Ngành phân bón thêm động lực
Từ tháng 7/2025, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón có sự thay đổi từ không chịu thuế sang chịu thuế 5%. Các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (urê, lân) và phân DAP được đánh giá sẽ hưởng lợi từ chính sách này.

Ngành phân bón Việt Nam có dư địa tăng trưởng
Động lực chính sách thuế VAT
Ngành phân bón đang có sự tăng trưởng khả quan nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu, nhấn mạnh vào các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường.
Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường phân bón Việt Nam ước tính đạt 3,44 tỷ USD năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 4,20 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,38%.
Triển vọng ngành phân bón Việt Nam được hỗ trợ khi nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung có dấu hiệu bị thắt chặt (Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu), giá bán phân bón có khả năng duy trì sự ổn định, giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này tăng trưởng.
Cùng với triển vọng thị trường, ngành phân bón còn có động lực từ chính sách thuế VAT. Theo SSI Research, việc chuyển từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% sẽ làm tăng giá cuối cùng mà người tiêu dùng (nông dân) phải trả. Tuy nhiên, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Phân bón Phú Mỹ, mã DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã DCM) cho biết, trong trường hợp có sự cạnh tranh khốc liệt giữa phân bón nội địa và nhập khẩu, các công ty nội địa có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm 5% thuế VAT, từ đó hỗ trợ người nông dân. Vì vậy, mức tăng giá của phân bón sản xuất trong nước sẽ ít hơn so với phân bón nhập khẩu.

Cụ thể, phân bón nhập khẩu hiện có giá thấp hơn từ 3 - 5% so với phân bón nội địa. Trong trường hợp cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu như giai đoạn 2015 - 2019, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa được hoàn thuế VAT trên chi phí sản xuất có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm 5% VAT vào giá bán, giúp thu hẹp chênh lệch giá với phân bón nhập khẩu và khuyến khích nông dân sử dụng phân bón sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng có thể yêu cầu hoàn thuế VAT vào chi phí sản xuất. Điều này chủ yếu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất urê và DAP, những doanh nghiệp sản xuất phân bón từ nguyên liệu thô (khí tự nhiên, than đá, đá phốt phát), trong khi tác động đến các doanh nghiệp sản xuất NPK là rất ít. Nguyên liệu đầu vào dùng cho các sản phẩm NPK chủ yếu là phân bón đơn (urê, phốt phát đơn và kali), nên dù áp dụng cơ chế không chịu thuế hay chịu thuế VAT đều không ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu.
Kế hoạch lợi nhuận 2025
Nhờ chính sách thuế mới, doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sẽ cạnh tranh hơn về giá so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
Năm 2025, Phân bón Cà Mau xây dựng kế hoạch kinh doanh với ước tính doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 774 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm 2024, kế hoạch này tăng 3,9% về doanh thu, nhưng giảm 42% về lợi nhuận.
Giới phân tích cho rằng, kế hoạch lợi nhuận năm nay của Phân bón Cà Mau là thận trọng, doanh nghiệp có thể thực hiện ở mức cao hơn, nhất là khi có khoản chiết khấu thuế VAT đầu vào từ tháng 7/2025.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, năm 2025, Phân bón Cà Mau có thể đạt doanh thu 13.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.480 tỷ đồng, lần lượt tăng 4 và tăng 11% so với năm 2024.
SSI Research có đánh giá tích cực hơn khi nhận định, lợi nhuận năm 2025 của Phân bón Cà Mau có khả năng tăng 29% so với năm 2024.
Với Phân bón Phú Mỹ, doanh nghiệp này có thể đón nhận cú huých tăng trưởng từ giá urê tăng và cơ chế thuế VAT mới. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá phân urê trên thị trường quốc tế ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số, trong khi đây là sản phẩm chủ lực của Công ty.
Thuế VAT 5% áp dụng từ tháng 7/2025 được ACBS ước tính, Phân bón Phú Mỹ sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào 170 tỷ đồng trong năm 2025 và 350 tỷ đồng trong năm 2026.
Tuy mức độ hưởng lợi từ chính sách thuế VAT mới trên thực tế sẽ phụ thuộc vào mức hỗ trợ giá bán giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của Phân bón Phú Mỹ được SSI Research kỳ vọng có thể đạt 50%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần DAP - Vinachem (mã DDV) được kỳ vọng duy trì nền tảng tăng trưởng nhờ các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ Đông Xuân và chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc (tới hết quý I/2025). Cùng với đó, DAP - Vinachem hưởng lợi từ chính sách thuế VAT thay đổi theo hướng tích cực.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2025 của DAP - Vinachem có thể đạt 3.414 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và tăng 49% so với năm 2024.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC), năm 2025, doanh thu ước tính sẽ tăng 18%, với giả định giá phốt pho vàng tăng 4% và doanh nghiệp có khả năng tăng sản lượng tiêu thụ ở tất cả các danh mục sản phẩm. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận có thể tăng nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu tự khai thác cao hơn. Các yếu tố này đưa đến mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm nay dự kiến đạt 32%.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) phân tích, biên lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang thời gian tới có thể cải thiện do doanh nghiệp có kế hoạch nâng cấp, mở rộng thêm 11 ha tại Khai trường 25 (Lào Cai), dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2025, góp phần tăng tính chủ động về nguồn nguyên vật liệu chính là quặng Apatit từ 80% hiện tại lên 90%, thậm chí 100%.
Trên sàn chứng khoán, lợi nhuận khả quan là động lực tăng trưởng của các cổ phiếu nói chung, nhóm phân bón nói riêng. Năm 2024, cổ phiếu ngành phân bón đã ghi nhận hiệu suất vượt trội so với VN-Index khi tăng 27%, hơn gấp đôi mức tăng của chỉ số chung.
Bước sang năm 2025, nhiều cổ phiếu ngành phân bón có diễn biến tăng giá như DCM, DDV, DPM... Không ít nhà đầu tư đã đưa cổ phiếu phân bón vào danh mục giải ngân từ đầu năm, nhằm đón “sóng” khi chính sách thuế VAT mới sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-phan-bon-them-dong-luc-post363469.html