Ngành Tài chính tập trung cao cho công tác hoàn thiện pháp luật những tháng cuối năm

Chiều 11/11, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban đánh giá lại kết quả công tác tháng 10 và triển khai nhiệm vụ tháng 11/2024. Tại hội nghị, các ý kiến trao đổi tập trung xung quanh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Thứ trưởng Lê Tấn Cận và Thứ trưởng Bùi Văn Khắng.

Xây dựng, hoàn thiện văn bản cơ bản đảm bảo tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tháng 10/2024 vừa qua, công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh có nhiều điểm nhấn.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị giao ban. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị giao ban. Ảnh: Đức Minh.

Nhiều dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Trong đó đặc biệt là giải trình, tiếp thu dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); trình dự án 1 luật sửa 7 luật với nhiều nội dung tháo gỡ những vướng mắc mang tính cấp bách về ngân sách, chứng khoán, kiểm toán, công sản, dự trữ,…

Một số dự án khác như Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được hoàn thiện, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo 24 văn bản để quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó có 13 văn bản đã được ban hành và 11 văn bản đang soạn thảo, hoàn thiện.

Các dự án xây dựng Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như các Thông tư phải ban hành theo thẩm quyền cũng đang được các đơn vị tập trung đảm bảo theo tiến độ.

Liên quan đến hoàn thiện pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, các dự án xây dựng Nghị định của Chính phủ do đơn vị chủ trì cơ bản đang đảm bảo tiến độ.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã trình Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cũng đã được hoàn thiện, đang đăng tải rộng rãi để xin ý kiến trước khi chính thức trình.

Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ kết nối với Bộ Công an để triển khai hoãn xuất nhập cảnh tự động. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế xong có thể được giải quyết gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh sớm nhất có thể.

Về cơ chế chính sách, tháng qua, có một nội dung được người dân, doanh nghiệp và truyền thông quan tâm là việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế.

Chia sẻ xung quanh nội dung này, ông Mai Xuân Thành cho hay đây là một trong những giải pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả. 10 tháng qua, ngành Thuế thu hồi được hơn 58 nghìn tỷ đồng nợ thuế, tăng 33% cùng kỳ, giảm 39% so với cuối tháng 9/2024.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc tạm hoãn xuất cảnh với các đối tượng nợ thuế đã “lên đến” Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến khác nhau. Dù vậy, Tổng cục Thuế vẫn bám sát các quy định hiện hành để thực hiện.

Các đơn vị dự hội nghị từ các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Đức Minh.

Các đơn vị dự hội nghị từ các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Đức Minh.

Khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống

Trong lĩnh vực hải quan, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng, tháng qua, ngành Hải quan tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC. Nội dung sửa đổi của văn bản này hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Thủ tục hải quan có thuận lợi, minh bạch, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng cục Hải quan cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Một điểm nữa, trong tháng 10, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi phí thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Theo ông Vũ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, đây là một văn bản khó, mất nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng. Khi ban hành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc thời gian qua. Hiện việc đưa chính sách vào cuộc sống đang được Bộ Tài chính rốt ráo triển khai.

Một số đại diện lãnh đạo các vụ, cục khác cũng chia sẻ rằng, công tác hướng dẫn việc triển khai Luật Giá, Luật Đất đai, một số nội dung liên quan đến quản lý tài sản công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện...đều đang được các đơn vị nỗ lực triển khai.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị giao ban, Thứ trưởng Lê Tấn Cận và Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đều thống nhất quan điểm “việc hôm nay chớ để ngày mai” khi hoàn thiện các văn bản pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành các văn bản bởi văn bản ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến việc tháo gỡ các vấn đề trong thực tiễn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, ngành Tài chính đã hoàn thành 99,4% dự toán thu ngân sách nhà nước.

Điều này thể hiện sự phát triển tích cực của nền kinh tế với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính, trong đó có sự đóng góp của ngành Thuế và Hải quan.

Chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa là năm 2024 sẽ kết thúc, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị trong ngành Tài chính triển khai các công việc một cách khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm, trong đó tập trung cao độ cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện chống lãng phí trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ban hành Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết; giám sát khả năng trái phiếu doanh nghiệp; quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và các nhiệm vụ quan trọng khác.

Bên cạnh đó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất số thu ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị chủ trì, đặc biệt là Vụ Pháp chế bám sát tiến độ và có phương thức phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan trong quá trình xin ý kiến, giải trình, tiếp thu.

Việc này vừa đảm bảo không để xảy ra chậm, muộn tiến độ, vừa kịp thời cập nhật các ý kiến đóng góp để báo cáo lãnh đạo Bộ có phương án phản hồi, giải trình, tiếp thu hiệu quả nhất./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-tai-chinh-tap-trung-cao-cho-cong-tac-hoan-thien-phap-luat-nhung-thang-cuoi-nam-163747.html