Ngành nông nghiệp khẩn trương ứng phó với bão số 3 và mưa lớn

Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thu hoạch, bảo vệ lúa, hoa màu, thủy sản...; thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập.

Lưc lượng Bộ đội Biên phòng Cô Tô kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: TTXVN

Lưc lượng Bộ đội Biên phòng Cô Tô kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: TTXVN

Trước những dự báo về bão số 3, mưa từ khoảng đêm 6 đến sáng 9/9 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng to, cục bộ, có nơi mưa rất to, các đơn vị chức năng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhanh chóng chỉ đạo với các giải pháp ứng phó.

Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Bộ, hiện dung tích bình quân của các hồ thủy lợi đạt từ 80 - 96% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa đang vận hành xả tràn như: hồ Tràng Vinh với lưu lượng xả 20 m3/s; Hồ Yên Lập là 30 m3/s (Quảng Ninh). Hiện khu vực này cũng đang có 129 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng; 26 hồ chứa đang thi công.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ thủy lợi đạt từ 46 - 65% dung tích thiết kế. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đang vận hành xả tràn với lưu lượng 20 m3/s. Khu vực này cũng có 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng; 52 hồ chứa đang thi công.

Với các hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hồ Cửa Đạt đạt 57% dung tích thiết kế; hồ còn 839,28 triệu m3 để trữ lũ; hồ Ngàn Trươi đạt 21% dung tích thiết kế; hồ còn 615,09 triệu m3 để trữ lũ; hồ Tả Trạch đạt 18% dung tích thiết kế; hồ còn 674,67 triệu m3 để trữ lũ.

Trước tình hình trên, Cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các đơn vị khai thác công trình thủy lợi; ban quản lý các dự án theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập...

Các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.

Địa phương xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước.

Các đơn vị vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Địa phương thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Hồ chứa thủy điện Bản Vẽ thực hiện việc cắt lũ hiệu quả cho vùng hạ du. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Hồ chứa thủy điện Bản Vẽ thực hiện việc cắt lũ hiệu quả cho vùng hạ du. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-nong-nghiep-khan-truong-ung-pho-voi-bao-so-3-va-mua-lon/345793.html