Ngành Ô tô: Kỳ vọng sáng hơn trong những tháng cuối năm
Chính sách giảm 50% thuế trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7/2023 cùng lãi suất giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua xe ô tô trong những tháng cuối năm 2023.
Triển vọng tăng doanh số từ "chính sách đệm"
Theo báo cáo chuyên ngành của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh số bán ô tô yếu trong nửa đầu năm 2023, chỉ đạt 91.807 chiếc, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 32,1% so với thời điểm cuối năm 2022. Nguyên nhân chính khiến sức tiêu thụ yếu là lạm phát có xu hướng gia tăng, lãi suất tăng cao hoặc nhu cầu tiết kiệm dồn nén, lãi suất cho vay cao hơn.
Doanh thu của các nhà phân phối ô tô như Haxaco (HSX: HAX) hay City Auto (HSX: CTF) sụt giảm do điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Hơn nữa, lợi nhuận ròng của các công ty này tăng trưởng âm do phải chi một khoản lớn vào chi phí bán hàng để kích thích doanh số bán ô tô.
Trong quý IV/2022, các nhà phân phối ô tô đã tăng lượng hàng tồn kho để chuẩn bị cho kỳ kinh doanh năm 2023. Vì ô tô là loại hàng hóa có xu hướng mất giá nhanh theo thời gian nên các nhà phân phối ô tô phải tối ưu hóa lượng ô tô tồn kho trong môi trường nhu cầu yếu. Điều này dẫn tới chi phí bán hàng tăng cao.
Hình 1: Doanh số bán ô tô đã có sự cải thiện từ tháng 6/2023
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, bức tranh những tháng cuối năm 2023 sẽ đảo ngược so với những tháng trước khi áp lực kinh tế đã dịu bớt. Doanh số bán hàng sẽ được hỗ trợ bởi các "chính sách đệm" và sự phục hồi kinh tế vĩ mô.
Theo đó, những "chính sách đệm" nổi bật hỗ trợ ngành ô tô có thể kể đến như: Giảm 50% phí trước bạ ô tô đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7/2023 theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP; Lộ trình giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Bên cạnh đó, việc hoàn thành các dự án hạ tầng đường bộ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh nhu cầu di chuyển, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô.
Trên thực tế, doanh số bán ô tô đã cho thấy tín hiệu phục hồi trong tháng 6 và tháng 7/2023 khi các nhà phân phối ô tô đẩy mạnh nhiều chiến dịch khuyến mãi khác nhau để thúc đẩy doanh số bán hàng. Doanh số bán hàng mạnh mẽ trong trong tháng 7/2023 đạt 16.682 chiếc, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã tăng 6,7% so với tháng 6/2023.
Cổ phiếu "sáng cửa"
Chuyên gia phân tích của VDSC cho biết, định giá cổ phiếu ô tô Việt Nam đang thể hiện xu hướng đi ngang so với đầu năm 2023 trong môi trường thông tin ảm đạm. Dựa trên triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2023, định giá sẽ có chuyển biến tích cực.
Trong số các nhà phân phối ô tô niêm yết, VDSC cho rằng, HAX là một điểm sáng nhờ khả năng tối ưu hóa biên lợi nhuận gộp. Công ty này đã chủ động kiểm soát chi phí đầu vào khiến tỷ suất lợi nhuận gộp dao động trong biên độ hẹp.
Biên gộp của HAX cũng đứng ở vị trí cao nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Theo đó, Công ty sẽ có nhiều dư địa hơn để cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong giai đoạn kinh tế phục hồi.
Hình 2: Doanh thu HAX, CTF, PTB (mảng phân phối Toyota) (tỷ đồng).
Doanh số bán hàng nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn gấp đôi so với nửa đầu năm 2023, được thúc đẩy bởi quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ. Trong giai đoạn 2012-2022, bất chấp đại dịch COVID-19, doanh số bán hàng mỗi năm của HAX đều có xu hướng tăng, cho thấy nhu cầu mua xe Mercedes tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao qua các chu kỳ kinh tế. Vì vậy, người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ mạnh tay chi tiền để sở hữu ô tô khi giá bán ô tô giảm.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, HAX đã giảm nợ ngắn hạn và hoàn thành chuyển đổi trái phiếu chuyến đổi thành cổ phiếu, dẫn tới chi phí lãi vay sẽ giảm trong nửa cuối năm, cộng thêm khoản hoa hồng từ Tập đoàn Mercedes-Benz trong năm 2023.
Trong bối cảnh nhu cầu tăng, các công ty phân phối ô tô, bao gồm HAX, sẽ không phải bỏ ra khoản tiền lớn cho chi phí bán hàng, từ đó tạo ra dòng tiền cho lợi nhuận ròng. Vì vậy, VDSC tin rằng, HAX sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao hơn so với các công ty khác trong ngành.