Ngành Tài chính phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Do đó, công tác PCTN của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực.
Không còn thái độ cửa quyền, hách dịch
Báo cáo kết quả công tác PCTN 9 tháng qua của Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống camera giám sát và Phòng Giám sát hải quan trực tuyến cho phép giám sát quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, đồng thời kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực của công chức hải quan; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các biểu hiện gây phiền hà, tiêu cực của công chức hải quan để có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để. Trong 9 tháng năm 2022, toàn ngành Hải quan đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với 25 trường hợp do có vi phạm liên quan trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hải quan hoặc vi phạm pháp luật. (Các trường hợp này sau khi bị xử lý kỷ luật đều bị chuyển đổi vị trí công tác khác, không bố trí trực tiếp làm nghiệp vụ hải quan).
Tổng cục Thuế ban hành công văn để triển khai thực hiện nghiêm túc việc tăng cường quản lý, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ… Trong 9 tháng qua, toàn ngành Thuế đã thực hiện 179 cuộc kiểm tra về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đối với 459 đơn vị.
Cũng trong 9 tháng, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 546 đơn vị. Kết quả từ các cuộc kiểm tra cho thấy, cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách.
Xác định việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là giải pháp cốt lõi giúp đẩy lùi những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tính từ giữa tháng 12/2021 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 12 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, với việc thực hiện nhiều giải pháp, công tác PCTN của Bộ Tài chính thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức. Theo đó, những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã từng bước được ngặn chặn, đẩy lùi.
Kiên quyết không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, tiêu cực đã nêu rõ: PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực phải trong sạch, liêm chính, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt phải nêu gương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhắc nhở: “Người đứng đầu không liêm chính thì không thể nhắc được người khác”, theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự là “tấm gương sáng”, tránh việc “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.
Luân chuyển cán bộ để phòng chống tham nhũng
Trong 9 tháng, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.416 người (trong đó, Tổng cục Hải quan 1.334 người; Tổng cục Thuế 3.595 người; Kho bạc Nhà nước 446 người…). Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng đã được các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Thực hiện các quy định trong PCTN và kiên quyết đẩy lùi những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong toàn ngành, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.
Đặc biệt, ông Trần Huy Trường nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.
Phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra
Trong 9 tháng năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 7 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, 2 cuộc thanh tra đột xuất); lưu hành 2 kết luận thanh tra tại 2 đơn vị. Qua thanh tra kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 76,3 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 35 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 208 triệu đồng; giảm lỗ trên 41 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp NSNN trên 6,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành. Kết quả, 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 981 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 26 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 101 tổ chức và 540 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 495 người, cách chức 1 người.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã thực hiện 54.209 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 644.011 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 8.718 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 45.431 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trên 3.007,6 tỷ đồng; các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị số tiền trên 7.730,8 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, ngân sách tại các đơn vị đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.