Ngành Nông nghiệp: Quyết tâm vượt khó trong năm mới

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Chờ vụ mới. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Chờ vụ mới. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Năm 2022, mặc dù diễn biến thời tiết không được thuận lợi, tác động của thị trường do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng nhờ chính sách quản lý tốt nên sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định về diện tích gieo trồng và sản lượng cây trồng chủ yếu.

Tỉnh triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra giá vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước. Hạ tầng thủy lợi tưới tiêu phục vụ nông nghiệp được đầu tư mở rộng. Ngành chăn nuôi tiếp tục khởi sắc là động lực tăng trưởng chính, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi sản xuất đã bắt đầu hoạt động...

Với phương châm người Việt dùng hàng Việt, từ nguồn nguyên liệu chủ lực là sâm bố chính- còn được gọi là “sâm tiến vua” của người Việt Nam, Công ty cổ phần Bà Đen Farm (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) đã nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất thành công và giới thiệu ra thị trường các dòng sản phẩm phục vụ hỗ trợ tăng cường lợi ích sức khỏe cho người sử dụng.

Trong năm 2022, công ty đưa ra thị trường các sản phẩm như: trà túi lọc, bột sâm, sâm sấy lát, trà bông sâm, rượu sâm các loại đã được thị trường trong nước chấp nhận; doanh thu tăng trưởng 15% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty liên kết với bà con nông dân mở rộng vùng trồng hơn 10 ha; đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà hàng ẩm thực Sâm Bà Đen, đánh dấu sự khởi đầu mới trên con đường mang sản phẩm thiên nhiên kết hợp cùng đặc sản địa phương mang lại giá trị dinh dưỡng cho thực khách.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh- Giám đốc công ty cho biết: “Năm 2023, chúng tôi tiếp tục các hoạt động quảng bá cây nhân sâm Việt đến người tiêu dùng như tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm nhà phân phối, đại lý cùng hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời liên kết với bà con nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh”.

Còn với Hợp tác xã Nhà (thị xã Hòa Thành), trong năm 2022, HTX đã thành lập chi nhánh ở Tân Châu là điểm trung chuyển và quản lý hàng hóa, nhân sự phục vụ nấu suất ăn bán trú tại 18 cơ sở trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn huyện Tân Châu, Tân Biên. Ngoài ra, HTX chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng làm việc, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công việc cho toàn thể thành viên HTX.

Anh Nguyễn Văn Nghiệp- Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: “Mới đây, hợp tác xã ra mắt trang trại với diện tích 8.000m2 ở khu phố Sân Cu, phường Long Thành Bắc. Trang trại được đầu tư theo từng giai đoạn, vừa hoạt động vừa nâng cấp, trong đó, 50% diện tích để trồng rau ăn lá và rau ăn quả; có dựng lều che mát và phục vụ nước uống, đồ ăn để khách tham quan, vui chơi các môn thể thao: bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng. …

Sắp tới, hợp tác xã sẽ mở rộng trang trại trồng rau thủy canh aquaponics tại khu phố Sân Cu; hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giấy chứng nhận rau an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR; đồng thời cải thiện quy trình làm việc, nâng cao năng lực thành viên, áp dụng công nghệ thông tin trong bán hàng và chăm sóc khách hàng”.

Theo chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ, ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, dịp tết năm nay, chị cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn mãng cầu. Từ rằm tháng 8, gia đình chị đã bắt đầu làm trái và từ 23 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp là thời gian thu hoạch.

“Năm vừa qua, nền kinh tế có những khó khăn chung do mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, diễn biến thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, nông dân cố gắng duy trì sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng.

Mong rằng Nhà nước, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và là cầu nối để nông dân tiếp cận các chính sách về nông nghiệp”- chị Thơ chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 được xem là năm nền tảng, động lực phát triển của cả giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp có những cơ hội để phát triển, cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Có thể kể đến như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu; Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng...

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Tây Ninh vốn có nhiều lợi thế về thời tiết khí hậu, đất đai, kinh nghiệm sản xuất. Nền sản xuất nông nghiệp dần được phục hồi và là một trong các địa phương đang thu hút đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn- nhất là trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn đã được ban hành và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Các tiến bộ khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số được đưa vào sản xuất, chế biến ngày càng nhiều và càng được người dân chú trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế với các nước sau đại dịch Covid-19, quan hệ đối ngoại của cả nước được củng cố và mở rộng nên có nhiều tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu, cũng là cơ hội mở rộng thị trường cho các ngành hàng nông nghiệp của tỉnh”.

Bên cạnh những cơ hội, ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đối mặt với những thách thức như: thiên tai, biến đổi khí hậu, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên người và trên cây trồng, vật nuôi; chuyển dịch cơ cấu lao động dẫn đến tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi phải nâng cao trình độ cơ giới hóa, công nghệ tự động hóa và chất lượng nguồn nhân lực; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu; tình hình chính trị thế giới, lạm phát kinh tế toàn cầu dẫn đến giá các mặt hàng thiết yếu, chiến lược (xăng dầu, khí đốt, lương thực, vật tư nông nghiệp…), nguyên vật liệu sản xuất trong nước tăng mạnh, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước cũng như của tỉnh.

“Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2023 có nhiều khó khăn, cần phải có sự thay đổi về định hướng, công nghệ, loại hình tổ chức, thích ứng nhanh sản xuất theo kịp với xu hướng thị trường… đồng thời để đạt các mục tiêu đề ra cần có sự nỗ lực phấn đấu và sự chung tay của tập thể cán bộ ngành Nông nghiệp, chính quyền cấp huyện, xã, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và nông dân tỉnh nhà”- ông Xuân nhận định.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, đó là: xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao thông qua Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, phấn đấu GRDP ngành đạt 22.000 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng trên 2%. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; có thêm từ 15-20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên rừng, trong đó, chú trọng các dự án trọng điểm: Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 2); sửa chữa hồ Tha La- huyện Tân Châu; trạm bơm Tân Long- huyện Châu Thành. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (phấn đấu chuyển đổi 1.500 ha cây trồng).

Trồng rau thủy canh ở Hợp tác xã Nhà (phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành)

Phát triển mạnh khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành và phát huy hiệu quả công tác khuyến nông. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng, chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành.

“Dự báo trong năm 2023, nông nghiệp Tây Ninh sẽ có bước phát triển thuận lợi: Mặt hàng khoai mì, rau củ quả, nhất là sầu riêng và mãng cầu cho thu nhập cao. Tổ yến là mặt hàng mới dự báo đem lại thu nhập tốt cho người dân khi đường sang Trung Quốc đã được mở; năm nay sẽ có hơn 1.000 nhà yến đi vào hoat động trên địa bàn tỉnh, mỗi nhà có thể thu bình quân 20 ký yến trị giá gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, khoảng 30 trại chăn nuôi lớn sẽ hoạt động, giúp ngành chăn nuôi phát triển ở mức trên 10%...”.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT

Trúc Ly - Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nganh-nong-nghiep-quyet-tam-vuot-kho-trong-nam-moi-a154393.html