Ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý 'giải cơn khát' giáo viên tích hợp

Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo giáo viên đầu tiên có sinh viên chính quy tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý.

Tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới, theo đó, Lịch sử và Địa lý là môn học tích hợp ở bậc trung học cơ sở. Vì vậy, nhu cầu về đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý trên toàn quốc là vô cùng cấp bách.

Chính vì vậy, khi Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý vào năm 2021, ngành học này nhanh chóng thu hút rất nhiều thí sinh.

Học ngành tích hợp để phát triển toàn diện

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sự đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực. Để làm điều đó thì học sinh phải học các môn tích hợp, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh.

Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Lịch sử và Địa lý tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn toàn mới ở Việt Nam, có sự cập nhật phù hợp với tình hình trong nước, và có sự tham khảo chương trình tiên tiến ở các nước trên thế giới.

Sự khác biệt giữa đào tạo đơn môn và đào tạo tích hợp là người học, tức các giáo viên tương lai không chỉ có kiến thức ở một môn mà phải có kiến thức nhiều môn, trong đó phải có phương pháp dạy học tích hợp, thay đổi cách dạy từ đơn môn sang liên môn”.

 Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo... Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc phát kiến địa lí…

Sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý của Trường Đại học Giáo dục được tiếp cận với các phần mềm, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó trở thành các giáo viên vững về chuyên môn và thành thạo trong công nghệ giáo dục, đáp ứng nhu cầu cũng như xu hướng mới của giáo dục hiện nay.

Theo thầy Thành, sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các hoạt động giáo dục trong nhà trường; tích lũy được kiến thức nền tảng về giáo dục và đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức chuyên môn, làm chủ kiến thức tất cả các học phần; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào dạy học môn Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở, đồng thời phục vụ cuộc sống và tự học suốt đời; biết vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để tổ chức các hoạt động học tập của học sinh theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm, có kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo.

Bên cạnh đó, người học biết triển khai các phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với các chủ đề dạy học tích hợp liên môn Lịch sử và Địa lý; lựa chọn, đánh giá tính hiệu quả của các phương pháp dạy học tích cực và kết cấu nội dung các chủ đề dạy học tích hợp; đáp ứng sự phát triển của giáo dục trong hiện tại và tương lai.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể giảng dạy tại các trường trung học cơ sở; nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu. Các em cũng có thể học tiếp các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ để có thể giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và các cơ quan khoa học, các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng nghiên cứu khoa học xã hội, các cơ quan trong các lĩnh vực gần khác như: báo chí, du lịch, văn hóa....

 Sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục tham quan học tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục tham quan học tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Sinh viên có cơ hội nghề nghiệp lớn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Khuất Thị Thúy Xoan - cựu sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục cho biết: “Khi học xong kì 1 năm nhất tại Trường Đại học Giáo dục, em tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Đây là ngôi trường đầu tiên trên cả nước tiên phong trong đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, em nghĩ đây là một cơ hội nghề nghiệp rất lớn và có thể bứt phá ra khỏi vùng an toàn học một ngành học mới”.

Ấn tượng của Xoan về chương trình đào tạo ngành Lịch sử và Địa lý là các học phần bao quát được hết tất cả các chủ đề tích hợp trong chương trình môn học giáo dục phổ thông 2018, khi dạy các thầy cô luôn định hướng rõ ràng mục tiêu cần đạt.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều các học phần liên quan đến phương pháp dạy học liên môn, từ đó sinh viên được thực hành dạy học rất nhiều. Các thầy cô luôn tạo điều kiện tối đa để sinh viên được phát huy hết các kỹ năng cũng như kiến thức.

Ngoài ra chương trình đào tạo cũng bám sát kiến thức bao quát hết được chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp sinh viên có cái nhìn tổng thể nhất về ngành học cũng như định hướng nghề nghiệp. Hiện tại, Xoan đang giảng dạy tại một trường tư thục tại Hà Nội.

 Khuất Thị Thúy Xoan đang giảng dạy tại Hệ thống giáo dục Vinschool, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Khuất Thị Thúy Xoan đang giảng dạy tại Hệ thống giáo dục Vinschool, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Vì đây là ngành học mới của trường, một số nội dung học tập còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, em đã nỗ lực học tập tham gia các hoạt động học tập, các buổi chia sẻ về chương trình học, phương pháp học để có thể nắm vững kiến thức và hoàn thành tốt chương trình học.

Sinh viên cần phải tham gia nhiều buổi thí nghiệm, thực hành tại phòng thí nghiệm và thực địa đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận.

Vậy nên trước và trong quá trình diễn ra các hoạt động chúng em luôn phải tập trung và tuân thủ các quy trình an toàn trong khi thực hành đồng thời tuân theo sự hướng dẫn của thầy cô giảng viên hướng dẫn” - Xoan chia sẻ.

Hứa Thị Thảo - thủ khoa đầu ra của ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục chia sẻ về lý do mình lựa chọn ngành học này: “Thứ nhất, Lịch sử và Địa lý là môn học mà em yêu thích, và khi đó chỉ có một trường đại học duy nhất đào tạo chương trình tích hợp của hai môn này. Thứ hai, đầu ra của ngành học này cũng sẽ được đảm bảo hơn vì mình đang học môn tích hợp theo chương trình mới”.

Cũng theo Thảo, khung chương trình được xây dựng từ cơ bản cho tới nâng cao. Sinh viên sẽ được học trước các kiến thức lý thuyết cơ bản và sau đó khi có sự trải nghiệm thông qua các kì kiến tập thì hướng tới các học phần thực hành để tiếp cận gần hơn với thực tế dạy học tại các trường phổ thông.

Ngoài ra, người học cũng được tiếp cận với các phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chuyến thực địa trải nghiệm miền Trung (Ảnh: NVCC)

Sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chuyến thực địa trải nghiệm miền Trung (Ảnh: NVCC)

“Khi học ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý, dù lượng kiến thức cũng rất nhiều nhưng với sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô giáo đã giúp em có thêm động lực và niềm tin vào sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Đây cũng là ngành học đòi hỏi sự linh hoạt, ghi nhớ thông tin cũng như sự suy luận logic từ người học, nhờ vậy giúp em cải thiện kỹ năng rất nhiều” - Thảo chia sẻ.

Năm thứ tư, Thảo được thực tập tại một trường công lập chất lượng cao tại Cầu Giấy. Với những kiến thức được học ở trên trường, Thảo thấy mình đã tự tin đứng lớp để dạy học cho các bạn học sinh.

“Với những kiến thức học được trên trường, em nghĩ bạn sinh viên nào cũng sẽ có đủ tự tin để dạy môn Lịch sử và Địa lý” - Thảo cho biết.

 Hứa Thị Thảo đi thực tập tại Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Hứa Thị Thảo đi thực tập tại Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, nhà trường cũng phối hợp với các đối tác tuyển dụng để có thể tiếp nhận sinh viên ngay từ năm thứ 4. Trong thời gian đó, các em sẽ được bồi dưỡng thêm để trở thành giáo viên cơ hữu của nhà trường.

“Nhu cầu giáo viên giảng dạy tích hợp rất lớn, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội lại là cơ sở đầu tiên giảng dạy cử nhân ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất cao” - thầy Thành cho biết.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-su-pham-lich-su-va-dia-ly-giai-con-khat-giao-vien-tich-hop-post244094.gd