Ngành nông, lâm, thủy sản mang về hơn 38 tỷ USD nhờ xuất khẩu
Theo đó, trong vòng 9 tháng qua, ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 38 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Trong quý 4/2023 dự kiến sẽ còn tăng trưởng cao hơn.
Theo báo cáo trong 9 tháng qua ngành nông nghiệp đã thu về 38 tỷ USD thông qua xuất khẩu với đa dạng các mặt hàng từ thủy sản, nông sản đến các sản phẩm lâm sản. Tuy vẫn giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng sức bật mạnh mẽ của một số ngành hàng đã cho thấy nhiều lợi thế tăng tốc trong quý IV.
Trong khi thủy sản và lâm sản vẫn duy trì mức giảm khoảng 20% so với cùng kỳ, giá trị các mặt hàng nông sản có mức tăng mạnh nhất, đạt gần 20 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm ngoái. Điều này là do có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao được xuất khẩu tăng mạnh.
Rau quả, gạo, cà phê... là những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế để tăng tốc cả về lượng và giá trị. Trong 9 tháng qua, riêng mặt hàng rau quả đã đạt gần 4,2 tỷ USD - tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông sản Việt tăng cả lượng và giá trị
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là 2 ngành chủ lực là thủy sản và lâm nghiệp vẫn duy trì mức giảm. Tuy nhiên, ở nhiều ngành hàng khác, nông sản Việt đang có xu hướng tăng cả về lượng và giá trị.
Với giá trị kim ngạch đạt hơn 3,6 tỷ USD, gạo là mặt hàng đã có mức tăng về giá trị hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.
Mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD đã không còn quá xa vời. (Ảnh: TTXVN)
Ở phân khúc cao cấp, một số doanh nghiệp đã bán gạo thơm với giá 1.100 - 1.500 USD/tấn. Mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD đã không còn quá xa vời, nhưng đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp liên kết theo chuỗi chặt chẽ hơn nữa.
"Chuỗi xuất khẩu gạo của Việt Nam đâu đó vẫn có nút thắt. Việc liên kết giữa canh tác sản xuất trồng lúa với sự tiêu thụ của doanh nghiệp phải gắn chặt chẽ với nhau. Đây là việc tối quan trọng để chúng ta tận dụng được của việc giá gạo tăng trên thế giới", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định.
Chỉ trong 7 tháng, quả sầu riêng đã đem về 1 tỷ USD. Ngành rau quả cũng tiến ngày càng sát mốc kỳ vọng 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm. Sau sầu riêng, dừa sẽ tiếp tục là trái cây tỷ đô khi thị trường Mỹ và Trung Quốc được mở chính thức. Lúc này nhiều nông dân đang phấn khởi bắt tay cải tạo lai vườn, áp dụng các biện pháp canh tác sạch để sẵn sàng cho xuất khẩu.
Cùng với gạo, trái cây, cà phê Việt cũng giữ giá ở mức cao, có thời điểm lên mức 2.828 USD/tấn, giá trung bình 9 tháng là 2.455 USD/tấn. Sau 9 tháng ngành hàng cà phê đã đem về 3,1 tỷ USD, giảm hơn 7% về lượng, nhưng tăng gần 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ nay đến tháng 12, vùng cà phê lớn là Tây Nguyên và Tây Bắc sẽ bước vào thu hoạch. Với nguồn cung dự kiến khoảng 29 triệu bao. Cà phê Việt Nam đang được thế giới đón nhận.
"Do thời vụ của các nước khác chưa tới, sản lượng đưa ra thị trường còn thấp. Thứ hai là chất lượng của cà phê Việt Nam đã tăng lên khá cao trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó do truy xuất nguồn gốc tốt, nên các thị trường khó tính họ rất thích sản phẩm có truy xuất nguồn gốc", ông Phan Thanh Bình, Viện Khoa học kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết.
Vấn đề đặt ra cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu trong quý IV đó là phải tiếp tục duy trì kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định của nước nhập khẩu.
Những tín hiệu tích cực từ một số ngành hàng đã góp phần củng cố mục tiêu 54 - 55 tỷ USD giá trị kim ngach xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có sự phối hợp để điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.