Ngành Quản lý thị trường đẩy mạnh tuyên truyền trong lĩnh vực thương mại điện tử
Số vụ vi phạm và xử lý trong hoạt động thương mại điện tử thời gian qua không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp, ngành QLTT đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực này.
Nhiều mặt hàng thực phẩm cũng bị làm giả
Báo cáo về hoạt động quản lý thị trường, Bộ Công thương cho hay, đáng quan ngại là số vụ vi phạm và xử lý trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp.
Trong đó, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sau khi nổi lên sự việc hàng loạt các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành văn bản số 8598/BCT-TMĐT, ngày 26/10/2024 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, để đạt hiệu quả trong công tác giám sát lĩnh vực này, các địa phương đã tổ chức tập huấn về đào tạo khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Đơn cử, từ ngày 3-4/12, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại (thuộc Bộ Công thương), Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn, Phòng giáo dục thành phố Lạng Sơn tổ chức hai Hội nghị tập huấn về đào tạo khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương và Hội nghị tập huấn cho các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nội dung buổi tập huấn gồm những vấn đề quan trọng, thiết yếu về đào tạo khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương như khởi sự kinh doanh trên nền tảng số; chuyển đổi số; các vấn đề về cơ bản về khởi sự doanh nghiệp, xúc tiến thương mại trên nền tảng số và ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả trong kinh doanh thương mại điện tử, maketing điện tử...
Hội nghị đã được nghe báo cáo viên tuyên truyền về các nội dung mối nguy an toàn thực phẩm (ATTP) và các biện pháp kiểm soát mối nguy; các quy định của pháp luật liên quan đến ATTP; an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất...các học viên được đối thoại, trao đổi với báo cáo viên sôi nổi về các vấn đề liên quan.
Còn khoảng trống về khung pháp lý
Dù vậy, vấn đề kiểm soát ngành này vẫn còn nhiều điều phải bàn. Đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng, lĩnh vực thương mại điện tử đặc thù, kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và ảo, giữa thực thể tồn tại và thực thể không gian số, vì vậy khung pháp lý còn mảng trống cần phải hoàn thiện, đặc biệt là chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, khó khăn, vướng mắc còn từ quá trình thực thi pháp luật về thương mại điện tử do khung hành lang pháp lý chưa rõ ràng; công tác quản lý kinh doanh trên mạng Internet phức tạp và gặp nhiều khó khăn vướng mắc do các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi thông tin, thông tin đăng ký thường là các thông tin giả…
Nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại trên môi trường điện tử cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý ngành, đại diện Sở Công thương Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng cần hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế.
Nghiên cứu, quản lý chặt chẽ thương mại điện tử xuyên biên giới, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử. Xây dựng các giải pháp tra cứu, cảnh báo tín nhiệm của các chủ thể trong thương mại điện tử; ban hành các bộ tiêu chí xếp hạng đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai ứng dụng thương mại điện tử.
Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới.
Triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử…