Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Như Báo Hànôịmới đã đưa tin, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I-2021 của thành phố Hà Nội ước đạt 2,51%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Với bước tạo đà quan trọng này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, đạt mục tiêu 4,2% cho cả năm 2021.
Việc tăng diện tích rau màu, cây ăn quả đã giúp thị trường nông sản Hà Nội luôn ổn định trong quý I-2021. Trong ảnh: Chăm sóc cây giống dưa lưới tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm
Kết quả đáng ghi nhận
Giải thích nguyên nhân giúp tăng trưởng khả quan 2,51% trong quý I-2021 (cùng kỳ giai đoạn 2018-2020 lần lượt là 2,04%, 2,57%, âm 1,17%), Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những tháng đầu năm 2021, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lúa và cây màu sinh trưởng tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát. Cùng với đó là sự chuyển hướng sản xuất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thị trường một cách kịp thời của cả ngành cùng các địa phương.
Ông Chu Phú Mỹ phân tích thêm, việc tăng đàn gia cầm, tăng diện tích rau màu, cây ăn quả đã giúp thị trường nông sản Hà Nội luôn ổn định, không chịu sức ép từ dịch Covid-19. Mặt khác, việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tập trung tái đàn lợn cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng của nông nghiệp Thủ đô. Cụ thể, đàn lợn tăng 18,2%, đàn gia cầm tăng 5,4%, sản lượng thủy sản tăng 2,9% so với quý I-2020.
Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thông tin, vụ xuân năm 2021, toàn huyện gieo trồng 866ha các loại, tăng 10ha so với vụ xuân năm 2020, tập trung vào các loại rau ăn lá có giá trị cao; đồng thời đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn lợn, gà, trâu, bò và gia cầm… Đến nay, đàn lợn của huyện đã lên tới 43.452 con, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước...
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, thế mạnh trong sản xuất vụ xuân của Thanh Oai là lúa chất lượng cao và rau màu. Tính đến thời điểm này, toàn bộ cây trồng vụ xuân đã được gieo trồng bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, dự kiến năng suất sẽ cao hơn vụ xuân năm 2020; đàn lợn của huyện hiện là 32.568 con, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020...
Tuy nhiên, ông Chu Phú Mỹ cảnh báo, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong khi trên địa bàn thành phố chưa có nhiều cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có xu hướng tăng; bất cập trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa được cơ bản tháo gỡ; sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng tỷ lệ chế biến sản phẩm còn hạn chế... Đây là những rào cản đối với mục tiêu tăng trưởng đạt 4,2% trong năm 2021 mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đề ra.
Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang
Chủ động giải pháp
Để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các địa phương, cơ quan quản lý đều cho rằng, sản xuất phải chủ động bám sát thị trường tiêu thụ, tăng cường xây dựng mới và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ đang hoạt động…
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng cho biết, công ty sẽ ưu tiên xây dựng phương án cung ứng nông sản để liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân trong bối cảnh thị trường dự báo tiếp tục có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Về phía địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phương chia sẻ, huyện sẽ tập trung rà soát đôn đốc, hướng dẫn các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp để hình thành các mô hình có giá trị kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, cùng với việc tập trung chăm sóc vụ xuân, Trung tâm sẽ cùng các địa phương sớm lên kế hoạch cho vụ mùa, vụ đông và có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tình hình sản xuất; đồng thời tăng cường triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các giải pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan dịch bệnh. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, rau màu ngắn ngày; mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao...
Với lĩnh vực chăn nuôi, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín, Sở sẽ tập trung xây dựng các mô hình chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng điểm, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ là đơn vị đi đầu. Sở cũng sẽ từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Bên cạnh đó, đưa diện tích nuôi trồng thủy sản lên 24.000ha, chuyển diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả ở một số địa phương sang mô hình kết hợp “cá - lúa” hoặc “chuyên cá” với hình thức “ao nổi”...
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết thêm, song song với công tác triển khai các giải pháp cho từng lĩnh vực (cây trồng, vật nuôi, thủy sản...), Sở sẽ đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội để có phương án bảo đảm nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, qua đó giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong quý II cũng như cả năm 2021.