Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên 200 nghìn tấn/năm phải có hệ thống xử lý, thu hồi năng lượng
Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại, ưu tiên lựa chọn tái sử dụng, tái chế nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải rắn. Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật về môi trường và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ đối với bãi chôn lấp chất thải rắn.
QUỸ ĐẤT ĐẢM BẢO DIỆN TÍCH, THỂ TÍCH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHÔN LẤP TỪ 20 NĂM TRỞ LÊN
Dự thảo quy chuẩn đưa ra yêu cầu về lựa chọn địa điểm, vị trí bãi chôn lấp chất thải rắn cũng như yêu cầu về thiết kế và xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn.
Theo đó, địa điểm bãi chôn lấp chất thải rắn phải nằm trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Vị trí bãi chôn lấp chất thải rắn không nằm trong vùng lũ, cấu trúc địa chất không ổn định, vùng biển xói lở và đáp ứng khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật.
Khu vực xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn phải có quỹ đất đảm bảo đủ diện tích, thể tích đáp ứng yêu cầu chôn lấp lượng chất thải rắn phát sinh tối thiểu từ 20 năm trở lên trong vùng quy hoạch. Quy mô bãi chôn lấp chất thải rắn được xác định theo quy đinh tại TCVN 13766: 2023- Chất thải rắn– bãi chôn lấp hợp vệ sinh– yêu cầu thiết kế.
Việc thiết kế và xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường được xem xét, thực hiện theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13766: 2023, trong đó phải đáp ứng ba yêu cầu cụ thể.
Thứ nhất, thành và đáy có cấu tạo ít nhất gồm lớp lót đáy, lớp thu gom nước rỉ rác; lớp chống thấm và lớp đất sét nền gia cố. Trường hợp bãi chôn lấp được thiết kế để chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải được thiết kế thành các ô riêng biệt cho chất thải rắn sinh hoạt và cho chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Thứ hai, hệ thống thu gom nước rỉ rác phải được thiết kế và lắp đặt để hạn chế thấp nhất khả năng tích tụ nước ở đáy ô chôn lấp, bao gồm các rãnh, ống dẫn và hố thu đảm bảo thu gom toàn bộ nước rò rỉ về trạm xử lý nước thải. Mạng lưới ống thu gom nước rỉ rác phải được đặt ở bên trong tầng thu gom và phân bố đều trên toàn bộ đáy ô chôn lấp. Phải có đường ống kỹ thuật để thực hiện thông tắc đường ống thu gom nước rỉ rác phát sinh trong quá trình vận hành.
Thứ ba, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải có hệ thống thu gom và xử lý khí bãi rác. Theo đó, bãi chôn lấp có quy mô nhỏ và vừa (nhỏ hơn 100 nghìn tấn/năm) đến hơn 200 nghìn tấn/năm bắt buộc phải có hệ thống thu gom khí bãi rác.
Tuy nhiên, với bãi chôn lấp có quy mô nhỏ hơn 100 nghìn tấn/năm không bắt buộc phải có hệ thống xử lý khí bãi rác. Còn với bãi chôn lấp có quy mô trên 100 nghìn tấn đến 200 nghìn tấn phải xử lý hoặc đột bỏ. Đặc biệt, với bãi chôn lấp quy mô rất lớn (trên 200 nghìn tấn/năm) phải có hệ thống xử lý và thu hồi năng lượng.
KHÔNG ĐƯỢC CHÔN LẤP CÁC LOẠI CHẤT THẢI CÓ KHẢ NĂNG TÁI CHẾ
Ngoài ra, việc thiết kế và xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại được tham khảo theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13439: 2022 về bãi chôn lấp chất thải nguy hại- Yêu cầu thiết kế, trong đó phải bắt buộc đáp ứng yêu cầu cụ thể.
Theo đó, thành và đáy có cấu tạo ít nhất gồm lớp lót đáy, lớp thu gom nước rỉ rác thứ nhất; lớp chống thấm thứ nhất; lớp thu gom nước rỉ rác thứ hai; lớp chống thấm thứ hai; lớp đất sét nền gia cố.
Có hệ thống thu gom nước mưa riêng với hệ thống thu gom nước rỉ rác. Đối với các ô chôn lấp có kích thước lớn hơn 2.000 m2 phải thiết kế hệ thống thoát nước mưa trong ô chôn lấp độc lập với hệ thống thu gom nước rỉ rác. Hệ thống thoát nước mưa trong ô chôn lấp chỉ áp dụng khi chưa có chất thải. Chất thải đổ tới đâu, hệ thống thoát nước mưa trong ô chôn lấp sẽ được lấp đến đó.
Đồng thời có mái che (cố định hoặc di động) hoặc sử dụng bạt phủ kín toàn bộ ô chôn lấp chất thải nguy hại khi không hoạt động, chỉ được mở bạt để chôn lấp chất thải khi trời không mưa. Chiều cao tối đa của bãi chôn lấp chất thải nguy hại trên mặt đất không quá 5 m (tính cả lớp phủ bề mặt khi đóng bãi chôn lấp).
Lớp phủ bề mặt cuối cùng khi đóng bãi chôn lấp phải bao phủ toàn bộ diện tích bãi chôn lấp chất thải nguy hại và được kéo dài ra hai bên thành ô chôn lấp mỗi bên 0,6 m và có độ dốc tối thiểu 3-5% để nước mưa dễ dàng thoát khỏi bãi chôn lấp.
Bãi chôn lấp chất thải nguy hại có diện tích lớn hơn 5.000 m2 thì phải chia thành các ô chôn lấp với diện tích tối đa mỗi ô không quá 5.000 m2.
Dự thảo quy chuẩn cũng quy định cụ thể về vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại, ưu tiên lựa chọn tái sử dụng, tái chế nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
Chất thải nguy hại phải được phân loại để tách các loại chất thải nguy hại không được phép chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải nguy hại và tiền xử lý (nếu cần thiết) trước khi chôn lấp. Dự thảo quy chuẩn cũng quy định cụ thể các chất thải nguy hại không được phép chôn lấp.
Công tác vận hành bãi chôn lấp chất thải nguy hại phải tuân thủ các quy định về quản lý chất thải nguy hại và tuân thủ quy trình được cơ quan cấp phép thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phê duyệt. Phải lập sổ nhật ký vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn, trong đó ghi rõ thông tin về số lượng, loại và thành phần chất thải nguy hại được chôn lấp hàng ngày hoặc khối lượng, chủng loại chất thải rắn thông thường khác; kết quả đo đạc, phân tích và các giám sát khác của bãi chôn lấp.
Đối với bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, không được phép chôn lấp các loại chất thải có khả năng tái chế sau khi được phân loại và các loại sản phẩm, bao bì phải được tái chế theo quy định; các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường chứa các thành phần nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định…
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, với hơn 1.200 bãi chôn lấp. Trong đó, riêng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày và có khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp. Theo các chuyên gia việc đầu tư xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đúng mức. Hiện có 2 hình thức xử lý rác truyền thống là chôn lấp và tiêu hủy. Theo hình thức chôn lấp, chỉ có hơn 20% được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này đã ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh bãi chôn lấp rác. Trong gần 30% lượng rác thải còn lại không được chôn lấp sẽ xử lý theo hình thức tiêu hủy. Tuy nhiên, khoảng 2/3 được đốt tiêu hủy, không phát điện. Phương pháp này gây ô nhiễm môi trường, tạo ra khí nhà kính...