức các diễn đàn trao đổi học thuật phát triển nghiệp vụ cho giảng viên, trong các hoạt động trao đổi văn hóa cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo cô Trà, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn như: Nhiều giảng viên đang trong quá trình tiếp tục phấn đấu học cao hơn để lấy bằng tiến sĩ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được xác định dựa trên năng lực đội ngũ nên hiện nay chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Ngôn ngữ Nhật còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được hết nhu cầu của người học.
Bên cạnh đó, tiếng Nhật là 1 ngôn ngữ khó đối với người Việt Nam do hệ thống chữ viết khác biệt và phức tạp. Ngoài ra, khác với các ngoại ngữ truyền thống như tiếng Anh, tiếng Nhật chưa được giảng dạy phổ biến ở bậc phổ thông nên nhiều sinh viên vào trường mới bắt đầu học tiếng Nhật đã gặp nhiều khó khăn và cần nỗ lực lớn mới có thể học tốt được ngôn ngữ này.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Thường thông tin: Trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết với 1.057 doanh nghiệp trong và ngoài nước để bố trí việc làm, thực tập cho sinh viên. Trong đó, riêng ngành Nhật Bản học đã ký kết MOU, MOA với khoảng gần 100 doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp này đều cam kết hỗ trợ: Tiếp nhận sinh viên thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp; Cung cấp cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; Hỗ trợ sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, hội nghị do doanh nghiệp tổ chức; Sinh viên sau khi ra trường cam kết có việc làm...
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thuận lợi vì sở hữu đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu tại Nhật Bản cùng với các giảng viên người bản xứ giảng dạy trực tiếp cho sinh viên. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất của trường tương đối hiện đại từ hệ thống máy móc, trang thiết bị đến các giáo trình, tài liệu, sách báo, tạp chí, từ điển tiếng Nhật phục vụ giảng viên và sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, theo cô Thường khó khăn lớn nhất hiện nay của trường trong quá trình đào tạo là nhiều sinh viên vào đại học mới bắt đầu học tiếng Nhật nên các em còn nhiều bỡ ngỡ, giảng viên giảng dạy phải đầu tư nhiều tâm huyết.